Gác rừng, gác lại cả tuổi xuân và tính mạng

Chưa đầy 3 năm, một lâm trường ở Đăk Lắk đã có hai cán bộ hy sinh và nhiều cán bộ nhân viên khác bị thương nặng khi đang làm nhiệm vụ giữ rừng. Những con người dũng cảm trong đó coi rừng là nhà, là quê hương bản xứ nên đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, thậm chí cả tính mạng của mình cho núi rừng tổ quốc.

Chưa đầy 3 năm, một lâm trường ở Đăk Lắk đã có hai cán bộ hy sinh và nhiều cán bộ nhân viên khác bị thương nặng khi đang làm nhiệm vụ giữ rừng. Những con người dũng cảm trong đó coi rừng là nhà, là quê hương bản xứ nên đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, thậm chí cả tính mạng của mình cho núi rừng tổ quốc.

Dù hy sinh nhưng vẫn quyết giữ rừng

Những ngày giữa mùa mưa ngập đất, ngập núi của rừng Tây Nguyên, chúng tôi đã có dịp chinh phục những con đường đất đỏ lầy lội để đến với những người làm nhiệm vụ giữ rừng ở Buôn Ja Wầm, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lắk.

Anh Nguyễn Kim Mưu bị lâm tặc dùng súng kíp bắn từ bụng xuyên ngực

Với diện tích gần 10 ngàn ha, nhưng toàn lâm trường chỉ có 22 người, do đó công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi người phải đảm nhiệm một diện tích rừng khổng lồ. Lợi dụng lực lượng bảo vệ quá mỏng, trong một vài năm trở lại đây, bọn lâm tặc thường xuyên xâm nhập vào rừng của lâm trường để tàn phá. Chúng rất manh động, liều lĩnh sẵn sàng chống trả quyết liệt mỗi khi bị phát hiện.

Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm trở lại đây đã có trên 10 cán bộ và nhân viên lâm trường này hy sinh và bị trọng thương trong khi làm nhiệm vụ. Điển hình là cách đây hơn hai năm, khi đoàn kiểm tra của lâm trường đi bắt lâm tặc, yêu cầu chúng lái những chiếc máy cày về trụ sở để xử lý thì chúng từ chối. Thấy vậy, anh Nguyễn Minh Huệ- Giám đốc lâm trường đã trực tiếp cầm lái, dẫn xe về trụ sở, nhưng trên đường về thì xe bị lật và anh Huệ cũng thiệt mạng. 

Thâm độc hơn là vào cuối năm 2009, khi phát hiện bọn lâm tặc vào rừng khai thác gỗ trái phép, lực lượng lâm trường tiến hành bắt giữ và áp tải về trụ sở để xử lý. Khi về đến cổng lâm trường, bất ngờ bọn chúng chống trả điên cuồng bằng cách dùng gậy đánh lực lượng áp tải đang ngồi trên xe, đồng thời cho xe lao thẳng vào những người đang làm nhiệm vụ dưới đất.

Kết quả, anh Phan Quốc Tán- cán bộ lâm trường bị chúng đánh vào gáy chết ngay tại chỗ, còn anh Lê Xuân Nguyên- Phó phòng quản lý bảo vệ rừng của lâm trường bị thương ở vai và lưng, anh Nguyễn Dương Lệ bị đứt cơ đùi.

Cũng mới đây, khi tiến hành bắt giữ lâm tặc phá rừng, anh Nguyễn Thành Lộc- cán bộ lâm trường bị chúng dùng gậy phang gãy và vỡ xương cánh tay trái. Chưa hết, lâm tặc còn dùng cả súng để bắn vào lực lượng lâm trường. Giữa năm ngoái, anh Nguyễn Kim Mưu đã bị lâm tặc bắn súng kíp xuyên ngực với 3 viên đạn, một viên xuyên sườn phải, hai viên còn lại xuyên qua gan.

Còn rất nhều anh em khác chỉ vì giữ rừng cho đất nước mà bị lâm tặc tấn công gây tổn hại về tính mạng và sức khỏe. Một phần xương máu của họ đã đổ xuống núi rừng nơi đây. Tuy nhiên những hy sinh thầm lặng của họ vẫn chưa được xã hội ghi nhận một cách xứng đáng.

Sâu kín những nỗi lòng

Những con người thầm lặng ngày đêm bảo vệ rừng cho đất nước không lên tiếng đòi hỏi gì lớn lao, vì họ đến với núi rừng vì lòng đam mê, vì nhiệm vụ cao cả. Thế nhưng, khi họ đã đổ xương máu để bảo vệ nguồn tài nguyên cho đất nước thì sự tưởng thưởng ghi nhận vẫn chưa đến với họ.

Anh Nguyễn Thành Lộc (cán bộ Lâm trường) bị lâm tặc đánh gãy cánh tay

Những người đã hy sinh như anh Huệ, anh Tán ở lâm trường Buôn Ja Wầm là một ví dụ. Dù bị thiệt mạng trong khi thi hành nhiệm vụ, nhưng họ vẫn không được công nhận là liệt sĩ, dù đã làm hồ sơ đề nghị.

Hoặc những người như anh Nguyễn Dương Lệ bị thương tật 18%, anh Nguyễn Thành Lộc 35%... vẫn không được hưởng chế độ thương binh… Anh Lộc tâm sự, từ khi bị chúng đánh gãy nát tay, sức khỏe của anh giảm đi rất nhiều.

Thấy đau quá, cách đây một tháng lại phải đi mổ lại tay. Vậy là qua hơn một năm, tay của anh đã mổ đi mổ lại không biết bao nhiêu lần. Giờ thì yếu lắm rồi, không còn làm được việc nặng nữa...

Còn với anh Nguyễn Kim Mưu bị lâm tặc bắn sung kíp xuyên ngực  thì ngậm ngùi: “Nhà ở mãi Phú Yên, chưa vợ con gì cả, xuýt nữa thì “xanh cỏ rồi”. Trong số ba viên xuyên ngực thì mới chỉ gắp ra được một viên, còn hai viên nằm trong gan thì bác sĩ nói không thể gắp ra được. Vậy là mỗi lần trở trời, anh Mưu lại bị vết thương hành hạ đau đớn.

Kiến nghị về vấn đề này, ông Phan Trọng Cần- Phó Giám đốc lâm trường Buôn Ja Wầm, mong muốn: “Trong tay chúng tôi chẳng có thứ vũ khí nào hỗ trợ cả, nên lâm tặc rất coi thường. Mong sao, Nhà nước trang bị cho lực lượng chúng tôi một vài công cụ hỗ trợ nào đó để có thể tự vệ và xử lý trong những tình huống cần thiết.

Hơn nữa, cũng mong Nhà nước xem xét để có chế độ phù hợp cho những đồng chí hết mình vì nhiệm vụ bảo vệ tài sản quốc gia mà bị hy sinh, bị thương để kịp thời động viên, làm cho anh em yên tâm và gắn kết hơn với nhiệm vụ cao cả này”./.

Ngọc Quý

Đọc thêm