Theo Đại biểu Bùi Hoài Sơn, trong những năm qua, chúng ta đã đặc biệt quan tâm đến văn hóa. Kết quả của các thảo luận lớn về văn hóa như Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 hay Hội thảo Văn hóa về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa... đã thể hiện quyết tâm, chỉ ra một số “điểm nghẽn” và giải pháp tháo gỡ để văn hóa đóng vai trò tích cực hơn nữa trong quá trình phát triển bền vững đất nước. Trong đó, chính sách, pháp luật và nguồn lực đầu tư cho văn hóa chính là những điểm nhấn quan trọng. “Nếu như đầu nhiệm kỳ Quốc hội (QH) XV, chúng ta đã quan tâm tháo gỡ được Luật Điện ảnh (sửa đổi) với hướng đi mới là công nghiệp điện ảnh, cùng hành lang pháp lý thuận lợi, phù hợp hơn cho điện ảnh nước nhà, thì di sản văn hóa cũng là một lĩnh vực rất quan trọng của văn hóa cần có những thay đổi hợp lý hơn với bối cảnh hiện nay và xu hướng sắp tới”, Đại biểu nhấn mạnh.
Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ cần bao quát những vấn đề chưa phù hợp (với các công ước, pháp luật quốc tế mà Việt Nam mới tham gia; với xu hướng phân cấp, phân quyền, huy động nguồn lực xã hội hay việc sửa chữa, xây mới trong khu vực bảo vệ di tích...); còn thiếu (những vấn đề liên quan đến di sản tư liệu, di sản trong không gian mạng, di sản đô thị, di sản công nghiệp, hợp tác công - tư, quản lý sử dụng tài sản công trong các bảo tàng, khu di tích...). Từ những tháo gỡ này, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ hình thành một khung pháp lý minh bạch và thuận lợi hơn cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cũng theo Đại biểu Bùi Hoài Sơn, giải quyết vấn đề “điểm nghẽn” về nguồn lực đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Bởi, việc thiếu đầu tư tài chính cho văn hóa là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nhiều di tích, thiết chế văn hóa bị xuống cấp, hoạt động văn hóa không hiệu quả. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã phát biểu: “Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao”, vì thế dẫn đến việc “Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người”.
Do đó, chúng ta rất cần có một Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa để đầu tư trọng tâm, trọng điểm tốt hơn cho văn hóa, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; từ đó giúp văn hóa phát triển và để văn hóa đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của đất nước. “Vì vậy, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển văn hóa, con người và đất nước ta trong giai đoạn sắp tới. Việc QH đưa các dự án này ra thảo luận và biểu quyết thông qua trong 2 kỳ họp tới chứng minh sự quan tâm đặc biệt của QH và cử tri đối với lĩnh vực văn hóa và mong muốn văn hóa thực sự trở thành mục tiêu, động lực và hệ điều tiết cho sự phát triển bền vững đất nước”, Đại biểu nêu rõ...