Furama Đà Nẵng tiên phong bảo tồn động vật hoang dã

(PLO) - Ngày 18/8, Furama Resort Đà Nẵng, Khu nghỉ mát tiên phong trong các vấn đề trách nhiệm xã hội và bảo vệ động vật hoang dã nói chung và tê giác nói riêng, đã kí Hiệp ước Bảo vệ Tê Giác tại Hội thảo chuyên đề về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là tê giác.
Hiệp ước Bảo vệ Tê Giác được Furama Resort ký kết tại Hội thảo chuyên đề bảo vệ động vậy hoang dã

Chương trình do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động, thực vật Hoang dã TRAFFIC tổ chức. 

Theo đó, Bản Hiệp ước không sử dụng sản phẩm làm từ sừng tê giác là cam kết của khu nghỉ trong vấn đề sử dụng cũng như tuyên truyền cho du khách không sử dụng bất kì sản phẩm nào làm từ động vật hoang dã. 

Furama trở thành khu nghỉ mát đầu tiên tham gia chiến dịch mang nhiều ý nghĩa này.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Ông Matthias Wiesmann, tổng Giám đốc điều hành Furama Resort Đà Nẵng cho biết, Furama Đà Nẵng rất tự hào khi đồng hành hỗ trợ cộng đồng trong nhiều chương trình xã hội, đặc biệt, hoạt động đấu tranh chống lại nạn vận chuyển và buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã. Từ Hội thảo, đơn vị sẽ hiểu rõ hơn về vai trò của cộng đồng doanh nghiệp cũng như của chính doanh nghiệp mình, trong nỗ lực tạo nên những thay đổi tích cực, góp phần duy trì sự đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái và vì một môi trường sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng.

“Tham gia chiến dịch này, chúng tôi mong muốn góp phần nâng cao nhận thức của người dân toàn cầu về bảo tồn và bảo vệ các cá thể hoang dã. Đặc biệt, Furama là đơn vị tiên phong đã và đang hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương để bảo vệ thiên nhiên hoang dã, trước hết đối với Voọc Chà Vá Chân Nâu, cũng như môi trường xanh sạch đẹp của Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam”, ông Matthias Wiesmann nói

Tham dự Hội thảo, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ Tịch Hiệp Hội Du Lịch Đà Nẵng chia sẻ thêm: “Việc bảo tồn Vọoc Chà Vá tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), không chỉ để giữ gìn môi trường hoang dã của thành phố mà còn thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng như một thành phố xanh, thành phố môi trường. Qua đây, chúng tôi mong muốn chính quyền Đà Nẵng đề nghị với Ủy Ban Tổ Chức APEC 2017 lấy Vọoc Chà Vá Chân Nâu làm biểu tượng cho sự kiện này tại Đà Nẵng, như một cách quảng bá thành phố Đà Nẵng xanh, thân thiện và bảo vệ môi trường”.

Ngoài ra, cùng với chiến dịch này, tất cả các khách mời tham dự Hội thảo sẽ đi thăm khu vực sinh sống của Voọc Chà Vá Chân Nâu tại Bán đảo Sơn Trà.

Đọc thêm