Dư luận Mỹ nóng lòng đợi báo cáo điều tra của công tố viên đặc biệt

(PLVN) - Dư luận và các đảng chính trị của Mỹ ngày 24/3 nóng lòng chờ đợi công bố những phát hiện chính trong báo cáo về kết quả cuộc điều tra kéo dài 2 năm của công tố viên đặc biệt đối với cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Bộ trưởng tư pháp Mỹ Barr rời nhà riêng ngày 23/3
Bộ trưởng tư pháp Mỹ Barr rời nhà riêng ngày 23/3

Theo AFP, Công tố viên đặc biệt Robert Mueller ngày 22/3 đã gửi báo cáo mật cuối cùng về kết quả cuộc điều tra kéo dài 22 tháng của ông về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 tới Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr. Vì đây là báo cáo mật nên Bộ trưởng Barr sẽ là người quyết định về thời gian và mức độ công bố các nội dung trong báo cáo. Theo quy định, ông Barr sẽ phải tóm tắt báo cáo điều tra cho Quốc hội Mỹ.

Đến ngày 24/3, Người phát ngôn Nhà Trắng Hogan Gidley cho biết chưa nhận được hay được thông báo về các kết luận chính trong báo cáo của ông Mueller. Về phía Tổng thống Mỹ Donald Trump, khác với mọi khi, lần này, ông vẫn chưa có phát biểu nào trên tài khoản mạng xã hội Twitter. Trong khi đó, đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ, bao gồm nhiều người đang hy vọng có được bằng chứng ủng hộ việc luận tội tổng thống, đã  lên tiếng cho rằng cần phải đảm bảo toàn bộ nội dung báo cáo được công khai chứ không chỉ là bản tóm tắt do của Bộ trưởng Barr. Áp lực chính trị và từ công chúng đối với việc tiết lộ đầy đủ nội dung báo cáo đối với ông Barr là khá lớn. Trong một lá thư gửi tới Quốc hội trước đó, ông này đã lên tiếng cam kết sẽ minh bạch nhiều nhất có thể. Reuters cho biết, ngày 23/3, Bộ trưởng tư pháp Mỹ đã dành 9 giờ đồng hồ để nghiên cứu bản báo cáo.

Tuy nhiên, có một thông tin quan trọng đã được Bộ Tư pháp Mỹ xác nhận, đó là trong báo cáo, ông Mueller không đưa ra thêm bất kỳ cáo trạng nào. Điều này đồng nghĩa với việc những nhân vật gần gũi với Tổng thống, bao gồm cả con trai ông Donald Trump Jr và con rể Jared Kushner, thoát được nguy cơ trở thành mục tiêu của cuộc điều tra. Cuộc điều tra gần 2 năm qua của ông Mueller đã dẫn tới việc truy tố gần 40 thực thể và cá nhân, trong đó có 6 cựu trợ lý của ông Trump. 5 trong 6 người này đến nay đã phải nhận tội với những cáo buộc chống lại họ. Đối với bản thân ông Trump, quy định của Bộ Tư pháp Mỹ ngăn ông Mueller đề nghị truy tố tổng thống. Song, báo cáo của ông vẫn có thể đưa ra những chi tiết về các hành vi của ông Trump có thể trở thành cơ sở cho một nỗ lực luận tội.

Ông Mueller - một công tố viên hình sự kỳ cựu 74 tuổi và cựu giám đốc FBI - đã điều tra xem các thành viên của chiến dịch của Trump có thông đồng với người Nga để làm sai lệch kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 hay không. Ngoài ra, ông cũng đã điều tra về việc liệu các hành động của ông Trump, bao gồm cả vụ sa thải Giám đốc FBI James Comey vào tháng 5/2017 có phải là việc cản trở công lý hay không. Kết thúc cuộc điều tra, ông Mueller phải cung cấp cho Bộ trưởng tư pháp Barr một báo cáo mật, trong đó giải thích lý do tại sao ông quyết định truy tố hoặc không truy tố các đối tượng của cuộc điều tra. Ông Barr được ông Trump đề cử giữ chức Bộ trưởng tư pháp Mỹ vào tháng 2 vừa qua, sau khi ông Trump sa thải người tiền nhiệm Jeff Sessions. Ngày 23/3, ông Barr cũng khẳng định sẽ minh bạch nhiều nhất có thể.

AP cho rằng bản báo cáo đánh dấu việc chấm dứt cuộc điều tra của ông Mueller nhưng cũng có thể sẽ mở màn cho các cuộc đối đầu chính trị khác tại Mỹ trong những ngày sắp tới.