Gặp mặt giao lưu giữa thế hệ trẻ và thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019

(PLVN) - Chiều qua (24/7) 400 thương bệnh binh và 100 đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi của Thủ đô Hà Nội đã tham gia buổi gặp mặt giao lưu giữa thế hệ trẻ và thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 với chủ đề “Tự hào truyền thống – Tiếp bước cha anh”. 
Các thương binh nặng giao lưu với các bạn trẻ về những năm tháng tham gia. Ảnh Tiền phong
Các thương binh nặng giao lưu với các bạn trẻ về những năm tháng tham gia. Ảnh Tiền phong

Chương trình diễn ra trong khuôn khổ Cuộc gặp mặt tuyên dương thương binh nặng toàn quốc năm 2019 nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Trung ương Đoàn TNCSHCM, UBND TP.Hà Nội phối hợp tổ chức,

Mở đầu cuộc giao lưu, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCSHCM nhấn mạnh: “Thế hệ trẻ hôm nay được sống cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hòa bình, độc lập là nhờ công lao, xương máu của nhiều thế hệ cha anh. Tại buổi giao lưu này, có những thương bệnh binh đã hy sinh trọn vẹn tuổi thanh xuân và xương máu của mình cho Tổ quốc, để khi chiến tranh kết thúc họ trở về nhà với thương tật rất nặng.

Chiến tranh đã lùi rất xa và thế hệ trẻ hôm nay biết được về sự khốc liệt của chiến tranh, của hy sinh mất mát nhờ những bài học lịch sử, những thước phim tư liệu…Và hôm nay, họ lại được trực tiếp gặp những chứng nhân lịch sử để nghe những câu chuyện và qua đó sẽ là những bài học giáo dục nhận thức về lòng yêu nước, về lòng biết ơn…”.

Đại diện cho các thương bệnh binh tiêu biểu giao lưu có bà Trương Hồng Dân sinh năm 1946, tham gia cách mạng từ năm 11 tuổi, là thương binh 1/4, đang sinh sống tại Cần Thơ; ông Đào Viết Thoàn, thương binh 1/4, bị thương năm 1979 trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, ông Phạm Xuân Lai, thương binh 1/4, người đã từng có mặt ở chiến trường Quảng Trị và tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn năm 1975. Cô gái trẻ Lê Thị Thu Huyền người đã từng được nhận Giải thưởng Sao Tháng Giêng là một trong ba người của thế hệ đại diện giao lưu.

Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói “Thương binh tàn nhưng không phế”, ghi nhớ lời dạy này của Bác, thương binh Đào Viết Thoàn  hơn 30 năm qua, bằng bài thuốc cổ truyền và phương pháp chữa trị độc đáo đã chữa trị cho hàng vạn bệnh nhân bị bỏng ở mọi cấp độ.

Ông cho biết đến nay ông đã điều trị thành công cho 28.744 bệnh nhân trong đó có cả các thương bệnh binh. Hơn một nửa trong số đó được ông miễn tiền thuốc, tiền công, tiền giường bệnh, điện nước… với số tiền lên đến hơn 6 tỷ đồng. Người thương binh Đào Viết Thoàn được đồng đội và người dân yêu mến gọi ông là “vua chữa bỏng” của đất Thái Bình.

Rưng rưng cảm động trước các câu chuyện được các thương bệnh binh kể trong cuộc giao lưu, cô gái trẻ Lê Thị Thu Hiền nói lên cảm nghĩ của mình rằng cuộc gặp mặt đã tiếp thêm sức mạnh để bản thân em cũng như nhiều bạn trẻ khác tiếp tục dũng cảm tiến lên phía trước xây dựng quê hương, đất nước với niềm tin luôn có truyền thống của cha anh nâng bước.

Hôm nay (25/7), lễ gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội với 500 đại biểu tham dự trong đó có 52 đại biểu từ các cơ sở nuôi dưỡng người có công và 448 đại biểu từ các địa phương.

Hiện nay toàn quốc có hơn 12.000 thương binh nặng, 5 cơ sở nuôi dưỡng người có công thuộc Bộ LĐ-TB&XH là Thuận Thành, Lạng Giang, Kim Bảng, Duy Tiên, Long Đất và 10 trung tâm nuôi dưỡng người có công trực thuộc địa phương. 

Đọc thêm