Gần 100 hoạt động sáng tạo tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024

(PLVN) - Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” có hơn 100 hoạt động sáng tạo thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa sẽ diễn ra từ ngày 9 - 17/11 tại Hà Nội.
Bà Trần Thị Vân Anh – Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội thông tin về Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024. (Ảnh: BTC)

Chiều 30/10/2024, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, Tạp chí Kiến trúc Hà Nội họp báo thông tin về Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Vân Anh – Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho hay, chương trình này nhằm thực hiện Kế hoạch số 266/KH-UBND ngày 12/9/2024 của UBND TP Hà Nội về việc Tổ chức các hoạt động Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO năm 2024-2025.

Đây cũng là nội dung nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển Công nghiệp Văn hóa trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Theo đó, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024 với quy mô lớn, lần đầu tiên được tổ chức thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Thủ đô. Quảng trường Cách mạng tháng 8 kết nối trục “Tinh hoa di sản”, phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông; trục “Kinh tế Sáng tạo” dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền gồm các công trình kiến trúc nổi bật như Cung Thiếu Nhi, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tự Nhiên và các không gian văn hóa Hồ Hoàn Kiếm, vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, 19/8, Tao Đàn.

Tuyến trải nghiệm của lễ hội sẽ là dịp đưa các công trình kiến trúc nổi bật, gắn liền với lịch sử Hà Nội đến gần hơn với đời sống người dân.

Lễ hội tập trung vào ba trụ cột đó là: Thiết kế - Cộng đồng - Sáng tạo với sự tham gia của các cộng đồng sáng tạo. (Ảnh BTC)

Lễ hội tập trung vào ba trụ cột đó là: Thiết kế - Cộng đồng - Sáng tạo với sự tham gia của các cộng đồng sáng tạo đến từ các thành phố thuộc Mạng lưới các thành phố, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, các trường Đại học, Thành đoàn Hà Nội, các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố. Ban Tổ chức Lễ hội cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cơ quan, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố cùng cộng hưởng sáng tạo, trưng bày tại chỗ các “sáng kiến sáng tạo” của mình.

Trong khuôn khổ lễ hội, sẽ có khoảng gần 100 hoạt động sáng tạo diễn ra. Điểm nhấn là các công trình biểu tượng, sắp đặt mô hình không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm. Nhiều tọa đàm, hội thảo với sự góp mặt của các chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực sáng tạo cũng sẽ được tổ chức.

Các hoạt động sáng tạo được tổ chức tại đây sẽ là cuộc đối thoại giữa công trình hiện hữu, gắn ký ức cộng đồng với những ý tưởng sáng tạo mới để nhấn mạnh vai trò của giới trẻ trong tiếp nối, phát huy các giá trị của dân tộc trong phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy Thủ đô phát triển thực sự xứng tầm là trung tâm sáng tạo của cả nước.

Cùng với đó, tinh thần sáng tạo cũng được lan toả tại khắp các không gian di sản văn hóa, không gian sáng tạo, các làng nghề truyền thống trên khắp các tuyến phố, các địa bàn quận huyện, thị xã của Thủ đô.

Ban Tổ chức Lễ hội cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cơ quan, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố cùng cộng hưởng sáng tạo, trưng bày tại chỗ các “sáng kiến sáng tạo” của mình. "Giao lộ sáng tạo” không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm về kinh tế sáng tạo cho thành phố trong tương lai, mà còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo của Thành phố, góp phần cộng hưởng, kết nối và thu hút các nguồn lực sáng tạo; đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội.

Đọc thêm