Đưa cơ giới hoá - tự động hoá vào sản xuất nông nghiệp để đạt năng suất cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 19/10, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội thảo Ứng dụng Cơ giới hóa - tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2023.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, trong những năm gần đây ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai đang chịu tác động lớn khi quá trình đô thị hóa nhanh. Lực lượng lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp trở thành xu hướng phổ biến. Tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là vào các vụ mùa. Do đó, việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay vừa là điều kiện để giải phóng sức lao động, vừa đáp ứng nhu cầu bổ sung sức lao động cho nông nghiệp.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh, Đồng Nai là một tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp, với gần 470 ngàn ha đất nông nghiệp, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 277 ngàn ha, trong đó có hơn 73 ngàn ha cây ăn trái các loại; đất lâm nghiệp 180 ngàn ha, đất nuôi trồng thủy sản gần 8 ngàn ha, tổng đàn heo khoảng 2,4 triệu con, tổng đàn gia cầm khoảng 25 triệu con. Với diện tích trồng trọt và chăn nuôi ở quy mô lớn nên việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai đã được nông dân ứng dụng vào sản xuất, kết quả những năm qua, nông nghiệp nông thôn Đồng Nai đã có bước phát triển tích cực theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi phát biểu tại Hội nghị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi phát biểu tại Hội nghị

Cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến nay đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao năng suất lao động trong ngành, giảm thất thoát sản phẩm, giảm mức độ khai thác tài nguyên, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, từng bước thực hiện tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Vấn đề ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong nông nghiệp hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Hiệu quả cơ giới hóa, tự động hóa trong nông nghiệp chưa cao, đa số sử dụng máy công suất nhỏ, cơ giới hóa, tự động hóa trong nông nghiệp chỉ mới tập trung ở một số khâu và áp dụng với một số cây trồng, vật nuôi chủ lực… Mặt khác, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ và hạ tầng kỹ thuật tại nhiều nơi chưa phù hợp để áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong nông nghiệp đồng bộ. Công nghệ và thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến, bảo quản nhiều loại nông sản còn lạc hậu. Nông dân gặp khó về vốn khi đầu tư mua các máy móc, thiết bị…

Các đại biểu thăm quan các mô hình tự động hoá trong nông nghiệp

Các đại biểu thăm quan các mô hình tự động hoá trong nông nghiệp

Tại hội thảo, các đơn vị có nhiều ý kiến để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và ngày càng nâng cao hơn nữa hiệu quả từ mô hình cung cấp dịch vụ cơ giới hóa . Trong đó, tiêu biểu là THT Sầu riêng ấp 7 xã Sông Ray với ý kiến cho rằng phải nêu các chính sách phù hợp với sự phát triển của quá trình áp dụng cơ giới trong nông nghiệp trên địa bàn. Phát triển cơ giới hóa khâu sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản. Đồng thời, các cơ quan truyền thông của tỉnh, các huyện, cần thực hiện chuyên mục giới thiệu về các kết quả nghiên cứu, chuyển giao, lợi ích và hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp; thông tin, phổ biến các loại máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương cũng như từng đối tượng cây trồng, vật nuôi.

Kết luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết trong thời gian tới, các sở ngành cần phải phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất và các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để doanh nghiệp, người dân nắm đồng thuận trong quá trình thực hiện.

Đồng thời, các sở ngành tích cực triển khai áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và đào tạo, nâng cao tay nghề của người nông dân, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung theo quy mô hàng hóa tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp gắn với áp dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, tạo sản phẩm hàng hóa, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Đọc thêm