Dự thảo Nghị định về Quỹ phòng, chống thiên tai: Nhiều điều khoản “làm khó” doanh nghiệp và người lao động?

(PLVN) - Dự thảo Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai đang được Bộ NN&PTNT lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Trong văn bản phản hồi mới đây, 29 DN 100% vốn nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đã có những phản biện được đánh giá xác đáng.
Quỹ phòng, chống thiên tai sẽ được sử dụng vào các mục đích ngăn chặn hậu quả thiên tai.

Cách nào để thu từ người lao động?

Theo đại diện Bộ NN&PTNT, từ 2019-2020, thực hiện Nghị quyết 78/2019/QH14 của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp luật, Bộ NN&PTNT được Chính phủ giao tổ chức xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, và đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Thực hiện Quyết định 1109/QĐ-TTg của Thủ tướng về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, Bộ NN&PTNT tiếp tục chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 160/2018/NĐ-CP và Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai.

Đến nay, dự thảo của hai Nghị định đã được xây dựng và đăng trên Cổng Thông tin Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Phòng chống thiên tai và gửi đến 63 tỉnh thành, các cơ quan Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội lấy ý kiến.

Trong văn bản góp ý mới đây, 29 DN FDI cho biết hiện chưa có cách nào để thu quỹ từ người lao động. Vì theo quy định của Bộ luật Lao động và Nội quy lao động, DN không thể khấu trừ tiền lương của người lao động. Trong khi đó, "việc thu trực tiếp từng cá nhân bằng tiền mặt không thể thực hiện vì nhiều rủi ro, nguy hiểm, phức tạp như thu phải tiền giả, tình trạng mất cắp, biển thủ…", các DN nêu khó khăn.

Hơn nữa, DN chủ yếu là sản xuất, kinh doanh nên không thể tổ chức được hệ thống, nhân sự để thu và quản lý biên lai nếu thu bằng tiền mặt. Mặc dù DN đã tuyên truyền nhưng người lao động vẫn không hợp tác đóng quỹ.

Lao động tại DN cũng biến động thường xuyên và hàng ngày nên không thể thu của lao động nghỉ việc tại thời điểm nhận thông báo của quỹ về khoản tiền nộp. Đồng thời không thể thu của người lao động nghỉ thai sản, lao động nghỉ dài ngày. Trường hợp người lao động làm việc ở mỗi công ty rất ngắn nên chưa đóng quỹ tại bất cứ công ty nào, DN cũng không thể kiểm soát được. Do đó, DN không thể đảm bảo được kế hoạch thu quỹ và tổng thu thực tế là như nhau.

Đề xuất đầu mối là UBND cấp xã

Hơn nữa, các DN cho rằng họ cũng không có đủ khả năng để xác nhận giấy tờ công nhân viên nộp để được hưởng miễn, giảm, giấy chứng minh đã nộp quỹ tại địa phương, đã nộp quỹ tại DN cũ là thật hay giả mạo.

Thậm chí còn xảy ra sự bất công bằng về việc thu quỹ, lao động đã nộp quỹ tại địa phương và những DN đã nộp tại công ty cũ nhưng không có biên lai thu, việc thu tiếp sẽ khiến lao động đóng chồng chéo 2-3 lần. Mức đóng giữa địa phương và tại DN còn chênh lệch nhau 10 lần.

Các DN FDI đề xuất chuyển về một đầu mối duy nhất là UBND cấp xã nơi người lao động đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú để thu số tiền nói trên.

"Việc triển khai thu nộp quỹ chưa được thực hiện đồng đều ở các địa phương, DN khiến người lao động cảm thấy bất công bằng. Theo khảo sát của chúng tôi, đa số DN đã đóng quỹ hiện nay là DN có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều DN Việt Nam không biết về quỹ này", văn bản góp ý nêu.

Ngoài ra, nhóm DN FDI lo ngại tính minh bạch chi tiêu quỹ nói trên bởi: "Hầu hết các địa phương không có báo cáo chi tiết việc sử dụng quỹ dù theo quy định phải công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý quỹ. Người dân và DN đóng quỹ nhưng không được biết tiền của mình sử dụng thế nào".

Hoặc: "Liệu có xảy ra tình trạng kê khai khống thiệt hại do thiên tai gây ra để được hỗ trợ từ quỹ hay không, hoặc liệu tiền hỗ trợ từ Quỹ có đến tay được người dân?".

Theo văn bản góp ý, 29 DN đề xuất không quy định trách nhiệm thu, lập kế hoạch thu quỹ phòng chống thiên tai từ người lao động là của DN; mà chuyển về đầu mối duy nhất là cấp xã nơi lao động đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú.

Trong trường hợp ban soạn thảo giữ nguyên trách nhiệm của DN, các DN đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ ràng ngay tại Dự thảo về cách xử lý các vướng mắc, khó khăn đã nêu trên.

Dự thảo Nghị định quy định mức đóng quỹ của người lao động là 1 ngày lương/người/năm theo lương tối thiểu vùng sau khi trừ đi các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp. Đại diện các DN FDI cho rằng mức này là quá cao, tạo áp lực cho người lao động do đã đóng thuế và các quỹ khác.

Bản thân lao động cũng không thấy thuyết phục khi mức thu quỹ cao và có sự chênh lệch lớn khoảng 10 lần giữa lao động tự do và lao động trong DN.

Do đó, các đơn vị này đề nghị Ban soạn thảo thống nhất một mức thu quỹ chung là 15.000 đồng/người cho mọi đối tượng đóng góp, không phân biệt cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, DN nhà nước hay người lao động trong các DN và lao động tự do.

Theo điểm b, khoản 6, Điều 16 dự thảo Nghị định, Cơ quan BHXH có trách nhiệm “cung cấp thông tin về số lượng của người lao động của các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn cho UBND cấp huyện, xã để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch thu quỹ tại các cấp”. Tuy nhiên, quy định này không khả thi do Cơ quan BHXH hàng tháng chỉ tạm chốt số lượng lao động tại DN, và chốt một lần nữa vào tháng sau do đó sẽ xảy ra tình trạng không khớp với số lượng lao động thực tế của DN.

“Do đó, đề nghị Ban soạn thảo không quy định trách nhiệm của DN trong việc thu quỹ và trong trường hợp giữ nguyên thì đề nghị không quy định trách nhiệm của Cơ quan BHXH vào trong Dự thảo”, đại diện các DN FDI kiến nghị.

Đọc thêm