Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống

Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống: Sứ mệnh phát triển đất nước cần chính sách đột phá về nhân lực chất lượng cao

(PLVN) - Đội ngũ lãnh đạo có nhiệm vụ hoạch định chiến lược, chính sách nếu không ngang tầm nhiệm vụ thì đất nước sẽ trì trệ và lãng phí rất lớn nguồn nhân lực. Vì vậy, cán bộ cấp chiến lược phải có trình độ vượt trội; nhân lực chất lượng cao sẽ thực hiện hiệu quả sứ mệnh phát triển đất nước.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Giải pháp mang tính quyết định

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Bên cạnh việc hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển - trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo đó, “ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…”.

Đánh giá cao những nội dung đề ra tại Nghị quyết, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khóa XI, XII cho rằng, những giải pháp mà Đại hội XIII đưa ra được dư luận rất đồng tình, ủng hộ “vì rất đúng và trúng”. Theo ông Cuông, chúng ta đã trải qua giai đoạn tăng trưởng bằng số lượng và bằng lao động giá rẻ thì hiện nay phải là lao động chất lượng cao, dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, chuyển đổi số… 

“Trước đây, các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều lao động thủ công, giản đơn. Nhưng nếu cứ phát triển theo hướng đó thì đất nước không có đột phá và không đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, là đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Kèm theo các mục tiêu này, Đảng ta đã đề ra những giải pháp, chiến lược, trong đó giải pháp về nhân lực mang tính quyết định nhất. Vì chỉ có nhân lực chất lượng cao mới thực hiện được sứ mệnh này” - ông Cuông nhấn mạnh.

Phân tích thêm, ông Cuông cho hay, muốn phát triển phải đi vào chiều sâu và vận dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ; trong khi đó, muốn áp dụng được khoa học công nghệ hiện đại thì phải có đội ngũ lao động chất lượng cao. Đối với lĩnh vực quản lý lại có ý nghĩa rất quyết định. Bởi vậy, nhiệm kỳ vừa qua, Đảng ta đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ… Ông Cuông cho rằng, đây là “giới tinh hoa của đất nước”, đất nước có phát triển được hay không đều phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ này, vì họ có nhiệm vụ hoạch định chiến lược và đường lối phát triển của đất nước. “Người ta vẫn nói: Một người lo bằng cả kho người làm. Đất nước chờ đợi những người đứng đầu, giương cao ngọn cờ cho các tầng lớp nhân dân đi theo” - ông Cuông bày tỏ.

Vẫn theo lời ông Cuông, nếu đội ngũ lãnh đạo có nhiệm vụ hoạch định chiến lược, chính sách không đáp ứng được nhu cầu, không ngang tầm nhiệm vụ thì đất nước sẽ trì trệ và lãng phí rất lớn về trí tuệ, nhân lực chất lượng cao. Cho nên cấp chiến lược phải có trình độ vượt trội. Vừa qua, chúng ta đã xây dựng được một tập thể Ban Chấp hành Trung ương rất công phu, qua nhiều bước chọn lựa, trải qua nhiều năm quy hoạch, đào tạo,… Do đó, sau Đại hội Đảng XIII, dư luận rất đồng tình, phấn khởi khi chúng ta chọn lựa được đội ngũ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xứng tầm với nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phải biết vận dụng sáng tạo

Một vấn đề đặt ra là các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp… phải xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao như thế nào để khi cấp trên vạch ra đường lối, chính sách thì phải có những người đủ trình độ, năng lực tổ chức thực hiện; phải biết vận dụng và sáng tạo tùy vào tình hình trong nước, quốc tế… Bởi lâu nay, vấn đề tổ chức thực hiện của chúng ta vẫn còn hạn chế. Nhất là hiện nay khi Việt Nam đang mở rộng quan hệ sâu rộng với nhiều nước trên thế giới. Rất nhiều hiệp định thương mại được ký kết giữa Việt Nam với nước ngoài. Để có được các hiệp định thương mại này là kết quả qua nhiều năm đàm phán. Cơ hội rất lớn nhưng thách thức cũng nhiều, do vậy đội ngũ cán bộ của chúng ta có đáp ứng được không, có thực thi được các hiệp định này để tranh thủ thời cơ và vận hội trong phát triển hay không? Đây là vấn đề đang được đặt ra.

Giải bài toán này, theo ông Lê Văn Cuông, trước hết chúng ta phải phải soát xét lại toàn bộ quá trình, đánh giá thực trạng về đội ngũ cán bộ, xem chúng ta đang đứng ở vị trí nào của thế giới, để từ đó xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ cho cân đối, hài hòa; không chỉ tập trung vào một vài lĩnh vực mà “để trống” lĩnh vực khác. Sự phát triển phải toàn diện giữa các lĩnh vực. 

Thứ hai, phải xây dựng cơ chế, chính sách để phát hiện và trọng dụng người tài một cách kịp thời. “Chúng ta thường nói “đất nước ta bao giờ cũng có người tài”. Vậy thì bây giờ phải bằng những chính sách cụ thể, bằng quy trình cụ thể để phát hiện người tài chứ không thể nói chung chung. Nếu nói chung chung trên diễn đàn hay trong báo cáo mà trên thực tế lại chưa đưa vào cuộc sống, chưa trở thành động lực để nhân tài phát huy sở trường đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thì hiệu quả của chính sách chưa phát huy tác dụng” - ông Cuông nhận xét.

Giải pháp thứ ba mà ông Cuông nhắc đến là đẩy mạnh việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống các trường đào tạo nhân tài chất lượng cao để bồi dưỡng ngay từ trong các cấp học phổ thông đến đại học và trên đại học (trong đó có cả công nhân chất lượng cao) theo tiêu chuẩn quốc tế. “Các nước đầu tư vốn FDI vào Việt Nam đòi hỏi công nhân chất lượng cao mà nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu này thì đầu tư của họ sẽ hạn chế” - ông Cuông nói. 

Vì vậy, Nhà nước và các doanh nghiệp phải cùng phối hợp thực hiện. Các doanh nghiệp phải vào cuộc chứ không thể trông chờ Nhà nước; ngay cả người dân muốn có thu nhập cao cũng phải vào cuộc, phải huy động cả hệ thống chính trị để thực hiện nhiệm vụ này chứ không trông chờ một ai. Làm được như vậy thì việc triển khai, đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống chắc chắn sẽ thành công.

Đọc thêm