Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống: Cuộc chuyển mình ở bản làng Sơn La - Hành trình xóa tình trạng bản làng “trắng Đảng viên”

(PLVN) - Kỳ 1:
Bí thư Chi bộ bản Thán Sồng A Da (bên phải) hồi ức về những khó khăn khi phát triển Đảng viên tại bản.
Bí thư Chi bộ bản Thán Sồng A Da (bên phải) hồi ức về những khó khăn khi phát triển Đảng viên tại bản.

Sơn La là tỉnh miền núi biên giới ở phía Tây Bắc, nơi cư trú của 12 dân tộc anh em, trong đó hơn 80% là người dân tộc thiểu số như Thái, Mường, Mông, Sinh, Mun…, đời sống nhân dân còn khó khăn. Những năm qua, công tác phát triển Đảng viên ở Đảng bộ tỉnh Sơn La đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo sức sống mới, diện mạo mới, đổi thay trên những bản mường vùng cao.

Giao cán bộ về từng bản phát hiện giúp đỡ quần chúng ưu tú

Cách trung tâm huyện Mai Sơn khoảng 30km, xã Phiêng Pằn hiện có 19 bản, với 1.735 hộ, 8.760 nhân khẩu. Anh Giàng A Lạnh, Phó Bí thư Đoàn xã cho biết, tại một số bản giáp biên giới như bản Thán, bản Vít, Ta Vắt... có 100% đồng bào là người dân tộc Mông, Sinh Mun, Khơ Mú sinh sống; trình độ dân trí chưa cao, nhiều người già và một số trong độ tuổi trung niên không biết tiếng phổ thông nên rất khó giao tiếp. Những người trẻ có học thì phần lớn đi làm ăn xa, một số người ở nhà lại không mặn mà với các hoạt động đoàn thể. Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc tạo nguồn phát triển Đảng viên.

Từ trung tâm xã vào bản Thán, bản Vít, Ta Vắt… chỉ khoảng 20km nhưng để đến nơi phải mất hơn một giờ đồng hồ “đánh vật” với con đường đất vắt vẻo qua những sườn núi, thung sâu, khe suối, khúc đèo dốc quanh co, khúc gồ ghề đá hộc. Bản Thán nằm bên sườn núi cheo leo với độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển.

Bí thư Chi bộ bản Sồng A Da phấn khởi: “Bản Thán giờ đã có chi bộ rồi, đó là kết quả của quá trình phấn đấu đầy gian khó, kiên trì của cấp ủy địa phương đấy nhà báo à!”.

Nhiều năm trước, bản “trắng Đảng viên”. Cả bản có 28 hộ, 146 nhân khẩu, 100% người dân tộc Mông. Tại vùng cao, từng đó số dân không phải là ít. Nhưng do trình độ dân trí chưa cao, những người trong diện tạo nguồn như đoàn viên, thanh niên đều đi lao động làm ăn xa, không cố định chỗ ở, một số ở nhà nhưng lại không tham gia hoạt động đoàn thể nên rất khó cho việc phát hiện, theo dõi, giúp đỡ phấn đấu vào Ðảng.

Cái khó nữa là bản vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, khó theo dõi quá trình phấn đấu của quần chúng ưu tú. “Như tôi là một ví dụ, sau khi được kết nạp Đảng vẫn phải sinh hoạt ghép với chi bộ bản kế bên”, anh Da cho biết.

Đảng ủy xã tổ chức nhiều cuộc họp bàn đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp bản Thán sớm có nguồn ưu tú đủ điều kiện kết nạp Đảng; giao cán bộ xã về phụ trách kết hợp cán bộ y tế bản, giáo viên là Đảng viên để thành lập chi bộ, sinh hoạt. Tiếp đó là tăng cường bám sát cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động, tích cực tuyên truyền, vận động, tìm kiếm giúp đỡ những quần chúng ưu tú có ý thức rèn luyện, có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng. Đến nay bản đã thành lập chi bộ với 4 Đảng viên.

Một cuộc họp ở Đảng bộ xã Phiêng Pằn.

Một cuộc họp ở Đảng bộ xã Phiêng Pằn.

Những con số “biết nói”

Với quyết tâm đặt ra là xóa được bản “trắng Đảng viên”; và các bản, xóm, tiểu khu đều có chi bộ; hàng năm, Đảng bộ tỉnh Sơn La thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phát triển Đảng; kết hợp chặt chẽ công tác phát triển Đảng viên với tạo nguồn đào tạo cán bộ của cơ sở, phát triển Đảng viên trẻ, Đảng viên nữ, Đảng viên là người dân tộc thiểu số, trong lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên…

Để đạt mục tiêu, suốt thời gian dài, các tổ chức cơ sở Đảng đã kiên trì thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp quần chúng nâng cao tinh thần giác ngộ lý tưởng cách mạng, nhận thức về ý nghĩa, vai trò công tác phát triển Đảng viên và mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng… Nhiều Đảng bộ đã có những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tiễn từng địa phương, tạo sức lan tỏa sâu rộng ở các cơ sở Đảng và mang lại hiệu quả tích cực.

Theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nếu năm 2015 toàn tỉnh còn 96 bản chưa có Đảng viên và chi bộ thì đến năm 2020, đã kết nạp được 2.771 Đảng viên, 100% bản đã thành lập được chi bộ, nâng tổng số chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở lên con số 3.161 với 57.465 đảng viên.

Nỗi trăn trở của nhiều năm trước nay đã không còn, giờ đây Bí thư Đảng ủy xã Phiêng Pằn Lù A Dủa đã phấn khởi với kết quả 19/19 bản của xã đã thành lập chi bộ, số lượng Đảng viên tăng hàng năm, vai trò lãnh đạo ở các chi bộ ngày càng rõ nét, chắc chắn, vững mạnh hơn. Tại những nơi phát triển được Đảng viên và thành lập chi bộ, các Đảng viên đã thể hiện được vai trò tiên phong trước quần chúng nhân dân, là những hạt nhân gương mẫu về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Cũng từ đó, công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thuận lợi hơn, góp phần tăng cường sức mạnh hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tại một số địa phương ở Sơn La, vẫn còn có khó khăn nhất định khi phát triển Đảng viên. Như tại bản Ngà, bản Bút (xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, xã biên giới đặc biệt khó khăn, có 10 bản với hơn 1.000 hộ và trên 5.000 nhân khẩu), Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hà Văn Hóa cho biết: Ở đây có không ít quần chúng tích cực tham gia sinh hoạt trong các đoàn thể nhưng lại vướng khi xét các tiêu chí như tảo hôn, ma túy, sinh con thứ 3… khiến việc phát triển Đảng viên còn chậm do nguồn từ các chi bộ yếu. Một số chi bộ có nguồn nhưng lại không phải là người của địa phương, mà từ nơi khác về định cư, quá trình xác minh lý lịch phải sang tận những tỉnh xa như Điện Biên, Yên Bái, thậm chí vào tận Đắk Nông; vì thế có bản 3 – 4 năm không kết nạp được quần chúng ưu tú nào vào Đảng.

Ông Hóa chia sẻ: “Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy xã đề ra chỉ tiêu kết nạp thêm 50 Đảng viên mới nhưng các chi bộ trực thuộc chỉ giới thiệu và kết nạp được 42 quần chúng ưu tú vào Đảng. Xã hiện có 132 Đảng viên, số lượng chưa nhiều, song công tác phát triển Đảng viên, nâng cao vai trò, sức chiến đấu ở các chi bộ luôn được đặc biệt chú trọng triển khai và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt”.

Tại xã Lóng Luông, một “điểm nóng” về ma túy tại tỉnh, ông Giàng A Ký, Bí thư Đảng ủy xã, thở dài: “Trong thời gian dài xã là điểm nóng ma túy, khoảng 3 - 4 năm trước gia đình nào cũng có người liên quan tệ nạn này. Cái khó là lý lịch của những quần chúng có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng còn liên quan đến người thân, gia đình. Mặc dù trong các hoạt động đoàn thể họ tham gia rất tích cực, sôi nổi, trách nhiệm, được tập thể đánh giá cao; nhưng khi thẩm tra lý lịch lại không đạt vì có người nhà liên quan đến ma túy. Điều này khiến cấp ủy cũng phải đau đầu…”.

Đọc thêm