Dùng gậy nhôm gạt dây điện, nam thanh niên suýt mất mạng

(PLVN) - Phòng khám đa khoa Hùng Vương - Tuyên Quang vừa cấp cứu thành công nam bệnh nhân bị điện giật do dùng gậy nhôm để gạt dây điện.
Bệnh nhân được bác sĩ sơ cứu tại hiện trường. Ảnh: BVCC

Trước đó, nam thanh niên đang lao động tại nhà thì thấy đường dây điện vướng vào nên đã lấy gậy nhôm để gạt ra khỏi khu vực làm việc. Anh này lập tức bị điện từ đường cao thế phóng vào người.

Nhận tin báo, các bác sĩ đã nhanh chóng đến hiện trường cấp cứu. Bệnh nhân lúc này đang trong tình trạng vật vã, bỏng nặng bàn tay phải, cẳng chân hai bên, bàn chân.

Bệnh nhân được chuyển về phòng khám, sau đó được giảm đau, chống sốc, băng vết bỏng. Hiện tại sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân bị bỏng do điện có tỷ lệ tàn phế cao, thời gian nằm viện kéo dài và thường để lại sẹo xấu do phải phẫu thuật nhiều lần. Đồng thời, phải đối mặt với nguy cơ hoại tử, nhiễm trùng, nhiễm độc. Do đó, người dân cần đặc biệt lưu ý khi làm việc và di chuyển tại các khu vực có điện lưới, nơi có trạm điện, đường điện cao thế, nhất là trong mùa mưa bão.

Khi bị bỏng điện, nếu không sơ cứu cấp cứu kịp thời thì những tổn thương có thể lan rộng sâu xuống các mô bên dưới da. Khi có một dòng điện mạnh truyền qua cơ thể thì những tổn thương bên trong như rối loạn nhịp tim hay ngừng tim có thể xảy ra, do đó cần phải nắm một số bước để xử trí cấp cứu ngay tại nơi xảy ra tai nạn.

Các bước sơ cứu khi gặp người bị điện giật

Bước 1: Khi phát hiện người bị điện giật cần nhanh chóng tìm và cắt ngay nguồn điện đang tiếp xúc với nạn nhân. Đeo găng tay cao su, đi guốc dép khô hay đứng trên một tấm ván khô, dùng gậy gỗ khô để gạt dây điện ra. Lưu ý, không dùng tay không, que/gậy bằng kim loại hay vật dụng có dính nước…

Bước 2: Đặt nạn nhân ở nơi thoáng mát, tránh xa khói bụi, khí độc và nơi có nhiệt độ cao.

Bước 3: Kiểm tra nạn nhân xem còn thở không.

- Nếu nạn nhân không còn thở phải nhanh chóng hô hấp nhân tạo và ép tim lồng ngực tại chỗ cho đến khi tự thở được hoặc có dấu hiệu hồi phục mới thôi. Sau đó đưa nạn nhân tới cơ sở y tế nơi gần nhất.

- Trường hợp nạn nhân tự thở được cần kiểm tra ngay mức độ tổn thương ở các vị trí trên cơ thể, đặc biệt là vị trí nguy hiểm như đốt sống cổ. Bởi những tổn thương như vậy có thể gây liệt cho nạn nhân nếu không được sơ cứu kịp thời. Cố gắng động viên, an ủi để nạn nhân bình tĩnh, yên tâm rồi nhanh chóng đưa họ tới cơ sở y tế.

Cần chú ý, với trường hợp nạn nhân bị bỏng, cần băng, che phủ vùng bỏng với băng vô trùng hoặc quần áo sạch. Không dùng chăn mền hay khăn lau vì các chất liệu sợi thưa có thể dính vào vết bỏng.

Đọc thêm