Đứa bé bị người tình của mẹ đánh dã man: Đối tượng sẽ bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tối 4/8, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh một bé trai không mặc quần áo bị đánh đập dã man. Đứa trẻ khóc lóc van xin, liên tục gọi "ba, ba" nhưng người đàn ông ở trần vẫn chửi bới, đe dọa, đấm đá tới tấp, thậm chí có lúc người này còn nhấc bổng bé trai lên ném xuống.
Người đàn ông đánh đập bé trai 5 tuổi bị công an tạm giữ hình sự - Ảnh: Công an Bình Dương.
Người đàn ông đánh đập bé trai 5 tuổi bị công an tạm giữ hình sự - Ảnh: Công an Bình Dương.

Cùng thời điểm này, clip ghi hình xuất hiện một người phụ nữ đi qua, có lúc chạy đến can ngăn nhưng sau đó vẫn để bé trai chịu đòn. Đoạn clip được chia sẻ nhanh chóng gây phẫn nộ dư luận về hành động bạo hành dã man trẻ em của người đàn ông trên.

Tiếp nhận thông tin, Công an phường Bình Chuẩn (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) vào cuộc xác minh, xác định vụ việc xảy ra tại phòng trọ ở khu phố Bình Quới B. Cảnh sát sau đó đã tạm giữ Lê Hoài Nam (29 tuổi, ngụ TP HCM, tạm trú tại Bình Quới B, phường Bình Chuẩn) để làm rõ.

Tại cơ quan công an, Nam khai từ năm 2020 sống chung như vợ chồng với người phụ nữ 29 tuổi (quê TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, là mẹ của đứa trẻ bị hành hạ dã man trong clip). Từ đầu tháng 5 đến nay, Nam thuê nhà ở Khu phố Bình Quới B làm nơi bán cà phê, sống cùng “vợ hờ” và đứa bé. Thời gian sinh sống tại đây, Nam thường xuyên đánh đập, quát mắng đứa bé.

Khoảng 20h ngày 3/8, Nam tiếp tục đánh đập, chửi mắng đứa bé. Người dân ở cạnh nhà tới can ngăn thì bị hăm dọa nên đã quay video sự việc đăng tải lên mạng xã hội.

Công an cơ sở đã lập hồ sơ ban đầu chuyển lên Cơ quan CSĐT Công an TP Thuận An xử lý theo thẩm quyền.

Một lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương cho biết: "Ngay tối cùng ngày, Sở đã cử cán bộ xuống địa phương tìm hiểu vụ việc và thăm hỏi bé trai cùng gia đình. Hiện bé trai đã được giao cho mẹ ruột chăm sóc với sức khỏe ổn định". Sở đã báo cáo UBND tỉnh Bình Dương, Cục Bảo vệ Trẻ em về vụ việc và yêu cầu cơ quan chức năng địa phương xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Trả lời báo chí, Luật sư (LS) Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM), cho rằng hành vi của Nam có dấu hiệu phạm vào tội "Cố ý gây thương tích" quy định tại Điều 134 BLHS. Tuy nhiên, để xác định chính xác, cần kết quả giám định thương tích của nạn nhân.

Một LS khác cho rằng hành vi của Nam có dấu hiệu cấu thành tội hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS: "Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

“Về hành vi để cấu thành tội này, là có hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình: Đối xử tàn ác, được hiểu là hành vi gây ra sự đau đớn về thể xác và tinh thần với nạn nhân dưới các hình thức như đánh đập, bỏ đói, có hoặc không kèm theo việc chửi mắng thậm tệ… Tuy nhiên, việc đối xử tàn ác phải chưa đạt đến mức độ nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe”, LS nói.

“Một điểm khác cần chú ý là việc đối xử tàn ác thông thường phải lặp đi lặp lại và kéo dài trong một thời gian nhất định. Người bị hại phải là người có quan hệ lệ thuộc đối với người phạm tội”, vẫn lời LS.

Theo LS này, hiện do chưa có thêm thông tin gì về tỉ lệ phần trăm thương tích của em bé trong đoạn clip; có khả năng đối tượng chỉ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng về hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại đến sức khỏe của trẻ em theo điểm a khoản 1 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP.

"Nhưng dù bị xử lý về tội danh nào, hình sự hay hành chính, thì hành vi của đối tượng Nam cũng rất tàn nhẫn và đáng lên án. Ngoài cơ quan điều tra, các cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em cũng cần phải lên tiếng về vụ việc. Đồng thời có những biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời cháu bé để tránh những nguy cơ tiếp theo có thể xảy ra", LS nhấn mạnh.

Theo LS, pháp luật nghiêm cấm hành vi đánh đập hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của trẻ em dù bất cứ lý do gì. Luật Trẻ em năm 2016, Luật Hôn nhân và Gia đình và các văn bản pháp luật khác có liên quan đều quy định trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em.

Đọc thêm