EVN hỗ trợ mua bình nước Sơn Hà: Ai hưởng lợi?

Khách hàng khi mua sản phẩm bình nước nóng năng lượng mặt trời của Tập đoàn quốc tế Sơn Hà (Tập đoàn Sơn Hà) sẽ được Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) hỗ trợ 1 triệu đồng. Thực chất, EVN đang hỗ trợ khách hàng hay đem tiền của mình để hỗ trợ doanh nghiệp đối tác?

Trước đó (ngày 28/01/2010), giữa EVN và Tập đoàn Sơn Hà đã ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện chương trình bình đun nước nóng dùng năng lượng mặt trời. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, đây là một phần của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

“Tôi xài bình nước nóng năng lượng mặt trời nhưng không phải do Sơn Hà sản xuất, cũng là tiết kiệm điện, sao không được EVN hỗ trợ?” – một khách hàng đặt câu hỏi.

Thỏa thuận cơ chế hỗ trợ

Với thỏa thuận này, EVN sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng cho khách hàng mua bình nước nóng năng lượng mặt trời của Tập đoàn Sơn Hà.

Dự kiến, số lượng bình nước nóng năng lượng mặt trời được hỗ trợ trên cả nước trong hai năm 2010 - 2011 là 20.000 bình.

Tổng chi phí EVN hỗ trợ khách hàng cũng như quảng bá tuyên truyền là 24 tỷ đồng.

Với 20.000 bình nước nóng được lắp đặt trong năm 2010-2011, dự kiến chương trình sẽ tiết kiệm được 131,25 triệu KWh, cắt giảm công suất 30MW, giảm chi phí phát điện 98,44 tỷ đồng và giảm 85,312 tấn CO2. 

Tập đoàn Sơn Hà cũng thiết lập tổng đài chăm sóc khách hàng và dự kiến sẽ xây dựng cổng thông tin về sản phẩm trong thời gian tới.

Với thỏa thuận trên, EVN hi vọng sẽ thúc đẩy việc tiết kiệm điện hiệu quả và thiết thực nhất trong bối cảnh khan hiếm năng lượng như hiện nay, đồng thời khuyến khích áp dụng các sản phẩm công nghệ năng lượng sạch vào đời sống.

Buổi lễ ký kết giữa EVN với Tập đoàn Sơn Hà

Ai hưởng lợi?

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, thực tế việc hỗ trợ 1 triệu đồng khi khách hàng mua sản phẩm thiết bị đun nước bằng năng lượng mặt trời của Tập đoàn Sơn Hà là EVN đang “giúp” cho phía Sơn Hà để tiêu thụ sản phẩm?

Trả lời Pháp Luật Việt Nam về việc thõa thuận này của EVN liệu có trái với nguyên tắc tài chính, ông Nguyễn Đình Hiệp, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết: “Bên chương trình quốc gia có hỗ trợ trực tiếp cho người mua, nhưng hiện nay không làm nữa vì hết kinh phí. Thỏa thuận này là việc liên doanh, hợp tác giữa hai DN tham gia chương trình để giảm giá thành sản phẩm đối với khách hàng”.

Theo công bố, EVN chỉ đăng ký 5.000 bình trong Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhưng ở đây việc thỏa thuận hỗ trợ giữa EVN với Tập đoàn Sơn Hà lại lên đến đến 20.000 sản phẩm. “Cái này chắc là thực hiện theo từng giai đoạn, chứ thực hiện một lần cũng chưa ai mua hết, phải xúc tiến thương mại nữa…” - ông Hiệp cho hay.

Chiều 27/5, phóng viên Báo Pháp Luật cũng đã liên hệ với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc EVN, tuy nhiên ông Hùng đang bận họp nên chưa thể thông tin chi tiết. 

Việt Hưng

Đọc thêm