Dư vị mặn sau vụ thảm án Yên Bái

(PLO) - Người cha của hung thủ của vụ trọng án ở thôn 16 (thôn Cài, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) cùng em trai hung thủ lúi húi sang nhà làm cơm cúng cho nạn nhân Phàn Thị Hà (SN 2000), khi nạn nhân Hà vừa được an táng trên lưng chừng núi đối diện cái bản làng yên bình nằm bên ngòi Cài chỉ vài chục giờ trước đó. Những khoảnh khắc chậm cho thấy một vụ trọng án còn nhiều điều phải nhìn lại.
Hung thủ Hùng bị bắt.
Hung thủ Hùng bị bắt.
Đau đớn ở ngòi Cài
13h chiều ngày 14/8/2015, khi các điểm chốt chặn của công an,quân đội, dân quân... ở huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) đang tiếp tục thiết lập, bao quanh khu vực núi con Voi, nơi được Ban chuyên án vụ thảm án giết 4 người trong gia đình anh Trần Văn Long xác định là trọng điểm nơi nghi can Đặng Văn Hùng đang lẩn trốn, quyết bắt nhanh hung thủ, thì ở thôn Cài, địa danh người dân hiền hòa ở đây vẫn gọi vậy, một đám tang lặng lẽ diễn ra.
Người Dao ở vùng này có phong tục cúng ma khô. Người chết sẽ được mang đi chôn ngay, và sau đó thì đám tang mới diễn ra. Ngay trong đêm 13/8, sau khi khám nghiệm hiện trường, thi thể cô gái năm nay mới 15 tuổi Phàn Thị Hà được bàn giao cho gia đình, và được chôn cất ngay trong đêm theo phong tục.
Cầu ngòi Cài, trước khi vào hiện trường vụ trọng án.

Cầu ngòi Cài, trước khi vào hiện trường vụ trọng án. 

Chiều 14/8, tất cả dân làng xúm lại, cùng giúp gia đình ông ông Phàn Văn Chung (SN 1974), bố của 2 nạn nhân Phàn Thị Hoa (SN 1995), Phàn Thị Hà (SN 2000).  Có mặt tại lễ tang, ông M. cắm cúi bên bếp lửa. “Ai làm người ấy chịu, giờ nó bị bắt rồi cứ để pháp luật trừng trị. Con dại cái mang, giờ chúng tôi phải chịu cái tai tiếng không biết dạy con, người có thằng con trời đánh” - ông M. buồn rầu nói. Ông M. là bố đẻ của hung thủ Đặng Văn Hùng.
Đ.V.C (em ruột nghi phạm Đặng Văn Hùng) cho biết: “Sau khi gây án, Hùng có về nhà và nói với bố tôi rằng: “tôi giết cả nhà thằng Long rồi”. Nhìn người Hùng đầy máu, bố tôi chết lặng. Thấy thế, Hùng còn dọa: “Ông nhìn gì, tôi chém nốt cả ông bây giờ”. Bố tôi vội bỏ chạy và báo cho gia đình nạn nhân biết sự việc. Bây giờ, Hùng trốn ở đâu tôi cũng không biết. Tôi không thể hiểu nổi tại sao anh ấy lại có thể làm những việc tày đình như thế này”.
Những người dân ở thôn Cài chuẩn bị lễ cúng ma cho nạn nhân Phàn Thị Hà.

Những người dân ở thôn Cài chuẩn bị lễ cúng ma cho nạn nhân Phàn Thị Hà.

Trong khi đó, bà L.T.H (mẹ đẻ nghi phạm Hùng) lặng lẽ nhúng chiếc khăn mặt vào chậu nước thơm rồi tỉ mẩn lau rửa từng li từng tí trên thi thể cô gái trẻ Phàn Thị Hà. Có lẽ bà nghĩ, việc tự tay bà khâm liệm, tắm rửa cho nạn nhân sẽ giúp bà thanh thản phần nào. Và đó cũng là một cách ít ỏi để gia đình bà chuộc lỗi lầm do đứa “nghịch tử” gây ra.
Một con trâu được mổ, cả thôn xúm lại giúp gia đình ông Chung làm lễ đưa tang cho 2 đứa con gái, cháu ngoại chưa đầy 2 tuổi và thằng con rể Trần Văn Long có tiếng hay lam hay làm, chịu thương chịu khó, ngay con suối tên Cài mà người xuôi vẫn gọi là ngòi, đổ thẳng ra sông Hồng, trong sự u uất đến nao lòng nhưng không hề có chút giận dữ, oán hờn.
Họ đang làm ma tiễn những đứa con ở thôn Cài về với ma rừng, ma núi, với đất, với suối, với sông. Họ nhìn sự việc không có sự oán thù giữa những người đang sống cùng nhau, mà chỉ với quan niệm rằng "ai làm sai thì người đó chịu".
Mẹ ruột nạn nhân Trần Văn Long gặp chúng tôi khi vừa nhận xác con trai, cháu nội Phàn Văn Tuyền (sinh 2013, con trai của anh Long chị Hoa), con dâu Phàn Thị Hoa (sinh 1995, vợ anh Long), bà Hoàng Thị Xay, từ trên núi về. Chai nước cầm vội khi gặp phóng viên, bà còn chưa kịp khóc.
Bà kể rằng thằng Long nhà bà hiền nhất xóm. Nhà có 9 anh chị em thì Long là con thứ 5, vừa một lần lở dở đường tình duyên, may mắn gặp Hoa, cưới từ 2013, cháu Tuyền sinh ra bị bệnh tim bẩm sinh, vừa chữa trị xong, Long đang tích cóp làm nhà thì gặp họa.
Trong câu chuyện của bà Xay kể vội, không có một lời oán trách nào, chỉ trách rằng "sao thằng Hùng nó ác thế. Nó là chú của con tôi cơ mà?". 
Ngôi nhà của ông Phàn Văn Trung (bố nạn nhân Phàn Thị Hoa và Phàn Thị Hà) được dựng bằng vách gỗ, lợp ngói xi măng nằm trên đồi. Một chiếc bạt đã được căng lên giữa sân chiều ngày 13/8, cạnh đó là mấy chồng bàn ghế chuẩn bị cho anh em, hàng xóm láng giềng đến dự lễ tang của con gái ông.
Ông Chung nghẹn ngào: "Cùng một lúc gia đình tôi mất hai người con gái, con rể và cháu trai. Hung thủ tàn ác quá. Cháu tôi có tội gì đâu. Hung thủ giết nó khi còn đang ngủ".
"Bố đẻ Hùng với mẹ vợ tôi là hai chị em ruột. Hùng là cậu của các cháu Long, Hoa, Hà và là ông của cháu Tuyền. Thế mà nó nỡ lòng nào ra tay tàn ác giết cháu như thế. Xót xa quá", ông Chung kể lại.
Với những người trong cuộc, sự manh động của hung thủ Đặng Văn Hùng là một trường hợp ngoại lệ. Điều đó khác biệt hoàn toàn với lối sống đùm bọc xóm giềng, phong tục sống hòa đồng của người Dao và người Kinh ở cái thôn Cài nằm tách biệt sâu trong núi, cách bờ sông Hồng hơn 10km, từ thị trấn Mậu A vào tới đây gần 50km này.
Những cán bộ công an vừa khám nghiệm hiện trường ra tới điểm chốt chặn ở thôn Cài chiều 13/8.
Những cán bộ công an vừa khám nghiệm hiện trường ra tới điểm chốt chặn ở thôn Cài chiều 13/8. 
Cuộc họp báo nhanh do UBND tỉnh Yên Bái tổ chức tại thôn Cài chiều 13/8 để thông tin về vụ án.

Cuộc họp báo nhanh do UBND tỉnh Yên Bái tổ chức tại thôn Cài chiều 13/8 để thông tin về vụ án. 

Bữa cơm muộn ở Mậu A
10h35' ngày 15/8, cuộc điện thoại giữa chừng cắt ngang buổi cà phê sáng chưa từng thảnh thơi của chúng tôi với các anh Đức, May (cán bộ văn phòng UBND huyện Văn Yên) bên cái  hồ yên ắng ở thị trấn Mậu A khiến chúng tôi chồm dậy: "Đã bắt được Hùng, Hán. Ở Lục Yên".
Cái thị trấn Mậu A ở tỉnh Yên Bái này vốn dĩ yên bình, tĩnh lặng như cái phần hồn mà những người dân hiền hậu ở đây vẫn sống, đột nhiên "dậy sóng" vì một vụ thảm án tận tít núi sâu. Từ đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, khi qua điểm kiểm soát vé, khi chúng tôi hỏi đường về xã Lâm Giang trưa 13/8, cán bộ soát vé chỉ đường tận tình, còn không thêm câu hỏi lại: "Các anh có quay lại đây không? Quay lại thì dừng chút uống chén nước với chúng em".
Hỏi lý do, thì ra họ quan tâm đến diễn biến của vụ án tàn ác này, ở vùng đất hiền hòa mà họ đang sinh sống.
Cái xã Lâm Giang nằm khuất nẻo, cách thị trấn Mậu A chừng 35km, đột nhiên "nổi tiếng" với lý do không giống ai. Nhưng thay vì sự tò mò hay buôn chuyện, những người dân ở Văn Yên đột nhiên tự bộc lộ cái chất hiền lành và phẫn nộ trước cái ác mà họ không thể chấp nhận, mà như thiếu tướng Đặng Trần Chiêu (Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái) khẳng định sau khi bắt được nghi phạm Đặng Văn Hùng: "Cơ quan chức năng bắt được hung thủ rất nhanh, là bởi sự đóng góp quý giá từ nguồn tin báo tội phạm của quần chúng nhân dân".
Ban Chuyên án vụ thảm án ở thôn Cài vào hiện trường ngày 14/8. Đi đầu, áo đen là thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến.

Ban Chuyên án vụ thảm án ở thôn Cài vào hiện trường ngày 14/8. Đi đầu, áo đen là thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến. 

Phút trao đổi nhanh của lực lượng truy bắt sau khi bắt được nghi phạm Đặng Văn Hùng, trên đỉnh đèo Tân Nguyên, khi đang di lý đối tượng về trại tạm giam công an tỉnh Yên Bái, trưa 15/8.

Phút trao đổi nhanh của lực lượng truy bắt sau khi bắt được nghi phạm Đặng Văn Hùng, trên đỉnh đèo Tân Nguyên, khi đang di lý đối tượng về trại tạm giam công an tỉnh Yên Bái, trưa 15/8. 

Người báo tin cho lực lượng chức năng gần 1.000 người truy quét trên diện tích 27.000 ha rừng để truy tìm nghi phạm Đặng Văn Hùng là ông Hoàng Văn Liên (trú tại thôn 2, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên, Yên Bái), làm nghề giết mổ lợn tại địa phương.
Ông Lục Văn Đoàn, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, trầm tư bên bát cơm muộn khi trời đã quá chính Ngọ rất lâu, trên đỉnh đèo Tân Nguyên, điểm phân ranh giới giữa 2 huyện Văn Yên và Lục Yên đầu giờ chiều ngày 15/8. Ông kể rằng cái huyện mà ông làm chủ tịch vốn dĩ rất yên bình, người dân sống với nhau tuy chưa giàu, nhưng vốn dĩ hiền lành, chất phác và rất biết đùm bọc nhau.
Ông cũng cho hay từ đêm 12/8/2015, khi vụ thảm án ở thôn Cài xảy ra, đây là bát cơm đầu tiên ông ăn được có vị gạo, khi hung thủ đã bị bắt. Sau sự việc này, ông còn rất nhiều việc phải làm, để ổn định lại tình hình địa phương, khi mà một vùng đất yên bình đột nhiên trở nên rúng động bởi những mâu thuẫn cá nhân âm ỷ.
Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, GĐ Công an tỉnh Yên Bái, tại hiện trường vụ án chiều 14/8.

Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, GĐ Công an tỉnh Yên Bái, tại hiện trường vụ án chiều 14/8.

Phút trầm tư của Phó GĐ Công an tỉnh Yên Bái, Thủ trưởng CQĐT, Đại tá Phạm Ngọc Thắng, tại thôn Cài chiều 14/8, khi chưa bắt được nghi phạm Đặng Văn Hùng.
Phút trầm tư của Phó GĐ Công an tỉnh Yên Bái, Thủ trưởng CQĐT, Đại tá Phạm Ngọc Thắng, tại thôn Cài chiều 14/8, khi chưa bắt được nghi phạm Đặng Văn Hùng.    
Văn Yên đột nhiên "nổi tiếng" bất đắc dĩ từ tối 12/8, và lần đầu tiên huyện miền núi vùng cao này chứng kiến cùng lúc hàng loạt cơ quan thông tấn báo chí "đổ bộ" phóng viên nhiều đến vậy. Hàng chục phóng viên của các tòa soạn chia thành từng nhóm chốt chặn và đồng hành cùng lực lượng chức năng để quyết truy tìm nhanh nhất hung thủ vụ trọng án. 
Bánh mỳ, nước lọc là những thứ đã luôn được chuẩn bị sẵn trên mỗi chuyến xe của cánh phóng viên đưa tin vào - ra hiện trường. Đêm muộn 14/8, từ hiện trường trở ra thị trấn Mậu A, một bữa cơm nóng đã UBND huyện này chờ sẵn, khi mà cả thị trấn đã chuẩn bị tắt đèn đi ngủ. Chúng tôi thấy trong ánh mắt Minh Quang (PV báo Tuổi trẻ), Hồ Phương (báo Công an TP.HCM) sự xúc động không thể giấu được, và đã cất tiếng "Cám ơn" chân thành.
Văn Yên, mảnh đất yên bình đột nhiên "nổi tiếng" bởi một vụ thảm án kinh hoàng. Nhưng thay vì sợ hãi, những người dân ở thị trấn Mậu A đã lại cho nhiều người lạ tới đây hiểu được sự gần gũi, sẻ chia của những người dân ở miền núi xa xôi một sự ấm tình đến lạ./.

Đọc thêm