Đường dây nóng về ô nhiễm môi trường - vì sao chưa hiệu quả?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phát huy vai trò của người dân, cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường và xử lý kịp thời các khu vực có ô nhiễm là những nội dung quan trọng nhằm triển khai Luật Bảo vệ môi trường sâu rộng trong đời sống. Tuy vậy, đến nay, hệ thống đường dây nóng tiếp nhận thông tin về ô nhiễm môi trường từ Trung ương đến địa phương – “cầu nối” giữa người dân và cơ quan chức năng vẫn hoạt động chưa hiệu quả.
Ảnh minh họa,
Ảnh minh họa,

Kịp thời khắc phục bất cập

Theo báo cáo tổng kết cuối năm 2021 của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), sau 3 năm triểu khai, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ tiếp nhận được trên 4.000 thông tin từ các tổ chức, cá nhân phản ánh đối với trên 3.900 vụ việc về ô nhiễm môi trường (ÔNMT). Mặc dù đường dây nóng, bao gồm số điện thoại và email đã được thiết lập 100% tại các địa phương trên cả nước nhưng việc tiếp nhận và xử lý thông tin vẫn thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả. Trong đó, một số địa phương mới dừng lại ở mức xử lý thông tin, chưa chú trọng xử lý vụ việc, dẫn đến vụ việc không được xử lý triệt để, khiến người dân tiếp tục phải phản ánh nhiều lần, gây bức xúc, mất niềm tin, giảm hiệu quả đường dây nóng.

Do đó, để giải quyết những hạn chế, bất cập còn tồn đọng trong việc vận hành đường dây nóng, cuối tháng 1, Bộ TN&MT đã ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ÔNMT (sau đây gọi tắt là Quy chế). Trong đó, quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan trong việc tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng từ Trung ương đến địa phương.

Hiện nay, nhiều địa phương đã ra văn bản chỉ đạo việc thực hiện nghiêm Quy chế trên địa bàn. Quy chế gồm 3 chương 16 điều quy định về các nội dung như: Nguyên tắc tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng; Phân loại thông tin đường dây nóng; Phương thức tiếp nhận thông tin đường dây nóng; Nội dung thông tin tiếp nhận thông qua đường dây nóng; Quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường… Đáng nói, thời hạn cập nhật thông tin sau khi tiếp nhận không quá 02 giờ với thông tin các vụ việc xả chất thải ra môi trường mang tính tức thời, đột xuất và không quá 06 giờ đối với thông tin các vụ việc xả chất thải ra môi trường thường xuyên, liên tục (có tính quy luật).

Mặt khác, Quy chế này không quy định đối với việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Tổng cục Môi trường cũng cho biết, nhiệm vụ trong thời gian tới là tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động của đường dây nóng của Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, đường dây nóng được mở rộng tối thiểu đến cấp huyện, giao Phòng TN&MT quản lý, vận hành và có thể thiết lập đường dây nóng đến cấp xã để đảm bảo công tác tiếp nhận, xác minh được hiệu quả, kịp thời, tránh việc chuyển thông tin qua nhiều cấp xác minh gây mất thời gian. Đường dây nóng hoạt động 24/7, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Đầu số điện thoại di động và email được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của cơ quan để người dân có thể dễ dàng truy cập thông tin.

Tăng cường ứng dụng công nghệ

Đầu năm nay, các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực môi trường năm 2022 nhằm đưa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đến nhiều đối tượng khác nhau, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh yêu cầu phải đưa ra mô hình quản lý có tính thực tiễn, phù hợp với từng điều kiện cụ thể; thanh tra, kiểm tra các khu vực có ÔNMT và kiên quyết xử lý nghiêm những tồn tại hiện nay.

Do vậy, một trong những yêu cầu mới đặt ra là cần đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp nhận và xử lý thông tin đường dây nóng về ÔNMT. Theo đó, phương thức cung cấp và tiếp nhận thông tin không chỉ dừng lại ở số điện thoại và email mà có thể mở rộng thêm qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội chính thức của cơ quan nhà nước…

Dù là phương thức nào cũng phải đảm bảo người dân có thể cung cấp thông tin, chứng cứ vi phạm một cách thuận tiện, dễ dàng, cũng như bảo mật danh tính người cung cấp. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng phải thống nhất từ Trung ương đến địa phương, nhằm xây dựng một hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về vi phạm pháp luật về TN&MT. Không những vậy, các thông tin về xử lý vi phạm cần được công khai và cập nhật nhanh chóng để người dân được biết và tiếp tục cung cấp thông tin nếu còn vi phạm.

Các phương thức đường dây nóng đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa người dân và các cơ quan chức năng. Nhằm nâng cao hiệu quả của đường dây nóng, thiết nghĩ, người dân cũng cần được tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để tham gia phản ánh thông tin theo tinh thần đóng góp và xây dựng, giúp cho phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về môi trường. Dù vậy, điều quan trọng nhất vẫn là từ phía các cơ quan chức năng sau khi đã nhận được thông tin có thể giải quyết triệt để các vi phạm hay không.

Đọc thêm