Tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Pháp lệnh quy định: “VKS kiểm sát về trình tự, thủ tục trong việc xem xét, quyết định đưa vào CSCNBB, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật”.
Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc Tòa xem xét, quyết định đưa vào CSCNBB có tác động đến quyền con người. Về bản chất, hoạt động này là hoạt động tư pháp.
Theo Hiến pháp và pháp luật thì VKS có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong việc giải quyết, đưa người bị đề nghị vào CSCNBB, VKS không chỉ kiểm sát trình tự, thủ tục, mà còn kiểm sát thẩm quyền, việc áp dụng các điều kiện hoãn, miễn, tạm đình chỉ, đình chỉ,... trực tiếp tham gia các phiên họp, phát biểu ý kiến cả trình tự, thủ tục và nội dung vụ việc; thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu để bảo đảm giải quyết vụ việc thực hiện đúng quy định.
Do đó, dự thảo Pháp lệnh quy định VKS kiểm sát trình tự, thủ tục là chưa đầy đủ. Cần quy định lại theo hướng: “VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật…”.
Có ý kiến cho rằng quy định như dự thảo là phù hợp, vì Luật Phòng, chống ma túy giao cho các cơ quan lập hồ sơ. Tòa án xem xét, quyết định đưa người bị đề nghị vào CSCNBB. Việc đưa vào CSCNBB không phải là biện pháp xử lý hành chính. Dự thảo quy định VKS chỉ kiểm sát trình tự, thủ tục là phù hợp chức năng, nhiệm vụ và tính chất, yêu cầu kiểm sát vụ việc.
Không đồng tình ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới tán thành quan điểm VKS phải kiểm sát việc tuân thủ theo pháp luật. Nếu dự thảo quy định VKS chỉ kiểm sát về trình tự, thủ tục trong xem xét, quyết định đưa vào CSCNBB, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị thì chưa đầy đủ. Bởi đây là vấn đề liên quan đến trẻ em, quyền con người và các điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia, nên VKS phải kiểm sát đầy đủ việc tuân thủ theo pháp luật.
Viện phó VKSNDTC Nguyễn Huy Tiến cũng cho rằng, Điều 107 Hiến pháp 2013 quy định VKS thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Khái niệm “kiểm sát hoạt động tư pháp”, Điều 4 Luật Tổ chức VKSND quy định “đó là hoạt động của VKS để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi và quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp”.
Nhấn mạnh việc ban hành quyết định của Tòa án bắt buộc chữa bệnh là hoạt động tư pháp, ông Tiến cho rằng, từ Hiến pháp 2013 đến Luật Tổ chức VKSND 2014, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Luật Tố tụng Hành chính 2015 đều quy định VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật, kiểm sát kể cả trình tự, thủ tục, nội dung, tức là việc ban hành ra quyết định, tính hợp pháp của quyết định đó. “Nếu quy định như dự thảo thì VKS chỉ kiểm sát về trình tự, thủ tục, không kiểm sát về nội dung. Quy định như vậy là không đầy đủ, chúng tôi đề nghị UBTVQH hết sức cân nhắc và chỉnh sửa Điều 4 dự thảo Pháp lệnh cho phù hợp”, ông Tiến kiến nghị.
Cũng theo ông Tiến, để thực hiện quyền này thì trong dự thảo Pháp lệnh phải quy định về việc giao hồ sơ, nhưng dự thảo chưa có quy định về việc VKS nghiên cứu hồ sơ như thế nào, tại Tòa hay Tòa chuyển cho VKS.
Đồng tình ý kiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cùng nêu quan điểm, cần chỉnh sửa khoản 1 Điều 4 dự thảo Pháp lệnh, quy định phạm vi kiểm sát của VKS phù hợp với quy định của Luật Tổ chức VKSND cũng như phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm sát.
Kết luận nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, cần phải có tài liệu cho VKS nghiên cứu để thực hiện nhiệm vụ. Còn tài liệu thế nào, trong Pháp lệnh có thể quy định ở mức độ phù hợp. Ngoài ra, các cơ quan cần có cơ chế phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện hiệu quả.
Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh, sẽ do Ủy ban Tư pháp chủ trì phối hợp Ủy ban Pháp luật, TANDTC và cơ quan hữu quan (Bộ LĐ-TB&XH, Công an, Y tế, Tư pháp…) thực hiện. Báo cáo tiếp thu giải trình, dự thảo Pháp lệnh, sau khi được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chỉnh lý về mặt kỹ thuật, sẽ được lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan trước khi trình UBTVQH xem xét, thông qua tại phiên họp ngày 24/3 tới đây.