Về tổ chức bộ máy, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Mai Xuân Trường cho biết, hiện Hà Nội không có chính sách riêng đối với cán bộ nghỉ hưu sớm do sắp xếp. Việc này sẽ thực hiện theo chính sách của Trung ương. Thành phố sẽ chuyển toàn bộ biên chế cấp huyện xuống cấp xã, đồng thời cũng chuyển một số cán bộ cấp thành phố xuống xã. Số lượng biên chế sẽ được giữ nguyên trong 5 năm.
Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (12 quận, 17 huyện, một thị xã) và 526 đơn vị hành chính cấp xã (160 phường, 345 xã và 21 thị trấn). Thành phố chưa công bố số phường xã sau sắp xếp, nhưng nếu giảm 70% theo định hướng của lãnh đạo, Hà Nội sẽ còn 133 phường, xã và thị trấn.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin, theo tinh thần chỉ đạo, đơn vị hành chính cấp xã mới sau sáp nhập sẽ có diện tích không quá lớn, cũng không quá nhỏ. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã cũng sẽ được tính toán hợp lý nhất để thực hiện chức năng nhiệm vụ của Thủ đô. Bởi nếu số lượng nhiều quá thì không quản nổi, còn số lượng ít quá thì cũng "xa dân".
Đến ngày 18/4, 7 quận đã triển khai việc lấy ý kiến nhân dân và đưa ra phương án cụ thể về sắp xếp phường.
|
Ảnh: Lao động |
Các quận, huyện khác cũng có phương án dự kiến sắp xếp các xã, phường để lấy ý kiến nhân dân, chưa phải là phương án chính thức của Hà Nội.
Quận Tây Hồ có 8 phường gồm Bưởi, Thụy Khê, Yên Phụ, Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An, Xuân La, Phú Thượng. Dự kiến sắp xếp thành phường Tây Hồ và phường Phú Thượng.
Một số phường khu vực dọc sông Hồng dự kiến được sáp nhập với một số phường của quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Long Biên để thành lập phường Hồng Hà.
Quận Bắc Từ Liêm có 13 đơn vị hành chính cấp xã gồm Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Đức Thắng, Đông Ngạc, Thụy Phương, Liên Mạc, Thượng Cát, Tây Tựu, Minh Khai, Phú Diễn, Phúc Diễn, Xuân Đỉnh, Xuân Tảo.
Dự kiến sắp xếp thành 5 phường gồm Bắc Từ Liêm 1 (phường Tây Tựu), Bắc Từ Liêm 2 (phường Phú Diễn), Bắc Từ Liêm 3 (phường Xuân Đỉnh), Bắc Từ Liêm 4 (phường Đông Ngạc), Bắc Từ Liêm 5 (phường Thượng Cát).
Quận Nam Từ Liêm dự kiến sắp xếp 10 phường hiện tại thành 4 phường gồm Từ Liêm, Tây Mỗ, Đại Mỗ và Xuân Phương.
Huyện Mỹ Đức có 20 xã, thị trấn, gồm Đồng Tâm, Thượng Lâm, Phúc Lâm, Tuy Lai, Mỹ Xuyên, An Mỹ, Hồng Sơn, Lê Thanh, Xuy Xá, Phùng Xá, Hợp Tiến, Đại Nghĩa, Hợp Thanh, An Phú, Đại Hưng, Phù Lưu Tế, Hương Sơn, An Tiến, Hùng Tiến, Vạn Tín.
Dự kiến sắp xếp thành 4 xã Phúc Sơn, xã Hồng Sơn, xã Mỹ Đức, xã Hương Sơn.
Huyện Mê Linh có 17 đơn vị cấp xã gồm Chi Đông, Quang Minh và 15 xã: Chu Phan, Đại Thịnh, Hoàng Kim, Kim Hoa, Liên Mạc, Mê Linh, Tam Đồng, Thạch Đà, Thanh Lâm, Tiền Phong, Tiến Thắng, Tiến Thịnh, Tráng Việt, Tự Lập, Văn Khê.
Dự kiến sắp xếp thành 4 xã gồm Mê Linh, Quang Minh, Yên Lãng, Tiến Thắng.
Huyện Phúc Thọ dự kiến sắp xếp 18 đơn vị hành chính cấp xã thành 3 xã gồm Phúc Thọ, Phúc Lộc, Hát Môn.
UBND thành phố Hà Nội mới ban hành Hướng dẫn số tổ chức lấy ý kiến nhân dân và thông qua HĐND các cấp về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố.
Đối tượng lấy ý kiến là cử tri đại diện hộ gia đình thường trú trên địa bàn quận, huyện, thị xã. Việc phát phiếu lấy ý kiến trực tiếp cho đại diện hộ gia đình hoặc tổ chức hội nghị cử tri đại diện hộ để phát phiếu lấy ý kiến do UBND cấp xã quyết định (tùy theo điều kiện, địa phương lựa chọn hình thức phù hợp).
Nội dung lấy ý kiến: Xin ý kiến cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ hình thành trên địa bàn quận, huyện, thị xã; xin ý kiến về dự kiến tên gọi của các đơn vị hành chính mới. Thời gian hoàn thành chậm nhất ngày 21/4/2025.
Tổ lấy ý kiến nhân dân có trách nhiệm nhận phiếu do UBND cấp xã cấp; phát phiếu cho từng hộ dân; thời gian hoàn thành chậm nhất ngày 21/4.
Cấp xã tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi đến cấp huyện; thời gian thực hiện chậm nhất ngày 24/4.
Cấp huyện tổng hợp, thông qua chủ trương thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn; tổng hợp kết quả báo cáo UBND thành phố; thời gian thực hiện chậm nhất trong ngày 26/4.
UBND TP Hà Nội sẽ hoàn thiện hồ sơ, trình HĐND thành phố thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở mới; hoàn thành trong ngày 29/4.
UBND TP Hà Nội sau đó sẽ tổng hợp, hoàn thiện đề án và hồ sơ trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định, hoàn thành trước ngày 1/5.