Dự lễ khai mạc có đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Bình: Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn.
Cùng dự có ông Nguyễn Đăng Chương - Giám đốc Trung tâm triển lãm văn hoá nghệ thuật Việt Nam, đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Ninh Bình và đông đảo người dân trên địa bàn.
Các đại biểu tham dự chương trình. |
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, thông qua hoạt động, mong muốn tiếp tục truyền tải ngọn lửa đam mê và tinh thần trách nhiệm trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá đến đông đảo nhân dân và du khách, làm cơ sở để cộng đồng các dân tộc Việt Nam cùng các dân tộc, các quốc gia, các vùng lãnh thổ trên thế giới cùng kết nối, cùng lan tỏa, trao cho nhau sự hiểu biết và hưởng thụ các giá trị di sản văn hoá tiêu biểu của dân tộc, của nhân loại.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Ninh Bình phát biểu khai mạc buổi lễ. |
Lễ hội đường phố có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật, các nghệ nhân dân gian đến từ các tỉnh, thành như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Cà Mau, tỉnh Udomxay, CHDCND Lào, cùng đoàn nghệ nhân đến từ 8 huyện, thành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Đặc biệt, Lễ hội đường phố còn có sự góp mặt và trình diễn của các hoa hậu là đại diện của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia Cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới được tổ chức tại Việt Nam và hoa hậu Đỗ Trần Khánh Ngân, Hoa khôi Du lịch Việt Nam năm 2017, Hoa hậu Cuộc thi hoa hậu hoàn cầu 2017 - Đại diện hình ảnh cho Festival Ninh Bình 2022.
Qua đó, nhằm giúp người dân và du khách được tiếp cận và thưởng thức các cách biểu đạt độc đáo của các loại hình di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu mang dấu ấn của nhiều vùng văn hoá khác nhau trong nước và trên thế giới.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà cùng đoàn lãnh đạo tỉnh đi tham quan và trải nghiệm những giá trị văn hóa, lịch sử tại các gian trưng bày. |
Tại đây, nhân dân và du khách có thể tiếp cận những thông tin cơ bản, khái quát về các di sản được UNESCO vinh danh như: di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Nhã nhạc Cung đình Huế; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Đờn ca tài tử Nam bộ… và nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu khác.
Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11).
Chương trình Đại nhạc hội với các tiết mục âm nhạc hiện đại, mang âm hưởng truyền thống qua phần thể hiện của nhiều ca sĩ trẻ được yêu thích cũng là sự kiện thu hút tại Festival năm nay.
Chương trình Đại nhạc hội với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, độc đáo. |