Việc sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn ngày càng lây lan mạnh trong giới trẻ, khiến các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục và cả các nhà ngôn ngữ học đều “đau đầu”. Và gần đây, ý tưởng đưa “ngôn ngữ chat” vào Từ điển Tiếng Việt gây xôn xao dư luận...
Tây, ta hay... mật mã?
Ý tưởng đưa ngôn ngữ chat vào từ điển đang được dư luận tranh luận sôi nổi. Ảnh minh họa |
Ban đầu, các “thuật ngữ chat” được các 8X, 9X sử dụng như một cách truyền tin vui nhộn và thể hiện dấu ấn cá nhân của mình. Lâu dần, “mốt ngôn ngữ xì-tin” lan rộng ra giới trẻ và kho “ngôn ngữ chat” ngày càng được bổ sung nhiều ngôn từ mới, khiến xã hội đặc biệt quan tâm và lo lắng chúng sẽ làm biến dị tiếng Việt.
Không lo sao được khi ngày nay Tiếng Việt đang bị nhiều bạn trẻ dùng xen với tiếng nước ngoài, các phương ngữ bị sử dụng tùy tiện, các ký tự lạ tràn ngập trên các diễn đàn, âm đầu-thanh điệu-nguyên âm-âm cuối trong một vần bị thay đổi, rút gọn tuỳ tiện... Ví dụ: “Pùn nũ mún chít mà zẫn fãi học” (Buồn ngủ muốn chết mà vẫn phải học), “Tua^n` naizz` hum~ koa’ gi` dang’ ke^~... hum~ lum` dc gi` hit” (Tuần này không có gì đáng kể... không làm được gì hết)...
Không ít bạn trẻ còn bảy tỏ sự... vui nhộn theo cách nói vần như đọc vè và tạo ra những từ khó hiểu, hoặc vô nghĩa: “ngu như cái xe... lu”, “xinh như con tinh tinh”, “nhí nhảnh như con cá cảnh”... Lạ hóa theo cách dùng từ ngữ 3T (Ta - Tàu - Tây) lẫn lộn: “Say rượu rồi lại Li-vơ-phun (Liverpool) ra đấy hả?” (Say rượu rồi lại phun ra đấy hả?); “Còn nói nữa à, hôm nay tao “phiu chờ” (future) mày “đầu lâu” quá nên đi học vội vội vàng vàng, bị lip-tông (Lipton) một phát vẫn chưa hết cay “chim cú” đây này” (Hôm nay tao chờ mày lâu quá nên đi học vội vội vàng vàng, bị tông một phát vẫn chưa hết cay cú đây này).
Với những thông tin riêng tư cần giữ bí mật đặc biệt, trước hết với bố mẹ, người chat phải dùng tiếng lóng. Nếu là tiếng lóng dùng trong một nhóm xã hội như thế hệ 8X hoặc 9X thì vẫn có “mật mã” của nó. Còn thứ tiếng lóng riêng cho hai người thì không có quy luật. Từ đây dẫn tới những quái dị ngôn từ, rất khó phát hiện nội dung.
Chỉ là ngôn ngữ chat?
Trong thời đại thông tin hiện nay, việc các em sử dụng các ký hiệu đơn giản không có gì là sai, nhưng đáng nói là các em lại lầm lẫn khi biến nó thành ký hiệu chung để nói hoặc viết ở mọi nơi, mọi lúc.
Tiến sỹ Ngôn ngữ học Mai Xuân Huy - Viện Ngôn ngữ học Việt Nam bày tỏ lo ngại: “Nói một cách sòng phẳng thì đó là sự ô nhiễm ngôn ngữ trong Tiếng Việt. Tôi luôn mong muốn cho tiếng nước mình phát triển khỏe mạnh và trong sáng. Xã hội thay đổi thì ngôn ngữ cũng biến đổi. Và đến lượt mình, ngôn ngữ cũng tác động trở lại cuộc sống. Điều quan trọng là làm cho cái dở biến dần đi, cái hay còn đọng lại”.
Nhà ngôn ngữ học Trần Chút - nguyên Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.Hồ Chí Minh cũng nêu ra 3 lý do khiến Tiếng Việt bị biến dạng: Thường xuyên xen tiếng nước ngoài vào bài viết, lời nói; quá lạm dụng từ viết tắt; dùng quá nhiều tiếng lóng. Chính lớp trẻ - đối tượng giữ vai trò quan trọng nhất trong việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt - lại đang từng ngày bị đe dọa bởi thứ ngôn ngữ méo mó, quái dị đó.
Ở một xã hội văn minh, họ không chấp nhận, thậm chí tẩy chay nếu những người nổi tiếng có những lời nói, hành vi xấu trước công chúng. Làm sao để các em hiểu thế nào là con người văn minh, lịch lãm, về điều này thì giáo dục của chúng ta lại chưa làm được. Các tờ báo, đặc biệt là báo mạng, cần đi đầu trong việc đưa ra những từ, ngữ, câu... đúng chuẩn và trong sáng. Kế đó là gia đình. Mới đây, ngành giáo dục Hà Nội triển khai chương trình “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” tại các trường học. Đây phải chăng là một tín hiệu tốt để giải quyết một phần những bất cập trên?
Tiến sỹ Mai Xuân Huy bình luận: “Biện pháp để ngăn chặn loại ngôn ngữ này xâm nhập vào Tiếng Việt là chúng ta cần khoanh vùng và quy định khu vực sử dụng của nó. Chẳng hạn, có thể cấm dùng ngôn ngữ “chat” trong phạm vi công cộng, trong các bài viết ở trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng như tivi, đài, báo. Nó chỉ có thể được sử dụng trong giao tiếp giữa những người “chat” trong các chatroom trên internet.
Theo tôi, muốn khắc phục được tình trạng này thì gia đình và nhà trường phải kết hợp giáo dục và kiểm soát, nhưng quyết định hơn cả thì phải có một đạo luật cụ thể về Tiếng Việt nằm trong Chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước. Ở nhiều nước phát triển họ có hẳn một đạo luật về ngôn ngữ”.
Và “xé rào”?
Không chỉ được dùng phổ biến trong các dịch vụ chat hay tin nhắn, gần đây một số từ viết tắt, tiếng lóng đã chính thức có mặt trong Từ điển OED (Oxford English Dictionary). Việc này đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi trong dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Đức Dân - người được nêu là đưa ra gợi ý này cho rằng: Đây không phải là ý tưởng mới, thực ra “ngôn ngữ chat”được nhiều nước nghiên cứu, thử nghiệm, ví dụ như nước New Zealand trước đây họ cũng cấm nhưng sau họ nghiên cứu những “ngôn ngữ chat” và những ngôn ngữ trong soạn tin nhắn mà học sinh được quyền dùng khi chat hay làm bài.
Trung Quốc đang nghiên cứu đưa một số “từ chat” vào sử dụng như từ ngữ thông thường. Tôi muốn thanh minh lại rằng, không phải tất cả “ngôn ngữ chat” đều được đưa vào từ điển, mà chỉ một bộ phận “ngôn ngữ chat” nghiêm chỉnh sẽ được đưa vào từ điển. Mối quan hệ giữa những người chat dẫn tới đặc điểm văn hóa của ngôn ngữ chat.
Có những từ ngữ chat nghiêm chỉnh không chỉ tồn tại trong thế giới online mà đang thâm nhập cả vào đời sống hàng ngày, được nhiều người chấp nhận. Xã hội cũng đã dần “thích nghi” với chúng. Hơn nữa, do nhu cầu thông tin nhanh trong khi chat dẫn tới hiện tượng rút gọn cả về ngữ pháp lẫn từ vựng; xuất hiện những từ tắt chính quy và không chính quy.
Có những loại giao tiếp nghiêm chỉnh cần phải viết ngắn gọn, lâu dần tạo thành thói quen cho mọi người thì chúng ta nên đưa vào từ điển, chứ không phải đưa tất cả những tiếng nói chat nhảm nhí vào từ điển được.
Tuy vậy, không ít ý kiến cho rằng họ không thực sự nhìn thấy ngôn ngữ chát nào là nghiêm chỉnh. Thậm chí, học sinh phải được học đạo đức về vi tính, trong đó có việc lên án mạnh mẽ hành động tin tặc và lối hành văn “cà chớn”. Lối hành văn này sẽ “bung” từ máy tính đến lớp học và xã hội. Vì thế, thay vì chăm chú đi tìm những lối nói chat được cho là thích hợp, họ cho rằng, hãy đồng tâm hiệp lực xóa bỏ cái lối hành văn rất kém văn minh đó trước đã...