Bàn luận về Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng, sáng nay, nhiều ĐBQH cho rằng, hầu hết các vụ tham nhũng được phát hiện đều do báo chí. Tuy nhiên, Dự thảo Luật không những không đưa ra các quy định để khuyến khích báo chí, bảo vệ họ để tận dụng nguồn lực này, mà lại coi họ như một “cấp dưới” của các cơ quan khác trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng.
|
Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 4 |
Dự thảo luật phòng chống tham nhũng làm "nhụt" ngòi bút?
Liên quan đến vai trò của báo chí trong việc phòng chống tham nhũng, đa số các ý kiến đề cập đến lĩnh vực này đều nhận định báo chí đã phát huy vai trò rất tích cực trong việc phòng chống tham nhũng.
Hầu hết các vụ tham nhũng được phát hiện đều do báo chí. Tuy nhiên, Dự thảo Luật không những không đưa ra các quy định để khuyến khích báo chí, bảo vệ họ để tận dụng nguồn lực này, mà lại coi họ như một “cấp dưới” của các cơ quan khác trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng.
“Khẳng định vai trò của báo chí, nhưng luật dường như lại làm cho báo chí nhụt đi”, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhận định.
ĐB Dương Trung Quốc thẳng thắn: Phần lớn vụ việc là do nhà báo phát hiện, nhưng Luật này không thể hiện để khai thác triệt để thế mạnh này.
Ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc khiến nhiều người phải suy nghĩ. Ông cho rằng, với quy định như hiện nay, không thể phủ nhận: "Chỉ có người tham nhũng một cách "vụng về" mới bị phát hiện...".
ĐB Nguyễn Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề xuất, cần có cơ chế pháp luật rõ ràng để phát huy vai trò của báo chí, cơ quan ngôn luận, để họ có điều kiện tác nghiệp, và đảm bảo an toàn tối đa cho họ.
ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) kiến nghị thêm, Luật phải bổ sung thêm quy định về việc cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm phản hồi lại ý kiến báo chí đã phản ánh về tham nhũng.
Ai phải công khai, công khai ở đâu?
Vấn đề các đại biểu bàn luận nhiều nhất là công khai tài sản. Hai vấn đề tập trung các ý kiến đóng góp là ai phải công khai tài sản, và công khai ở đâu.
Theo dự thảo luật hiện tại, chỉ những đối tượng được liệt kê trong điều 48 Dự luật mới phải có nghĩa vụ kê khai tài sản. Nhiều ý kiến cho rằng không nên chỉ quy định “cán bộ, công chức từ phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị” mới phải kê khai tài sản, mà tất cả cán bộ là đảng viên đều phải kê khai tài sản.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phát biểu: “Cứ là đảng viên thì phải công khai”. Đại biểu Nguyễn Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cũng đồng quan điểm này, đề nghị cần bổ sung thêm cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên phải công khai tài sản.
Đồng tình với quan điểm cần mở rộng đối tượng công khai tài sản, nhưng đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) lại không đồng ý chỉ đảng viên mới phải công khai. Bởi theo đại biểu Châu quy định như thế, vô hình chung tạo nên tâm lý trong quần chúng là những người đảng viên là đối tượng thường tham nhũng.
Ông nói: "Tôi không đồng tình. Nếu mở rộng như thế thì phải áp dụng với tất cả chứ không phải chỉ riêng đảng viên. Theo ý kiến của ông, tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều phải làm công việc này, bởi việc tham nhũng không chỉ diễn ra ở những người có chức quyền. Đại biểu Nguyễn Văn Minh (Bắc Cạn) cũng đề nghị đối tượng kê khai là tất cả cán bộ, công chức, viên chức. Bởi không phải chỉ những người có quyền hạn, là đảng viên mới tham nhũng".
Đại biểu Phạm Văn Hồ (Phú Yên) đề nghị bổ sung thêm đối tượng phải kê khai tài sản là cán bộ, công chức từ cấp phó trưởng phòng trở lên của Cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức khác.
Theo hướng mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, nhưng ý kiến của một số đại biểu thì đối tượng mở rộng lại là những người có liên quan đến các đối tượng mà Luật yêu cầu phải kê khai. Cụ thể ở đây là con đã thành niên. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói: “Nhiều cán bộ sở hữu những tài sản rất ít, trong khi đó, hầu hết nguồn tài chính của họ là con cái đứng thay".
Còn với Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng): “Đề nghị mở rộng đối tượng kê khai tài sản. Bố mẹ, anh chị em ruột, con đã thành niên cũng phải kê khai. Trong điều kiện thực tế của nước ta hiện nay, việc kê khai này sẽ hạn chế tham nhũng”.
Hậu vấn đề kê khai là công bố bảng kê khai này ở đâu cũng là nội dung được các đại biểu bàn đến rất nhiều. Một ý kiến cho rằng không nên công bố kê khai tài sản một cách công khai ở nơi cư trú của người kê khai, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của cá nhân. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến của các đại biểu khác lại cho rằng cần phải công khai tài sản, thu nhập của người kê khai tại nơi cư trú, có như vậy mới phát huy được vai trò của quần chúng nhân dân trong việc giám sát, phòng chống tham nhũng.
ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị), Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cùng quan điểm: Cần công khai tài sản ở cả nơi cư trú, để phù hợp với các quy định khác của chính luật này. Đồng thời để tăng niềm tin của người dân. Nếu không công khai, sẽ khó cho người dân giám sát, và cũng khó cho các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc giám sát. Đồng quan điểm này, nhưng đại biểu Trần Dương Tuấn (Bến Tre) nhấn mạnh: Cần phải công khai cả ở cơ quan và nơi cứ trú. Tuy nhiên, cần làm sao để tránh việc công khai theo kiểu hình thức.
Trong khi nhiều ý kiến đang hăng say bàn bạc vấn đề này thì đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) lại cho rằng không cần thiết phải bàn đến câu chuyện đó. Ông nói: “Về kê khai, minh bạch tài sản, tôi nghĩ nó chỉ mang tính hình thức, chưa hiệu quả. Vấn đề không phải là nhân viên không biết ai tham nhũng, mà là không dám tố cáo. Do đó, vấn đề là phải khuyến khích phòng chống tham nhũng. Thực tế trong thời gian gian qua, đã có vấn đề kê khai, nhưng chưa có vụ án nào được phát hiện qua việc kê khai tài sản".
Nhật Thanh