Theo Reuters, việc điều chỉnh dự báo của trường Đại học Washington diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh Covid-19 được xác nhận ở Mỹ đến ngày 28/4 đã vượt mốc 1 triệu người, chiếm 1/3 tổng số ca bệnh trên toàn cầu.
Số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ đã tăng gấp đôi sau 18 ngày và số ca nhiễm bệnh thực tế ở nước này được cho là còn cao hơn số ca bệnh được xác nhận vì các quan chức y tế cộng đồng cảnh báo rằng tình trạng thiếu nhân lực được đào tạo và thiết bị xét nghiệm khiến nhiều ca bệnh không được ghi nhận.
Khoảng 30% các trường hợp nhiễm bệnh ở Mỹ đã xảy ra ở bang New York – tâm điểm của đợt bùng phát dịch tại Mỹ, tiếp theo là New Jersey, Massachusetts, California và Pennsylvania.
Theo một thống kê của Reuters, hơn 56.500 người Mỹ đã tử vong vì dịch bệnh Covid-19. Trung bình kể từ đầu tháng đến nay, mỗi ngày ở Mỹ có khoảng 2.000 ca bệnh mới. Nước Mỹ bắt đầu ghi nhận ca tử vong đầu tiên do dịch bệnh này vào tháng 2.
Trường Đại học Washington – cơ sở có các dự báo thường được các quan chức Nhà Trắng và các cơ quan y tế Mỹ trích dẫn - đã điều chỉnh dự báo số người chết vì đại dịch Covid-19 tại Mỹ lên thành hơn 74.000 người vào ngày 4/8, tăng so với dự báo trước đó là 67.000.
Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe của trường Đại học Washington cuối ngày 27/4 cho biết rằng số ca tử vong ở Mỹ do dịch bệnh Covid-19 gây ra không giảm nhanh sau khi đạt mức cao nhất hàng ngày vào ngày 15/4 với khoảng 2.700 ca tử vong được ghi nhận như dự báo trước đó.
Theo dự báo của trường Đại học này, trong khi hầu hết các bang của Mỹ dường như đã vượt qua đỉnh dịch. 7 bang là Hawaii, Mississippi, Texas, Wyoming, Utah, Nebraska và North Dakota có thể hiện mới đang ở đỉnh dịch hoặc chứng kiến đỉnh dịch trong những tuần tới.
Dịch bệnh đã tác động đáng kể đến người lao động Mỹ. Theo báo cáo, số người Mỹ đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 5 tuần qua đã tăng vọt lên 26,5 triệu người, cho thấy rõ tác động kinh tế của đại dịch.
Cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có thể lên tới hơn 16% trong tháng 4 trong khi nhiều người Mỹ đang loay hoay vì phải tuân thủ lệnh ở nhà.
Trong khi đó, khoảng 10 bang ở Mỹ đã bắt đầu chuyển sang khởi động lại nền kinh tế của họ.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo rằng việc khôi phục sớm các chính sách gây xáo trộn xã hội này có thể dẫn tới sự gia tăng các bệnh mới.
Trong một dấu hiệu khác về tác động của đại dịch đối với hoạt động của Mỹ, Thủ lĩnh phe đa số tại Hạ viện Mỹ Steny Hoyer ngày 28/4 cho biết, Viện này sẽ không quay trở lại họp tại Washington vào tuần tới như kế hoạch.
Theo ông Hoyer, các nhà lãnh đạo Hạ viện đã nhận được cảnh báo từ bác sĩ của Viện này về nguy cơ tới sức khỏe của các nhà lập pháp trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh vẫn đang gia tăng ở thủ đô của Mỹ.