Đừng để vô tình khiến người bị TNGT chết vì thiếu hiểu biết

(PLO) - Với những nạn nhân bị TNGT, nếu được sơ cấp cứu tại chỗ kịp thời và đúng cách sẽ góp phần giữ được mạng sống cho họ, ngược lại nếu không được sơ cấp cứu kịp thời hoặc sơ cấp cứu không đúng phương pháp sẽ khiến tình trạng tổn thương thêm nặng nề.
BS Chính đang hướng dẫn cách sơ cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông (TNGT) là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội với con số thiệt hại về người và của ngày một tăng đến mức báo động nghiêm trọng. Tại Việt Nam, mỗi ngày có 24 người chết và 60 người thương tật suốt đời vì TNGT. 

Những động tác tối kỵ khi sơ cấp cứu cho người bị TNGT

Mới đây, ThS.BS. Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ những nguyên tắc cơ bản trong sơ cấp cứu, nguyên tắc vận chuyển cho bệnh nhân TNGT. Theo đó, khi nhìn thấy nạn nhân bị TNGT nằm trên đường, có vài động tác tối kỵ mọi người không được phép làm.

Đó là không được ra tháo mũ bảo hiểm cho nạn nhân ngay vì sẽ làm lay động cột sống cổ, nếu nạn nhân bị chấn thương cột sống cổ thì rất nguy hiểm.

Thứ hai, không được bế xốc nạn nhân lên. Vì hành động này làm tổn thương các cột sống cổ, làm chấn thương các xương tay, xương chân bị gãy, sẽ tạo cơ hội cho nạn nhân bị nặng hơn do tụt huyết áp tư thế. Thứ ba, không được bê vác nạn nhân ngay để chuyển sang vị trí khác mà phải sơ cứu tối thiểu, đánh giá tình trạng thương tích của nạn nhân trước khi di chuyển nhẹ nhàng sang vị trí khác.

BS. Chính cho biết, động tác sơ cấp cứu đúng là người thực hiện phải đánh giá nạn nhân xem có tỉnh không bằng cách lay và gọi nạn nhân. Nếu nạn nhân tỉnh thì yên tâm là nạn nhân không có tổn thương não và nạn nhân có thể tự thở được.

Trong một vụ TNGT mà rất nhiều nạn nhân nằm trên đường thì với những bệnh nhân tỉnh như vậy có thể yên tâm về mặt ý thức, hô hấp và chuyển sang tìm kiếm nạn nhân khác nặng hơn như hôn mê hay ngừng tuần hoàn. Nếu không có nạn nhân khác, chúng ta quay lại nạn nhân tỉnh tiếp tục tìm các tổn thương khác. 

Trong trường hợp nạn nhân hôn mê phải nhanh chóng nghe hơi thở, quan sát nhịp thở của nạn nhân, bắt mạch cảnh cho nạn nhân (ở cổ) và mạch bẹn cho nạn nhân xem có đập không. Nếu không đập, phải hồi sinh tim phổi bằng cách ép tim ngoài lồng ngực.

Nguyên tắc ép tim ngoài lồng ngực là dùng một khuỷu tay đặt lên 1/3 dưới xương ức ở giữa ngực, tay còn lại đặt 1/3 lên tay trên và đan chéo nhau, cẳng tay phải thẳng và đặt vuông góc với thành ngực, dùng toàn bộ thân mình ép xuống. Tốc độ ép là 100 lần/phút, cứ 30 lần ép tim thì thổi ngạt 2 lần. Cách thổi ngạt là kéo cằm nạn nhân xuống, tay còn lại đẩy trán nạn nhân lên, đồng thời bóp mũi nạn nhân rồi dùng miệng thổi hơi mạnh mẽ vào miệng nạn nhân.

Thổi ngạt hiệu quả là lồng ngực phồng lên. Nếu không thấy thành ngực phồng lên tức là có dị vật trong đường thở. Nếu một người cấp cứu thì rất mệt nên phải kêu gọi những người xung quanh ứng cứu thay nhau ép tim và thổi ngạt thì hiệu quả mới cao. Ép tim thổi ngạt cho đến khi cứu thương tới hoặc do quá mệt. Nếu nạn nhân có nhịp thở lại, có mạch trở lại thì dừng lại rồi tiếp tục đánh giá tình trạng tổn thương khác để có cách sơ cấp cứu. Nếu nạn nhân còn thở, bắt mạch cổ vẫn còn thì tiếp tục đánh giá các tổn thương phối hợp khác.

“Lưu ý chính là phải quan sát đường thở, xem nạn nhân có ứ đọng dịch hầu họng không, có dị vật trong đường thở không? Nếu có phải dùng ngón tay trỏ, ngón tay cái để móc dị vật ra, nếu có răng giả phải lấy răng giả ra. Trong trường hợp không có ứ đọng hầu họng thì để nạn nhân ở nguyên tư thế tai nạn ban đầu để tiếp tục đánh giá. Nếu nạn nhân có ứ đọng hầu họng thì phải lật nạn nhân sang tư thế nằm nghiêng an toàn, nhưng phải lưu ý cột sống cổ” - BS. Chính nhấn mạnh.

Nhất thiết phải cố định cột sống cổ

Cũng theo BS. Chính, thao tác cố định cột sống cổ là phải giữ thẳng đầu, lấy dụng cụ có sẵn như gạch chèn hai bên, để nạn nhân nằm yên rồi tiếp tục đánh giá các tổn thương khác. Ví dụ như đánh giá chèn máu, đánh giá gãy xương… từ đó áp dụng các biện pháp sơ cứu khác. Trong trường hợp nạn nhân bị ứ đọng hầu họng nhiều thì nguy cơ suy hô hấp, ngừng thở vì suy hô hấp rất cao, nên phải đặt nạn nhân sang tư thế an toàn, trước đó phải lưu ý hết sức các tổn thương phối hợp để làm sao các tổn thương phối hợp không trở lên nghiêm trọng hơn. 

Tư thế an toàn là phải có một người luôn giữ đầu và giữ cổ nạn nhân, để một tay nạn nhân lên phía trước ngực, đồng thời để chân cùng phía của nạn nhân co lên, tay còn lại duỗi thẳng ra rồi nghiêng nạn nhân sang tư thế an toàn. Hết sức lưu ý khi nghiêng nạn nhân sang tư thế an toàn để chất dịch tiết ra ngoài, tay vẫn phải cố định cột sống cổ rồi lấy các vật dụng có sẵn xung quanh kê cố định. Sau đó sơ cứu về cầm máu, nẹp tay chân nếu có, giữ ấm cho nạn nhân.

Nếu nạn nhân không được giữ ấm thì tình trạng tổn thương càng nặng nề. Nếu nạn nhân đói cũng không được cho ăn vì nguy cơ sặc phổi. Nếu nạn nhân chảy máu nhiều, như chảy máu vùng chân, thì dùng dao kéo cắt quần để bộc lộ tổn thương, nếu không cắt thì vùng tổn thương sau đó sẽ bị phù nề, vải quần vô tình thành garo sẽ chèn ép tổn thương. Nếu tổn thương ở ngón tay nhẫn thì phải cắt nhẫn, tổn thương ở vùng hầu họng thì phải cắt dây đeo cổ nếu có…

Khi garo dùng khăn áo sạch xung quanh tìm được, phải dùng cả bàn tay ép vào tổn thương từ 20-30 phút rồi tìm cách băng khu ép lại bằng băng cuộn, dây… để cố định băng ép được tổn thương này không chảy máu nữa. 

Sau khi băng ép xong, nếu thấy cả gãy xương thì ra hiệu thuốc mua bộ nẹp chuyên dụng, hoặc dùng các ô che nắng ép vào nẹp tổn thương gãy. Khi nẹp xong để nạn nhân nằm yên chờ xe cấp cứu đến. Nếu ở nơi xa không có xe cứu thương thì phải chọn phương tiện tốt nhất có thể, kể cả xe bò, xe máy… làm sao bảo vệ được cột sống cổ, cột sống lưng… chứ không được bế thốc nạn nhân lên.

Đọc thêm