Báo chí quốc tế những ngày qua đồng loạt có các bài viết nhận xét về nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Điểm chung của các bài báo nhấn mạnh cộng đồng quốc tế kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kinh tế xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định. Việt Nam thực hiện nhất quán các chính sách ngoại giao, nâng cao trách nhiệm cũng như sự tin tưởng của Việt Nam với tư cách là một thành viên của cộng đồng quốc tế.
Hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên tờ Senshoku Shimposha |
Báo Senshoku Shimposha ( Nhật Bản) ngày 06/08/2011 viết :
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tỏ ra rất xuất sắc trên cương vị thủ tướng một đất nước đổi mới, bước đầu hội nhập nền kinh tế quốc tế như Việt Nam. Trong nhiệm kỳ thứ nhất, thành tích nổi bật của ông Dũng được trong nước cũng như cộng đồng quốc tế công nhận đó là những thành tựu kinh tế hết sức ấn tượng. Ông Dũng cũng là người “đặt cột mốc” cho bước chuyển đưa Việt Nam từ nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình.
Ở góc độ khác, ông Dũng còn được nhìn nhận là nguyên thủ có tầm ảnh hưởng lớn ở khu vực Châu Á với những quyết sách đúng đắn và đường lối ngoại giao khôn ngoan. Năm ngoái, ở cương vị chủ tịch ASEAN, ông đã có những hoạt động xuất sắc nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực, nâng cao vị thế của các nước ASEAN trong cộng đồng quốc tế.
Ông Dũng được nhân dân tiếp tục tín nhiệm và tái đắc cử chức Thủ tướng ngay trong thời điểm Việt Nam đang vật lộn với những khó khăn do kinh tế vĩ mô bất ổn. Sự tín nhiệm này cho thấy nhân dân tiếp tục đặt lòng tin vào sự quyết đoán của ông Dũng- khi ông quyết liệt chỉ đạo thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Với đất nước Nhật Bản, ông Dũng là vị nguyên thủ dễ mến với cộng đồng doanh nhân Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam và cũng là vị nguyên thủ “giữ lời hứa” với những tình cảm sâu sắc dành cho đất nước Nhật Bản. Những kiến nghị của giới doanh nhân Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam được Thủ tướng thường xuyên lắng nghe và xem xét, lưu tâm giải quyết. Chính phủ Việt Nam thường xuyên cập nhật và sử dụng các báo cáo của Jetro để cải cách môi trường kinh doanh và đầu tư trong nước. Với lợi thế nhân công rẻ, thị trường lớn và chính trị ổn định, Việt Nam ngày càng có lợi thế so sánh với các nước trong khu vực khi các doanh nhân Nhật Bản đi tìm cơ hội đầu tư ở nước ngoài.
Hiện nay, Nhật Bản tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong năm 2010 chủ yếu là nông sản thực phẩm, hải sản, may mặc, gỗ và sản phẩm từ gỗ... Bên cạnh đó, Nhật Bản còn là thị trường quan trọng đối với ngành dệt may và da giày của Việt Nam.
Các tập đoàn lớn của Nhật Bản như Mitsui, Toray, Marubeni, Nissho Iwai đang hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi để mong muốn trở thành doanh nghiệp phụ trợ cho các công ty Nhật Bản. Ông Trần Anh Vương- Tổng giám đốc tập đoàn Thép Bắc Việt- người vừa khánh thành một nhà máy chuyên sản xuất khuôn mẫu và sản phẩm nhựa cao cấp cho hay khách hàng mà đơn vị này hướng tới chính là nhà đầu tư Nhật Bản. Ông Trần Anh Vương khẳng định đây chính là hướng đi mới của các doanh nghiệp nhằm đón đầu một xu thế không thể khác để thay đổi cả “chất” và “lượng” của doanh nghiệp Việt Nam.
Các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam cũng đặt nhiều lạc quan vào triển vọng kinh doanh và đầu tư lâu dài vào Việt Nam nhất là khi Việt Nam không có những biến động về chính trị và việc ông Dũng tiếp tục tái đắc cử vị trí Thủ tướng đang mở ra những cơ hội tốt đẹp hơn nữa trong quan hệ ngoại giao và thương mại giữa hai nước.
Với nhan đề “ Thương nhân Malaysia tiếp tục đầu tư vào Việt Nam”, Báo Nanyang Siang Pau ngày 05/08/2011 cũng dành nhiều dòng ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Và cho rằng trong nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng, mối quan hệ hợp tác và tình hữu nghị tốt đẹp Việt Nam-Malaysia sẽ được đưa lên tầm cao mới.
Bài báo cũng đưa tin : thống kê của Bộ Kế hoạch & đầu tư Việt Nam cho thấy, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Malaysia vào Việt Nam không ngừng gia tăng nhất là trên địa bàn TP.HCM.
Một trong những nhà đầu tư đáng chú ý nhất của Malaysia tại Việt Nam là Petroliam Nasional Bhd (Petronas) đã hợp tác với Petro Vietnam thăm dò, khai thác dầu từ năm 1991.
Ngoài ra còn có nhiều DN Malaysia khác thành công tại Việt Nam như IGB xây dựng khách sạn New World ở TP.HCM, khách sạn Sheraton (Hà Nội) của Tập đoàn Faber, Tập đoàn bán lẻ Parkson (Lion Group), Nhà máy cao su APL…
Tờ “THE KOREA HERALD” ( Hàn Quốc) ngày 20 tháng 7 năm 2011 cũng có bài viết về Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và những chính sách đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho nhân dân. Tờ báo này cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những quyết sách đúng đắn, hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, “hy sinh tăng trưởng nóng” nên dù tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2011 của Việt Nam ước chỉ đạt 5,57% song bước đầu đã kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, đạt được sự nhất trí và đồng thuận cao của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân; sự hoan nghênh và ủng hộ của các tổ chức tài chính và dư luận quốc tế. Tờ báo này nhận xét: Ông xứng đáng là một vị Thủ Tướng Chính phủ xuất sắc nhất của các nước Châu Á trong giai đoạn hiện tại.
Trên báo Nga ngày 8.8.2011, Viện sỹ GLAZUNOV E,Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Nga-Việt chia sẻ: Trong thời gian thăm VN vào năm ngoái, Tôi đã thăm các tỉnh miền Bắc, miền Nam của Việt Nam, và đều thấy rằng những nhiệm vụ cụ thể đặt ra của chính phủ, trong đó có việc xây dựng cuộc sống mới cho nông thôn Việt Nam, đang được thực hiện không ngừng và đang thành công tốt đẹp.
Suy nghĩ đến hoàn cảnh của Nước Nga, Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng Chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đang vững bước trên con đường phát triển và tiến bộ xã hội mà nhân dân đã lựa chọn. Ông Nguyễn Tấn Dũng giữ trọng trách Thủ Tướng Chính phủ, nền kinh tế VN, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn của Khủng hoảng kinh tế thế giới, vẫn giữ được mức tăng trưởng khá cao. Các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và duy trì tiềm năng kinh tế và khoa học kỹ thuật của đất nước đã nhận được sự đánh giá cao của Ngân hàng thế giới và các tổ chức tín dụng quốc tế khác.
Lập trường trước sau như một của Chính phủ Việt Nam trong duy trì, phát triển và thực hiện đường lối đổi mới quản lý nền kinh tế của đất nước, trong duy trì và nâng cao chủ nghĩa ái quốc của nhân dân Việt Nam, trong lập trường cứng rắn bảo vệ các lợi ích của dân tộc, đã đem lại cho Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sự trân trọng và niềm tin của nhân dân Việt Nam, của các Tổ chức kinh tế và chính trị trên thế giới. Bằng chứng của điều này là tốc độ đầu tư đầy triển vọng ở Việt Nam vẫn đươc giữ vững, cho phép Chính phủ và nhân dân Việt Nam lạc quan bước tới tương lai.
Thành Lê ( Tổng hợp)