Chiến tranh đã lùi xa, nhưng có lẽ trong ký ức của nữ dân quân Nguyễn Thị Mụn (xã Trung Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) - người đã từng bắt sống Thiếu tá phi công Mỹ - dường như chỉ mới ngày hôm qua. Bởi với bà, đó là những ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn gian khổ mà oai hùng.
[links()] Chiến tranh đã lùi xa, nhưng có lẽ trong ký ức của nữ dân quân Nguyễn Thị Mụn (xã Trung Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) - người đã từng bắt sống Thiếu tá phi công Mỹ - dường như chỉ mới ngày hôm qua. Bởi với bà, đó là những ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn gian khổ mà oai hùng.
|
Nữ dân quân nhỏ bé khiến giặc Mỹ phải cúi đầu khuất phục |
Về thôn Trung Trạch vào những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi gặp lại nữ dân quân Nguyễn Thị Mụn ngày ấy, bây giờ đã thành bà lão tóc bạc, da mồi. Dù đã bước sang cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng khi kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng chiến đấu hào hùng, giọng của bà bỗng trở nên mạnh mẽ lạ thường như khi tuổi còn đôi mươi.
Tuổi 16 tay cày, tay súng
Năm 1965, giặc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá miền Bắc nhằm cắt đứt nhiều tuyến đường huyết mạch, ngăn chặn quân ta chi viện cho chiến trường miền Nam . Ngày ấy cô gái Nguyễn Thị Mụn vừa bước sang tuổi 16. Vốn là một cô gái gan dạ dũng cảm, xúc động trước hình ảnh của các anh, các chị cùng bao bạn bè trang lứa khác lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cô bé Mụn cũng vội vàng viết đơn tình nguyện để được tiếp bước cha anh.
Có một điều lạ là dù đã rất nhiều lần gửi đơn lên xã để xin được vào chiến trường nhưng đều không được chấp nhận, điều này khiến bà rất buồn. Sau này bà mới biết, nguyên nhân là ở hậu phương thời điểm ấy rất cần những người thanh niên trẻ, khỏe như bà ở lại để tăng gia sản xuất, vừa tập luyện quân sự tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ của xã. Vì thế trong thời gian ở lại địa phương, bà vừa tham gia vào tăng gia sản xuất, vừa được cấp trên giao làm Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Trung Trạch, kiêm Bí thư chi đoàn thanh niên.
|
Nữ dân quân |
Đầu năm 1967, đế quốc Mỹ ngày một điên cuồng leo thang bắn phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trước tình hình cấp thiết của cuộc chiến tranh, bà được điều động sang trực chiến đấu và làm B trưởng pháo 12 ly 7.
Ngày đó, đơn vị dân quân trực chiến của bà có 3 khẩu đội 12 ly 7 với 15 chiến sĩ, cùng chia lửa với đơn vị 363 của Huyện đội Bố Trạch, nhằm đánh trả máy bay Mỹ, với thế trận linh hoạt di chuyển liên tục tại các điểm từ Đồi Sỏi, Nương Hoang, Mò O đến Cồn Mọi, Rú Đình… đã làm cho máy bay địch nhiều phen chao đảo.
Trong số đó, vào ngày 17/7/1972 nữ dân quân trực chiến của xã Trung Trạch đã bắn hạ chiếc F4H (thần sấm), chôn vùi máy bay cùng giặc lái.
Một mình bắt sống “giặc lái”
Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất trong cuộc đời “binh nghiệp” của bà Mụn vẫn là ngày 11/9/1967, ngày mà bà đã một mình bắt sống giặc lái Overly Norris.M - một thiếu tá không quân Mỹ lái máy bay B57, mang số quân FR45067A. Nói về kỷ niệm không thể nào quên ấy bà nhớ lại: Hôm đó, khoảng 21 giờ ngày 11/9/1967, đơn vị bà đang trực chiến như thường lệ thì bà phát hiện một chiếc máy bay của địch bị quân và dân Quảng Bình bắn cháy, nó như một bó đuốc khổng lồ từ Nông trường Việt Trung đâm thẳng về hướng biển, rồi rơi xuống cách nơi bà đang đứng khoảng 200 mét.
Phán đoán trong chiếc máy bay cháy đó ắt hẳn sẽ có phi công và bà nghĩ ngay là phải bắt sống tên giặc lái trước khi nó liên lạc với đồng đội đến ứng cứu. Nghĩ vậy, bà đã một mình cầm súng lao đến gần chiếc máy bay đang bốc cháy nghi ngút khói và đúng như dự đoán, sau hơn mười phút quan sát bà thấy một tên phi công lực lưỡng đang lồm cồm bò dậy, một tay cởi bỏ các nút thắt dây dù, tay kia đang dùng máy bộ đàm phát tín hiệu “tích tè, tích tè” để liên lạc với đồng bọn đến ứng cứu.
Để ghi nhận chiến công bắt sống được tên thiếu tá phi công Mỹ, cùng với những công lao to lớn của bà vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, năm 1983 bà Nguyễn Thị Mụn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. |
Trong lúc mặt đối mặt với tên phi công cao lớn như vậy bà rất sợ hãi, nhưng nghĩ nếu không hành động ngay thì đồng bọn của nó sẽ đến giải vây và nơi đây sẽ diễn ra một trận đánh rất ác liệt không có lợi cho quân ta. Vì vậy, bà đã liều mình chạy đến chĩa ngay khẩu súng đang lăm lăm trong tay về phía tên phi công.
Quá bất ngờ trước hành động của bà, tên phi công chỉ biết run lẩy bẩy, vội vã vứt máy bộ đàm và đầu hàng chịu trói. Khi ấy trong lòng bà mặc dầu rất căm thù muốn “găm” cho tên phi công ấy một phát đạn vào đầu cho bõ tức, nhưng theo lệnh của cấp trên là phải bảo vệ chứ không được giết hại tên phi công đó. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, bởi bà hiểu rằng lòng căm thù bọn giặc Mỹ của người dân đang dâng cao, chỉ cần lơ là mất cảnh giác trong việc bảo vệ là tên phi công đó bị bà con, làng xóm đánh chết ngay.
Hôm đó, mặc dù trời tối đen như mực, nhưng khi nghe tin bắt được giặc lái, bà con xã Trung Trạch đến xem rất đông, ai cũng chuẩn bị gậy gộc, dao găm sẵn sàng xông vào đánh chết tên giặc lái đó. Biết vậy nên toàn bộ anh em dân quân xã cùng các đồng chí trong huyện đội Bố Trạch phải thay phiên nhau canh giữ, đồng thời giải thích, khuyên bảo bà con về truyền thống nhân đạo của dân tộc mình, không được giết hại tên phi công. Đích thân bà phải đưa tên giặc lái đó về nhà mình cho ăn uống, bảo vệ tính mạng trước khi giao nộp cho cấp trên.
Đất nước hoàn toàn thống nhất, trở về với cuộc sống đời thường, cô dân quân anh dũng, gan dạ Nguyễn Thị Mụn ngày nào, bây giờ tuổi đã cao. Cuộc sống gia đình hiện tại tuy còn khó khăn về kinh tế, nhưng bà vẫn giữ được phẩm chất của người lính Cụ Hồ năm xưa - mộc mạc, giản dị…/.
Phan Đình Quân