Gala Giai điệu tự hào - món quà xuân độc đáo

(PLO) - “Gala Giai điệu tự hào 2016” phát sóng vào 20 giờ 10 phút tối mùng 1 Tết Nguyên đán (28/1) trên VTV1 là món quà xuân mà ê-kíp chương trình dành tặng khán giả trong năm mới 2017 này. Những ca khúc có số bình chọn cao nhất từ Hội đồng bình chọn trong cũng như khán giả của chương trình “Giai điệu tự hào” suốt một năm qua sẽ có mặt trong đêm nhạc đặc biệt này.
Gala Giai điệu tự hào - món quà xuân độc đáo

Mở đầu Gala là ca khúc “Xuân và tuổi trẻ” (sáng tác: La Hối; biểu diễn: Nhóm 5 Dòng kẻ), Ca từ trẻ trung sâu sắc, giai điệu giàu sức sống, tất cả tạo nên âm hưởng mùa xuân rõ rệt. Tiếp đến là “Đàn chim Việt” (Sáng tác: Văn Cao; biểu diễn: Vũ Thắng Lợi) cùng với bản mash up “Em bé quê - Bà mẹ quê” (Sáng tác: Phạm Duy; biểu diễn: Ngọc Khuê, bé Ngọc Linh và nhóm múa).

Cùng đó, ca khúc “Gửi người em gái miền Nam” (Sáng tác: Đoàn Chuẩn - Từ Linh; biểu diễn: NSƯT Tấn Minh) được trình bày trong một không gian xuân ấm cúng. PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái khi nghe ca khúc này, đã nhớ đến câu thơ của nữ thi sĩ Ônga Becgôn: “Em hát khác xưa rồi, và khóc cũng khác xưa theo/ Lớp trẻ lớn lên giờ lại hát theo ta/ Lại nhắp vị ngọt ngào thuở trước”. Giữa dòng thời gian chảy không ngừng, âm nhạc của 2 thế hệ xưa nay ngày càng xa cách.

Nhưng “Giai điệu tự hào” đã đưa 2 thế hệ vào chung một cuộc đối thoại, để rồi cùng tự hào về những giai điệu mà đất nước, nhân dân gây dựng nên và tồn tại mãi theo năm tháng. Ca khúc “Bước chân trên dải Trường Sơn” (Sáng tác: Vũ Trọng Hối; biểu diễn: Hoàng Hiệp, Đông Hùng, Minh Trí) cũng đã lọt vào đêm Gala, cho thấy cách phối, dựng biên đạo mới mẻ đã cuốn hút người xem tham gia bình chọn. 

Có thể nói, với bản phối ca khúc “Áo lụa Hà Đông” (Sáng tác: Ngô Thuỵ Miên/ Thơ: Nguyên Sa; biểu diễn: Hồ Trung Dũng), nam ca sĩ trẻ Hồ Trung Dũng đã thể hiện được cá tính âm nhạc rất riêng của mình. Bản phối kết hợp phong cách hiện đại với tiếng đàn tranh, rất gợi cảnh cho thính giả. Thật khó để so sánh với bản phối vốn rất nổi tiếng của danh ca Tuấn Ngọc, song Hồ Trung Dũng đã ghi dấu ấn đậm nét với ca khúc này. 

Còn “Hà Tây quê lụa” (Nhạc và lời: Nhật Lai) vốn đã quá quen thuộc lại được chương trình làm mới hoàn toàn qua phần trình diễn kết hợp của ca sĩ Đông Hùng với nghệ sĩ Quốc Hương. 

Nhắc tới những ca khúc được yêu thích nhất trong mùa thứ 3 không thể không nói tới “Nơi đảo xa” (Sáng tác: Thế Song; Biểu diễn: Tùng Dương và nhiều chiến sỹ hải quân). Ca sĩ Tùng Dương được nhạc sĩ Thanh Phương “thử thách” với hai phiên bản, một là jazz và một là acoustic. Dù phiên bản jazz được đánh giá là phá cách và rất sáng tạo, nhưng phiên bản Acoustic đã hoàn toàn chinh phục cả những người nghe khó tính nhất. Tiếng hát Tùng Dương đi vào lòng người bởi sự thư thái, nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu lắng, da diết.

Tiếp theo đó là liên khúc “Bám biển quê hương” (sáng tác: Phạm Tuyên) và “Hò biển” vốn chứa sự hào sảng đầy nhiệt huyết lần này sẽ được nhạc sĩ Thanh Phương tạo điểm nhấn nhờ tiếng đàn tranh trên nền trống, gây ấn tượng với tiết tấu vừa nặng, vừa mạnh đậm chất Rock. Màn kết hợp với dàn đồng ca trong ca khúc này vừa tăng thêm khí chất hào hùng nhưng không làm mất đi cảm xúc về tình yêu biển quê hương nồng nàn được gửi gắm qua ca khúc. 

Liên khúc “Em ơi Hà Nội phố” (Sáng tác: Phú Quang; Biểu diễn: Phương Anh); “Gửi lại em” (Sáng tác: Vũ Hoàng; Biểu diễn: Ngọc Khuê, Bảo Trâm); “Ơi cuộc sống mến thương” (Sáng tác Nguyễn Ngọc Thiện; Biểu diễn: Kimmese và nhóm PKL) mang lại sư thú vị, tràn ngập cảm xúc đêm Xuân. Có lẽ ca khúc được phối lại hoàn hảo và ấn tượng nhất đêm Gala lại là “Ơi cuộc sống mến thương” của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện.

Đó là sự pha trộn giữa Reggae, Tropical, Electro và thậm chí cả Rap với cách hát đầy năng lượng tuổi trẻ của 2 nghệ sĩ underground: Kimmese cùng Jgkid (Quách Văn Thơm). Bản phối này cũng đại diện cho sự hội ngộ xưa – nay: giới trẻ hiện đại hát nhạc trẻ của ngày xưa, cũng như tinh thần tìm tòi cái mới để thể hiện cái tôi của các nghệ sĩ trẻ. Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh chia sẻ: “Chúng tôi già đi và lớp trẻ kế tiếp, với bài hát cũng thế! Bài hát khó thay đổi nhưng ngôn ngữ người biểu diễn và phối khí có thay đổi, nhất là nhịp độ của thời đại chúng ta đang sống khác xưa rất nhiều”. 

Liên khúc “Chiều biên giới” và “Hát về anh”, “Chiều biên giới” (Nhạc sĩ: Trần Chung/Thơ: Lò Ngân Sủn; biểu diễn: Hà Vy & Thục Hiền biểu diễn tại Cột cờ Lũng Cú). Chia sẻ về mô hình bậc tam cấp của chương trình, nhà sản xuất, nhà báo Đặng Diễm Quỳnh cho biết: “Với từ khóa “cảm xúc”, chương trình sẽ bắt đầu bằng các phóng sự để giúp người xem đạt 5,6 điểm cảm xúc, rồi lên 7,8 khi thưởng thức ca khúc; phần nhận xét Hội đồng bình luận và chia sẻ bên lề sẽ đưa cảm xúc khán giả lên mức cao nhất.

Các câu chuyện thú vị về số phận bài hát, của riêng lâu nay giờ được kể với công chúng yêu âm nhạc là điểm làm nên sự độc đáo của “Giai điệu tự hào”.