Dự kiến mức thuế tối thiểu 15% đối với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, trước mắt dự kiến sẽ đưa mức thuế tối thiểu 15% đối với các doanh nghiệp và các tập đoàn chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu theo khung của OECD.
Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế Đặng Ngọc Minh chia sẻ tại VBF.
Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế Đặng Ngọc Minh chia sẻ tại VBF.

Liên quan đến chính sách thuế, tại Phiên cao cấp Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 diễn ra hôm nay - 19/3, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, để khắc phục tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu (GMT) sắp tới, Eurocham đề xuất các biện pháp khuyến khích đầu tư mà có thể bao gồm miễn thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian miễn thuế đất và ưu đãi dựa trên chi phí, đặc biệt là chi phí nghiên cứu và phát triển.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), đại diện Eurocham lưu ý: “Chúng ta phải đảm bảo rằng việc xóa bỏ thuế nhập khẩu theo EVFTA không bị mất tác dụng do thuế TTĐB lại tăng để bù lại, vì nó sẽ làm suy giảm mục đích thúc đẩy thương mại song phương của hiệp định thương mại tự do.”

Để giảm thiểu tác động bảo hộ của thuế TTĐB, Eurocham cho rằng Chính phủ có thể xem xét áp dụng hệ thống thuế TTĐB hỗn hợp đối với rượu vang và rượu mạnh, đồng thời miễn thuế TTĐB cho các sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, Eurocham kêu gọi Chính phủ Việt Nam giảm hoặc miễn thuế TTĐB cho các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường và đối với phương tiện giao thông thải ra ít carbon như xe điện.

Cũng liên quan đến Thuế, để giúp doanh nghiệp (DN) phục hồi và phát triển bền vững, Hiệp hội DN Anh quốc tại Việt Nam (Britcham) khuyến nghị Chính phủ xem xét gia hạn thêm một năm đối với chính sách giảm thuế GTGT 2%.

Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (Amcham) đề nghị cần hài hòa chính sách thuế và hải quan với các tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể: Hoàn thành Hiệp ước thuế song phương; Thực hiện Trụ cột 2: Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu; Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); Thuế TTĐB; Thuế đối với nhà thầu nước ngoài hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số; Chuyển nhượng vốn trực tiếp; Chuyển nhượng vốn gián tiếp; Chi phí được khấu trừ thuế TNDN;Chi phí khuyến mại; Khấu trừ tiền lương ngừng việc của người lao động; Số ngày nghỉ hàng năm chưa nghỉ hết;Chi phí làm thêm giờ quá mức; Cách tiếp cận của hải quan công bố cơ chế và hướng dẫn xử lý điều chỉnh giá chuyển nhượng; Quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan (tức Thông tư 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2021) do Bộ Tài chính ban hành.

Các Hiệp hội DN nước ngoài tại Diễn đàn

Các Hiệp hội DN nước ngoài tại Diễn đàn

Trao đổi tại Diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh, chủ đề thúc đẩy tăng trưởng xanh của VBF năm nay có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế của Việt Nam.

Theo Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, để tăng trưởng xanh bền vững, Việt Nam cần nguồn lực tài chính rất lớn từ trong nước và đầu tư từ nước ngoài.

Năm 2017, Việt Nam tham gia là thành viên thứ 100 cùng hành động BEPS với mục tiêu cải cách hệ thống thuế: Chống sói mòn nguồn thu, chống trốn thuế toàn cầu, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, khơi thông các nguồn thu tiềm năng trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế, đầu tư toàn cầu và đặc biệt từ sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số toàn thế giới.

“Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp quan trọng cho nguồn thu nội địa quan trọng như khoản thu từ đất đai, chuyển nhượng bất động sản, hay các nguồn thu từ thương mại điện tử bao gồm hoạt động dịch vụ kinh tế số xuyên biên giới, tạo nguồn lực tài chính quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội…” - ông Minh cho hay.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, trong chương trình BEPS, đặc biệt trụ cột 2, Việt Nam theo dõi sát động thái các nước trên thế giới và đã có báo cáo, kiến nghị cụ thể tới Chính phủ. Chính phủ đã có tổ công tác chuyên về trụ cột 2 với sự tham gia của các bộ ngành và cộng đồng DN, đã đưa ra được quy chế hoạt động. Bộ Tài chính cũng đã có dự thảo các biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài ứng phó, tận dụng cơ hội từ các cải cách chính sách thuế toàn cầu.

“Về các giải pháp chính sách thuế, trước mắt chúng tôi dự kiến sẽ đưa mức thuế tối thiểu 15% đối với các DN và các tập đoàn chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu theo khung của OECD. Tiếp theo là ban hành các quy định, quy chế về khấu trừ thuế tại nguồn tại Việt Nam…” - Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh chia sẻ.

Về trung hạn, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, sẽ kiến nghị sửa đổi các ưu đãi thuế bảo vệ nguồn thu trong nước; ban hành thuế tối thiểu 15%; ban hành ưu đãi thuế theo hướng hỗ trợ các chi phí đầu tư, đào tạo lao động; hỗ trợ cho tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường…

Bộ Tài chính cũng ghi nhận những kiến nghị của Hiệp hội về hướng dẫn thuế đối với các dịch vụ số xuyên biên giới, khẳng định chủ quyền quản lý thuế và tuân thủ theo các công nghệ quốc tế.

“Bộ Tài chính luôn hướng tới việc bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, cũng như bảo vệ cho người tiêu dùng hợp lý, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh cho các DN trong nước, cũng như DN nước ngoài.Bộ Tài chính mong muốn các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam nghiên cứu các biện pháp qua thuế nhằm bảo vệ môi trường như thuế các-bon, cắt giảm khí thải….” - Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định.

Đồng thời bày tỏ mong muốn các Hiệp hội tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài chính để tham gia xây dựng các chính sách kiến nghị, cùng hành động để phát triển kinh tế xã hội.

Phấn đấu ban hành thuế tối thiểu toàn cầu trong năm nay

Về ý kiến của các Hiệp hội DN tại VBF, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động xử lý, khẩn trương phản hồi các kiến nghị, tăng cường đối thoại chính sách, truyền thông chính sách, bảo đảm thực hiện đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam. Đồng thời, xem xét tiếp thu, lồng ghép các đề xuất, kiến nghị hợp lý của các đại biểu tại Diễn đàn vào các chương trình, kế hoạch hành động của bộ, ngành để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH; đồng thời, phục vụ trong công tác tham mưu, xây dựng pháp luật trong thời gian tới.

Về đề xuất thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.

Đọc thêm