Dùng corticoid bừa bãi, người bệnh "lành thành què"

Theo chuyên gia, dùng thuốc nhóm corticoid không đúng có thể gây loét dạ dày, tăng huyết áp, làm loãng xương, đái tháo đường, gây rối loạn chuyển hóa, suy giảm miễn dịch dẫn đến cơ thể dễ bị nhiễm trùng... Đối với người cao tuổi, những tác dụng phụ này lại càng trầm trọng và nặng nề hơn.
Một tuần lại đây, dư luận đang xôn xao về trường hợp một cô gái 26 tuổi bỗng dưng biến thành bà già 70 tuổi. Theo nhận định của nhiều chuyên gia: Nguyên nhân của tình trạng trên có thể do tác dụng phụ của thuốc có chứa corticoid. Nếu quả đúng như vậy, chúng ta càng đáng lo ngại hơn trước thực tế thuốc đông dược bị trộn lẫn tân dược, trong đó có chất corticoid như hiện nay.
Chị Phượng 5 năm trước và chị Phượng hiện nay bên chồng.

Sự thật... khó tin

Theo tường trình của chị Nguyễn Thị Phượng (1985) ở Giồng Trôm, Bến Tre, năm 2007, trong một lần ăn hải sản, chị bị nổi nhiều mụn nhỏ, ngứa ngáy khắp người. Sợ vào bệnh viện điều trị tốn kém nên vợ chồng chị đã tự ý đến tiệm thuốc Tây mô tả lại những triệu chứng của bệnh rồi mua thuốc về nhà uống.

Uống thuốc Tây được một tháng thì chị thấy các mụn nhỏ có bớt ngứa nhưng mề đay vẫn nổi trên khắp cơ thể. Thấy vậy, chị đã chuyển qua khám và mua thuốc Nam về uống, sau đó là thuốc Bắc. Uống được 7 tháng thì ngứa và mề đay không còn, nhưng da chị lại có dấu hiệu chảy xệ xuống và nhăn nheo.

Có điều kỳ lạ là, mặc dù có khuôn mặt như một bà già, nhưng những bộ phận cơ thể khác của chị (chân, tay...) vẫn săn chắc và hồng hào như một cô gái đôi mươi.

Cảnh báo về tình trạng dùng thuốc có chứa Cotircoid bừa bãi

Từ lời kể của chị Phượng cũng như những loại trừ về khả năng chị bị lão hóa sớm, chỉ còn có thể có một kết luận: Chị bị “già hóa” do tác dụng phụ của corticoid sau một thời gian điều trị bằng cả thuốc tây và thuốc đông y, mà không theo sự chỉ dẫn của bác sỹ. Đặc biệt, trước thực trạng thuốc đông y trộn lẫn tân dược có chứa corticoid phổ biến và sử dụng thuốc bừa bãi như hiện nay, càng cần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề này.

Đã có một thời gian khá dài, giới chuyên môn đã đưa ra lời cảnh tỉnh về tình trạng lạm dụng sử dụng thuốc có chứa corticoid (dexamethazon) để điều trị các bệnh về đường hô hấp cho trẻ em và người già. Cụ thể, một số lương y vì hám lợi đã nhẫn tâm kê thuốc này cho bệnh nhân. Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân khỏi bệnh rất nhanh, nhưng chỉ một thời gian sau lại bị lại và chỉ đến cơ sở đó khám và lấy thuốc về uống mới khỏi.

Thấy lạ, một số người mới mang những thuốc đó đến hỏi chuyên khoa, mới té ngửa: Đó là thuốc thuộc danh mục độc hại và hạn chế sử dụng để chữa bệnh cho người già và trẻ em vì những tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm của nó (giòn xương, phù mặt; rối loạn chuyển hóa; suy giảm miễn dịch...). Câu chuyện đó chưa kịp chìm xuống, thời gian gần đây người dân lại thêm hoang mang khi cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ việc các viên thuốc tễ đông y được trộn lẫn với tân dược có chứa corticoid...

Cấp cứu vì “thần dược”

BS.ThS.Trần Văn Thuấn - Trưởng khoa Y học Dân tộc - Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, các thuốc đông y trộn tân dược thường liên quan đến việc chữa các triệu chứng đau của các bệnh, nhất là các bệnh về xương khớp.  Vì vậy các dược chất được trộn vào đông dược chủ yếu là các thuốc giảm đau, kháng viêm như aspirin, paracetamol, đặc biệt là corticoid (dexamethazon, betamethazon)...

Mục đích của người sản xuất đông dược trộn thêm tân dược vào là để lừa người bệnh. Khi người bệnh đang bị đau, uống đông dược này thấy giảm và hết ngay các triệu chứng đau nên bệnh nhân rất thích. Thậm chí khi thấy ăn được, ngủ được, béo lên (do tác dụng phụ của thuốc nhóm corticoid) người bệnh cứ tưởng đông dược “trá hình” này là “thần dược”. Thế nhưng họ có biết đâu rằng, những nguy cơ từ những đông dược này là vô cùng nguy hiểm.

Theo BS Thuấn, các thuốc nhóm corticoid có chỉ định dùng trong điều trị chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch nhưng sử dụng không đúng có thể gây loét dạ dày, tăng huyết áp, làm loãng xương, đái tháo đường, gây rối loạn chuyển hóa, suy giảm miễn dịch dẫn đến cơ thể dễ bị nhiễm trùng... Đối với người cao tuổi, những tác dụng phụ này lại càng trầm trọng và nặng nề hơn. Thực tế cũng cho thấy, nhiều bệnh nhân dùng thuốc đông dược đã phải đi cấp cứu vì chảy máu dạ dày...

PGS.TS.Nguyễn Văn Đoàn - GĐ Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, gần đây trung tâm tiếp nhận rất nhiều trường hợp dị ứng thuốc đông y (10-20%). TS. Đoàn cảnh báo, dị ứng thuốc đông y là rất nguy hiểm vì thuốc đông y có sự phối hợp giữa các hoạt chất thuốc. Nếu thầy thuốc không có chuyên môn, không biết cách phối hợp các vị thuốc, thậm chí còn dùng cả thuốc tây trộn vào thuốc nam cho người bệnh uống thì lại càng nguy hiểm hơn. Để phòng tránh dị ứng thuốc, theo TS. Đoàn, cách tốt nhất là hạn chế tối đa sử dụng thuốc bằng cách sinh hoạt khoa học hợp lí để giữ gìn sức khỏe.

Trong trường hợp phải dùng thuốc thì nên tìm đến các cơ sở y tế có uy tín, có thương hiệu... để được khám và điều trị một cách khoa học và đúng bệnh. Sau khi dùng thuốc mà có những biểu hiện bất thường như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, sẩn ngứa da nghiêm trọng... phải đến ngay BV để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, không được dùng thuốc theo người khác mách bảo mà phải có sự hướng dẫn chỉ định đầy đủ của thầy thuốc.

Đoan Trang

Đọc thêm