Đức: Nhiệm kỳ 4 của bà Merkel bị lung lay

(PLO) - Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 20/11 cho biết những nỗ lực của bà để thành lập một Chính phủ liên minh bao gồm 3 bên đã thất bại, đẩy nước Đức vào một cuộc khủng hoảng chính trị cũng như khả năng phải tiến hành một cuộc bầu cử mới. Tương lai chính trị của bà Merkel cũng trở nên bấp bênh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu với truyền thông ngày 20/11
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu với truyền thông ngày 20/11

Theo Reuters, tuyên bố của bà Merkel được đưa ra sau khi lãnh đạo đảng Dân chủ tự do (FDP) ngày 19/11 thông báo đảng của ông đã rút khỏi các cuộc đàm phán để lập Chính phủ liên minh 3 đối tác vì không thể tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề chủ chốt. Thông báo này được đưa ra sau hơn 4 tuần đàm phán giữa FDP với liên minh bảo thủ của bà Merkel và đảng Xanh. 

Nhập cư là điểm nghẽn chính trong các cuộc đàm phán. Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo CDU của bà Merkel và Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo (CSU) yêu cầu phải có hạn mức về số người tị nạn mà Đức sẽ tiếp nhận mỗi năm nhưng đảng Xanh bác bỏ đề xuất này. Ngoài ra, các bên cũng mâu thuẫn về đề xuất giới hạn quyền mang người thân tới Đức của những người tị nạn. Bên cạnh đó, chi tiêu của Chính phủ, giảm thuế và chính sách về môi trường cũng là các điểm mà các bên đã không đạt được sự đồng thuận. 

Phát biểu tại cuộc họp với báo chí ngày 20/11, bà Merkel cho biết bà vẫn sẽ tiếp tục giữ chức quyền Thủ tướng Đức và sẽ tham vấn với Tổng thống Frank-Walter Steinmeier về các bước đi tiếp theo. “Trên cương vị Thủ tướng, tôi sẽ làm mọi thứ để đảm bảo nước Đức được điều hành tốt trong những tuần khó khăn tới đây. Reuters nhận xét đây là một thời khắc khắc nghiệt trong sự nghiệp của bà Merkel sau 12 năm cầm quyền, lèo lái nước Đức trở thành biểu tượng của sự ổn định cũng như lãnh đạo khối eurozone vượt qua khủng hoảng nợ công, giúp hình thành thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn người nhập cư. 

Việc nước Đức không thành lập được Chính phủ sẽ tác động đến mọi vấn đề tại châu Âu, từ việc cải cách khu vực đồng tiền chung cho tới việc định hình quan hệ với Anh sau khi nước này rời khỏi EU. Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức Eric Schweitzer trong một email nói rằng tình trạng bất ổn nếu kéo dài sẽ tác động xấu đến nền kinh tế Đức. Theo Reuters, Ngoại trưởng Hà Lan Halbe Zijlstra trong một tuyên bố ngày 20/11 nói rằng diễn biến trên là một tin xấu với cả châu Á. Trong khi đó, đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây.

Việc cuộc đàm phán thất bại cho thấy nước Đức sẽ đứng trước 2 lựa chọn chưa từng có tiền lệ thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới II: bà Merkel lập một Chính phủ thiểu số hoặc tổng thống sẽ phải kêu gọi tiến hành một cuộc bầu cử mới nếu không lập được Chính phủ. Tuy nhiên, bà Merkel tỏ ý không ủng hộ thành lập một Chính phủ thiểu số. 

Còn việc tiến hành bầu cử mới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro với bà. Bà Merkel hiện phải đối mặt với những nghi ngờ từ trong chính đảng của bà về việc bà có còn là ứng viên tốt nhất để lãnh đạo họ trong chiến dịch vận động tranh cử mới hay không. Tờ Bild của Đức cho biết, thất bại trong việc thành lập Chính phủ liên minh sẽ đẩy vị thế Thủ tướng của bà Merkel vào nguy hiểm. Một cuộc thăm do do tờ Welt thực hiện cũng cho biết có đến 61,4% người tham gia khảo sát nói rằng thất bại trong đàm phán đồng nghĩa với việc chấm dứt cương vị Thủ tướng của bà Merkel và chỉ có 31,5% người được hỏi trả lời ngược lại.

Vị thế của bà Merkel đã suy yếu sau cuộc bầu cử hồi tháng 9 vừa qua do cử tri tức giận với quyết định mở cửa biên giới Đức cho hơn 1 triệu người tị nạn được bà đưa ra hồi năm 2015. Tại cuộc bầu cử, nhiều cử tri đã bỏ phiếu cho đảng cực hữu Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD).

Đọc thêm