Như thường lệ, trước mỗi sự kiện thể thao trọng đại, bao giờ câu hỏi đặt ra cũng là: Sau khi đã đầu tư rất nhiều để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đài thọ rất tốn kém trong công việc tổ chức, nước chủ nhà chờ đợi gặt hái được những thành quả kinh tế nào?. Liệu Pháp có thể thua lỗ hay không?.
Trong quá khứ, với Thế Vận Hội mùa hè 1976, thành phố Montréal –Canada do vụng tính đã để lại một khoản nợ khổng lồ cho nhiều thế hệ. Mãi đến năm 2002, người dân Montréal mới thanh toán xong. Tổ chức giải vô địch bóng đá châu Âu, Pháp không khỏi lo lắng.
Ước tính có đến 1,5 triệu du khách đổ về Pháp trong dịp Euro 2016 |
Những thành phố được vinh hạnh đón các trận tranh tài cũng phập phồng lo âu, khi đã đầu tư 1,7 tỷ chỉ để xây dựng hoặc nâng cấp, trùng tu 10 sân vận động ở những thành phố như Lille, Lens, Paris, Saint Denis, Nice, Toulouse, Bordeaux, Saint Etienne, Marseille, và Lyon.
Khách sạn, nhà hàng "hốt bạc"
Theo nghiên cứu do Trung Tâm Luật và Kinh Tế Thể Thao CDES thực hiện, mùa bóng năm nay sẽ đem về gần 1,3 tỷ euro cho kinh tế Pháp. Khoản tiền này có được nhờ mức tiêu xài của các “yếu tố nước ngoài”, tức du khách ngoại quốc và kể cả các quan chức của UEFA.
Bên cạnh đó còn phải kể đến các khoản chi tiêu của giới hâm mộ Pháp bởi vì lễ hội bóng đá với 51 trận đấu, ở 10 thành phố khác nhau từ bắc chí nam, cũng là dịp để người Pháp đi xem các trận đấu ở phương xa.
Vẫn theo Trung tâm CDES, giới yêu quả bóng tròn và sân cỏ Pháp sẽ xuất ra đến 250 triệu euro trong khuôn viên các sân vận động và khoảng 150 triệu tại các khu vực fan zone. Trung bình, mỗi cổ động viên sẽ tốn đến 337 euro nhân dịp cúp châu Âu lần này.
Denis Cippolini chủ tịch nghiệp đoàn quản lý khách sạn không khỏi tự hào đưa ra con số: Chỉ có 10 % các phòng khách sạn có thể bị bỏ trống trong hai tháng 6 và 7/2016 khi thành phố Nice, viên ngọc sáng trên bờ biển biếc, được vinh dự tổ chức đến 4 trận đấu:
“Có thể nói là đơn đặt hàng của chúng tôi khá đầy. Trong suốt hai tháng 5 và 6/2016 nhờ có hàng loạt các sự kiện văn hóa, thể thao, nên các khách sạn lúc nào cũng đông khách, và chúng tôi đáp ứng được nhu cầu dồn dập đó.
Tôi cũng xin lưu ý là tất cả các gam khách sạn đều đông khách từ những khu nhà trọ cho sinh viên thuê với giá rẻ, đến các khách sạn 5 sao. Trung bình tỷ lệ đặt phòng là khoảng 80 %. Với giải bóng đá châu Âu Euro 2016, có đến 4 trận diễn ra trên sân cỏ ở Nice, nhờ đó tỷ lệ đặt phòng lên tới 90 %”.
Ước tính có đến 1,5 triệu du khách đổ về Pháp trong dịp Euro 2016 |
Ở tận miền cực bắc nước Pháp, thành phố Lille là nơi đón đến 6 trận tranh hùng, chủ tịch hiệp hội khách sạn trong vùng Gérard Poorter cũng tỏ ra rất phấn khởi:
“Đây là một sự kiện rất quan trọng đối với Lille, cho dù không phải là lần đầu tiên thành phố này trở thành tâm điểm của giới yêu thể thao.
Trước đây Lille từng tổ chức trận chung kết giải quần vợt Cup Davis, hay các trận tranh hùng ở bộ môn bóng rổ, nhưng với giải Euro 2016 khách sạn trong vùng đã kín chỗ, chẳng những trong tuần, mà còn cả trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật luôn. Cho đến giờ chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được đơn đặt phòng”.
Tiệc chiêu đãi, yếu tố quan trọng
Không chỉ có ngành khách sạn, các nhà hàng, hay công ty chuyên tổ chức các sự kiện cũng đang làm việc gần như 24 giờ trên 24. Phó chủ tịch tập đoàn Provence Côtes d’Azur Events trúng thầu khâu dịch vụ chiêu đãi cho bốn trận đấu tại Nice giải thích: dịch vụ ăn uống sẽ lời to với Euro 2016.
“Tất cả các sự kiện lớn đều kèm theo những dịch vụ ăn uống, những buổi chiêu đãi. Tại mỗi trận đấu ở Nice đều có những cuộc hội họp, có rất nhiều cả tổ chức, hội đoàn, doanh nghiệp đón những thượng khách. Các buổi chiêu đãi đó là dịp gặp gỡ, làm ăn và mở rộng quan hệ trong việc giao tiếp.
Chúng tôi huy động 14.000 nhân viên phục vụ cho những buổi chiêu đãi này, từ khâu phục vụ ở bàn ăn, quầy nước, đầu bếp, đến khoản dựng các phòng chiêu đãi đặc biệt, loa phóng thanh, ánh sáng, sân khấu, bàn ghế…
Ngoài ra chúng tôi còn cộng tác với nhiều nhà trồng trọt, chăn nuôi trong vùng, để bảo đảm mua được rau quả, thịt cá tươi. Đây là cơ hội tạo rất nhiều công việc làm cho người lao động vùng Provence Côtes d’Azur”.
Một đối tác trọng yếu của tất cả các sự kiện thể thao lớn là các hãng quảng cáo. Theo thẩm định của tập đoàn quảng cáo Pháp Publicis, chỉ riêng với Euro 2016, doanh thu trong ngành tăng 4 %.
900 triệu euro được thổi thêm vào thị trường quảng cáo tại Lục địa Già, 50 triệu trong số đó sẽ về túi của Publicis.
Theo phân tích của một người trong cuộc, điều quan trọng là với Euro 2016, các nhà quảng cáo sẽ thí nghiệm nhiều mô hình mới trên các mạng xã hội: Tập đoàn viễn thông Orange, một trong những nhà tài trợ cho giải vô địch châu Âu tung ra một chiến dịch kêu gọi giới mê bóng đá bình chọn qua mạng xã hội Facebook hay Twitter để mỗi buổi tối trong suốt cuộc tranh tài, tháp Eiffel sẽ khoác lên mình màu cờ của đội bóng được nhiều người say mê nhất!
Ý thức được điều này, các đài truyền hình cũng đã mạnh tay tăng giá mỗi spot quảng cáo giữa hai hiệp bóng của mỗi trận đấu. Chẳng hạn như để xuất hiện trên chương trình của đài tư nhân TF1 30 giây, người ta sẽ phải chi ra 225 ngàn euro (khoảng 6 tỉ VNĐ). Riêng đài M6 được quyền truyền hình trực tiếp trận chung kết ngày 10 tháng 7 thì còn chưa định giá cho khách hàng.
Hãng truyền hình M6 còn đợi xem đội nào lọt vào chung kết. Giá quảng cáo tối hôm ấy lại càng đắt hơn nếu như đội Pháp ra sân !
Nói cách khác, doanh thu của cả các hãng truyền hình lẫn các công ty quảng cáo đều tùy thuộc vào thành tích của các cầu thủ Áo Lam.
Tác động về hình ảnh
Nhưng còn yếu tố quan trong khác phải nhắc tới. Pháp đã đầu tư nhiều để xây dựng hoặc nâng cấp các sân vận động và hệ thống giao thông công cộng. Lần này liệu Pháp có lãi hay không ?
Vincent Chaudel, giám đốc cơ quan tư vấn về cách tổ chức các sự kiện, Kurt Salmon, và là một chuyên gia về các hoạt động kinh doanh có liên quan trực tiếp đến ngành thể thao tìm cách trả lời:
“Khó có thể đoán trước là tổ chức Euro 2016 nước Pháp sẽ lời hay lỗ. Nhưng tôi thấy có nhiều yếu tố thuận lợi đang mở ra trước mặt nước Pháp. Chẳng hạn như là thành tích của đội tuyển quốc gia Pháp đang rất khả quan, nhất là sau các trận giao hữu trước ngày khai mạc cúp bóng đá.
Thứ hai là Pháp có những trang thiết bị và cơ sở hạ tầng rất tốt. Pháp lại có uy tín để tổ chức các sự kiện lớn. Tôi nghĩ là chỉ cần đội Áo Lam ghi một vài thành tích vẻ vang là đủ sức thu hút chú ý của công luận. Khi đó thì sẽ có những tác động tích cực về mặt kinh tế, tương tự như những gì đã xảy ra hồi 1998, khi đội Pháp thắng Cúp bóng đá thế giới.
Ngoài ra, khi được chọn để tổ chức giải Euro 2016 thì đây cũng là cơ hội để Pháp hiện đại hóa, xây dựng thêm hoặc nâng cấp một loạt các sân vận động và cơ sở hạ tầng.
Cách nay 18 năm Pháp đã phạm phải một sai lầm trong kỳ tổ chức Cúp thế giới. Khi đó Pháp đã dành ra 600 triệu euro để nâng cấp các sân vận động, nhưng chỉ riêng dự án xây dựng sân vận động Stade de France đã nuốt trôi 400 triệu.
Có điều từ 18 năm nay, sân vận động này ở Saint Denis do quá lớn, không đáp ứng nhu cầu của các đội bóng ở các trận đấu cấp quốc gia. Thành thử ra môn bóng đá không khai thác được sân vận động này đúng mức. Điều đó hơi phí.
Trong khi đó, kinh nghiệm của Đức trong kỳ tổ chức Cúp thế giới năm 2006 cho thấy là Berlin đã chi ra 1,3 tỷ euro cho tổng cộng 12 sân vận động khác nhau trên toàn quốc.
Sau cuộc tranh tài, thì cả 12 sân vận động đó đều phục vụ cho các đội bóng ở các thành phố, các tỉnh khác nhau. Nhờ vậy lượng khán giả đi xe bóng đá ở các sân vận động cũng đã được tăng lên gần gập đôi. Thu nhập của nền bóng đá Đức qua đó cũng tăng theo.
Bên cạnh những tác động về kinh tế, thì còn phải kể đến hình ảnh, đến bộ mặt của một quốc gia, một thành phố được tăng thêm gấp bội sau mỗi sự kiện thể thao được tổ chức thành công.
Luân Đôn và các vùng phụ cận không thể đổi mới nhanh chóng được nếu như không có sự kiện Thế Vận Hội 2012. Toàn bộ khu vực phía đông của thủ đô nước Anh đã được cải thiện đáng kể và trở nên tráng lệ hơn, nhờ Olympic 2012.
Trong trường hợp của thành phố Sochi ở Nga cũng vậy, cho dù là đằng sau thành công của Sochi có khá nhiều điều cần phải xét lại.
Thế rồi, nếu như không được tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông 1992 ở Albertville thì còn lâu tuyến đường xe lửa cao tốc TGV mới hoàn tất để rút ngắn hành trình người Pháp có thể dễ dàng đi trượt tuyết trên núi Alpes”.
20 ngày trước lễ khai mạc Euro 2016 Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế -OCDE trong một thông cáo đã thận trọng nhắc nhở: giải vô địch thế giới Mondial 1998 tổ chức tại Pháp đã không thực sự kích thích tiêu thụ nội địa như mong đợi. Thế rồi, với giải vô địch bóng bầu dục 2007, các dự phóng cho rằng nước Pháp thu về đến 4 tỷ euro quả là đã quá “chủ quan” .
Trên thực tế, các cơ quan nghiên cứu chỉ đưa ra những “dự phòng” trước khi diễn ra các sự kiện thể thao. Nhưng từ những dự báo cho đến khi kết thúc một mùa thi đấu, có nhiều bất trắc khó lường.
OCDE nêu lên những thí dụ cụ thể: như là vấn đề an ninh, thành công hay thất bại của đội nhà, chiến thắng hay không của các đội bóng ở các nước lân cận sẽ tác động trực tiếp đến khối lượng du khách đến xem các trận đấu.
Thu nhập của các dịch vụ khách sạn, nhà hàng, của giới buôn bán, qua đó cũng tăng hay giảm tùy theo sức thuyết phục hay không của các cầu thủ trên sân cỏ.
Đó là chưa kể chỉ cần thời tiết xấu hay các cuộc bãi công kéo dài cũng đủ để giới buôn bán thất vọng. Chỉ có chắc chắn một điều là ngành xây dựng cơ sở hạ tầng hay các công trình trùng tu sân vận động thì đã hoàn tất và ai cũng biết Euro 2016 là cơ hội bằng vàng cho các hãng xây dựng của Pháp.
Đương nhiên là bên cạnh những yếu tố thuần túy kinh tế, Cúp bóng đá châu Âu còn là dịp để cả thế giới chú ý đến Pháp, để khám phá ra rằng, ngoài Paris và tháp Eiffel, hay đại lộ Champs Elysées, Lille ở miền bắc, thành phố Toulouse ở miền tây nam, hoặc Nice, Marseille … cũng là những địa điểm du lịch thú vị.