EVNNPT và TEL chia sẻ kinh nghiệm truyền tải điện

(PLO) - Từ kinh nghiệm trong hoạt  động  của  Công ty Lưới điện Quốc gia Transelectricia SA (TEL) - Rumani,  Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT)  sẽ có định hướng đúng trong phát triển hệ thống truyền tải điện Việt Nam theo phương châm đồng bộ, hiện đại,  góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và  phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Vệ sinh sứ cách điện bằng nước áp lực cao giúp giảm tổn thất điện năng tại Truyền tải điện Khánh Hòa

Hướng tới hệ thống truyền tải đồng bộ, thông minh

EVNNPT cho biết, vừa qua đơn vị này  đã phối hợp TEL tổ chức Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm trong quản lý và vận hành hệ thống truyền tải điện”.

Chủ tịch HĐTV EVNNPT Đặng Phan Tường chủ trì hội thảo. Ngoài ra, còn có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị cùng đại diện các Ban chức năng, các Công ty truyền tải điện 1, 2, 3, 4 và 3 Ban Quản lý dự án Các công trình điện miền Bắc, Trung, Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo,  ông Đặng Phan Tường đã chào mừng đoàn đại biểu của TEL đến thăm và tham dự Hội thảo. “Đây là cơ hội để hai bên tìm hiểu khả năng hợp tác nhằm mục tiêu phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ, hiện đại, tin cậy với hiệu quả cao và thông minh.”, ông Tường nhấn mạnh.

Đại  diện  TEL cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của EVNNPT và giới thiệu tổng quan về TEL. Hiện tại, vốn Nhà nước chiếm 59% và giữ vai trò chi phối. TEL  với 5 đơn vị trực thuộc: Smart chuyên cung cấp dịch vụ bảo dưỡng lưới;  Teletrans, cung cấp các dịch vụ viễn thông; Opcom, cơ quan tổ chức, quản lý và giám sát thị trường điện; Formernerg, cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn trong nhiều lĩnh vực; Icemenerg Service, chuyên thiết kế, sản xuất và phân phối công tơ, các thiết bị điều khiển và quản lý cho hệ thống năng lượng.  

“Tổng số cán bộ công nhân viên của công ty mẹ và 5 đơn vị trực thuộc khoảng 2.200 người. Ngoài ra, về vận hành hệ thống truyền tải điện, TEL có 8 đơn vị vận hành chia theo khu vực địa lý và mỗi đơn vị này có khoảng 200 người.”, đại diện c ủa TEL cho biết. 

Hệ thống lưới điện của TEL gồm có  81 trạm biến áp, 8.740km đường dây  cấp điện áp 400/220kV. Chỉ có 3 trên tổng số 81 trạm là trạm không người trực. Trung tâm điều khiển xa mới được thực hiện cho 40 trạm. Dự kiến, trong 10 năm tới, TEL sẽ triển khai trung tâm điều khiển xa cho các trạm còn lại.

Tại buổi hội thảo này, đại  diện  EVNNPT cũng trình bày về quá trình hình thành và phát triển của EVNNPT cũng như các thách thức của hệ thống truyền tải điện Việt Nam hiện nay.

Chia sẻ cởi mở

Ngoài những thông tin tổng quát, các đại diện của TEL cũng trình bày chi tiết về các lĩnh vực như: Cơ cấu của Trung tâm Điều độ; sự tích hợp của nguồn năng lượng tái tạo; thị trường năng lượng; những kinh nghiệm thực tế về quản lý tài sản, cơ sở hạ tầng hệ thống truyền tải, các khái niệm về ĐZ trên không, trạm biến áp và lưới điện thông minh; chiến lược bảo dưỡng, các chính sách và khái niệm; sửa chữa nóng trên hệ thống truyền tải; hệ thống điều khiển và bảo vệ ở Trạm biến áp (TBA) và Trung tâm Điều khiển từ xa...

Các câu hỏi liên quan đến những vấn đề mà  EVNNPT đặc biệt quan tâm hiện  nay như: quản lý tài sản, sửa chữa nóng đường dây và TBA, tự động hóa trạm, bảo dưỡng, sửa chữa và thí nghiệm, trung tâm điều khiển từ xa và TBA không người trực… đều được đại diện của TEL giải thích chi tiết,  thấu đáo

Qua buổi hội thảo này, EVNNPT đã  có thêm nhiều thông tin, học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý và vận hành hệ thống truyền tải điện của TEL. 

EVNNPT tin tưởng  trong tương lai, sự hợp tác giữa 2 đơn vị ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Trên cơ sở những kinh nghiệm rút  ra từ hoạt động của TEL,  EVNNPT  sẽ có những định hướng đúng trong phát triển hệ thống truyền tải điện Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại,  góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và  phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.

Đọc thêm