Tại phiên chất vấn đối với lĩnh vực nội vụ, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 là chủ trương lớn, có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, Nhân dân các địa phương.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện trong thời gian rất ngắn, chưa đánh giá tác động đầy đủ, chưa lường hết các tình huống phức tạp phát sinh, một số địa phương chưa tạo được sự đồng thuận cao của người dân, cho đến nay còn rất nhiều khó khăn, bất cập chưa được giải quyết.
“Phải chăng, chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng cho công việc hệ trọng và phức tạp này? Vậy theo Phó Thủ tướng, việc tổ chức thực hiện trong thời điểm, thời gian và cách làm như vậy có vội vàng, chủ quan không? Với trách nhiệm của mình, Phó Thủ tướng sẽ chỉ đạo để giải quyết những khó khăn, bất cập đối với các đơn vị hành chính mới thành lập sau sắp xếp và khi nào sẽ được giải quyết xong?”, đại biểu đặt câu hỏi chất vấn.
Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, là chủ trương lớn, quan trọng.
Đây là việc thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị năm 2008, Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính.
Sau khi có các nghị quyết trên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo lộ trình và yêu cầu đặt ra.
Dẫn báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng khẳng định việc thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và các đơn vị trong giai đoạn 2019-2021 bước đầu hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, giảm được 8 huyện, 561 xã, góp phần tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế và giảm chi ngân sách nhà nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cũng đã nêu một số tồn tại sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, cho biết việc này có những nguyên nhân khách quan và chủ quan.
“Đây là lần đầu chúng ta triển khai vấn đề hết sức quan trọng này và cũng có những nguyên nhân là còn chưa làm rõ, phân định rõ được các tiêu chí như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ trình xin ý kiến cấp thẩm quyền về đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thiện các quy định về chế độ, chính sách đối với các đơn vị hành chính, cán bộ, công chức, viên chức ở nơi sắp xếp, nhất là đối với cán bộ dôi dư.
Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trường hợp cần có chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ sẽ khẩn trương nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét.
Báo cáo thêm về việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, Chính phủ cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và đã triển khai với quyết tâm cao, tinh thần quyết liệt và bám sát chủ trương, quy định của Đảng và của Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và chỉ đạo các bộ tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp để kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo bộ máy tinh gọn theo đúng chủ trương của Đảng.
Kiên quyết sắp xếp lại các tổ chức không đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí và giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm các đơn vị sự nghiệp công trong các Bộ, ngành Trung ương.
Chính phủ cũng đã quán triệt tất cả các bộ tăng cường trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thẩm định, cơ quan có liên quan nhằm tạo được sự đồng thuận để đưa ra nghị định về cơ cấu tổ chức bộ máy của các Bộ.
Đến thời điểm này, Chính phủ đã ban hành 15 nghị định liên quan đến các bộ, còn lại 11 bộ, ngành sẽ được tiếp tục có các nghị định về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ trong thời gian tới.
“Dự kiến sẽ giảm 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ”, Phó Thủ tướng cho biết. Tới đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan khẩn trương rà soát, tổ chức công việc sau khi kiện toàn, quan trọng là bảo đảm kiện toàn tinh gọn nhưng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước một cách thông suốt, hiệu quả.
Về vấn đề tinh giản biên chế được nhiều đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định đây cũng là chủ trương lớn của Đảng nhằm góp phần đổi mới chế độ công vụ và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiết kiệm chi ngân sách để tạo nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương.
Ghi nhận ý kiến các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng cho hay, thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thực hiện tinh giản biên chế theo đúng lộ trình, mục tiêu đặt ra tại các nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.
Đến năm 2021, đã giảm 27.530 biên chế công chức, đạt 10, 01%; giảm 236.366 biên chế viên chức, đạt 11,67%.
"Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế còn mang tính cơ học, cào bằng, chưa gắn với cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. ", Phó thủ tướng thừa nhận.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, tới đây, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, sắp xếp các đơn vị hành chính, hoàn thiện vị trí việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cải cách hành chính. Đổi mới công tác đánh giá bảo đảm thực chất quan tâm đến việc bố trí công tác giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư.
Riêng về giáo dục và y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc bố trí đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và cũng là bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp, có bệnh nhân phải có cán bộ y tế”.