Theo kế hoạch của Bộ GTVT, ngày 29/4 (ngày Giỗ Tổ) sẽ tổ chức Lễ khánh thành Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2021 đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây. Buổi lễ sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu chính tỉnh Bình Thuận (dự án Phan Thiết - Dầu Giây) kết nối với điểm cầu tại tỉnh Thanh Hóa (dự án Mai Sơn - quốc lộ 45).
Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 dài hơn 63km đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công tháng 9/2020, kỳ vọng về đích vào tháng 9/2022 nhưng phải lùi tiến độ đến 31/12/2022 và sau đó là trước 30/4/2023. Dự án được phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1, đường có bề rộng 4 làn xe, gồm 2 làn mỗi chiều. Dải dừng xe khẩn cấp được thiết kế đứt đoạn với tổng số 25 điểm dừng trên toàn tuyến, mỗi điểm dài 170m.
Theo Ban Quản lý dự án (BQLDA) Thăng Long, dự án có hai hầm lớn. Hầm Tam Điệp gồm 2 đường hầm tương ứng 2 chiều xe chạy. Mỗi ống hầm có 3 làn xe, chiều dài 245m. Đây cũng là điểm ranh giới giữa 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Hầm Thung Thi dài 680m là hầm xuyên núi dài nhất thuộc tuyến cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45. Với chiều dài gần gấp 3 lần hầm Tam Điệp, hầm Thung Thi được lắp đặt thêm các thiết bị thông gió. Hai hầm lớn này đều do Tập đoàn Đèo Cả thi công. “Đến nay các hầm đã thi công xong toàn bộ các hạng mục”, đại diện BQLDA Thăng Long cho biết.
Với hệ thống đường, đơn vị thi công đang hoàn thiện các nút giao dọc tuyến. Trên các nhánh giao cắt dự kiến có trạm thu phí ra vào tuyến. Tuy nhiên, Bộ GTVT hiện chưa chốt phương án thu phí cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 nên các thiết bị thu phí chưa được lắp đặt.
Cũng theo đại diện chủ đầu tư, hiện vẫn còn nhiều hạng mục cầu vượt và đường gom dân sinh còn dang dở. Với tuyến chính, đường có tổng chiều dài 64km, nhưng hiện mới có 54km được hoàn thành, sẽ thông xe vào ngày 29/4. 10km còn lại từ nút giao Đông Xuân đến điểm cuối tuyến tại xã Tân Phúc (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) chưa thể thông xe do phải chờ xử lý nền đất yếu. Việc thi công hệ thống đường gom, cầu vượt và 10km còn lại sẽ tiếp tục được các đơn vị thực hiện sau ngày khánh thành 29/4.
Dự án nữa cũng cán đích dịp này là cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với tổng mức đầu tư 12.500 tỷ đồng, khởi công tháng 9/2020. Sau khoảng 2,5 năm thi công, cao tốc này sẽ được đưa vào khai thác từ ngày 29/4. Tuyến cao tốc này có tốc độ tối đa cho phép là 120km/h, tốc độ tối thiểu là 60km/h. Mức quy định này tương tự cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đây cũng là tốc độ cao nhất được phép lưu thông tại Việt Nam. Điểm đầu của tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được nối với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, tạo thành tuyến cao tốc dài, được phép chạy tối đa 120km/h.
Nhằm chuẩn bị cho việc khánh thành vào sáng 29/4, từ ngày 26 - 28/4, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng cơ bản sẽ kiểm tra công tác nghiệm thu án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Theo BQLDA Thăng Long, dù được khánh thành ngày 29/4 nhưng vẫn còn nhiều nút giao trên tuyến cao tốc chưa hoàn thành, vì vậy, phương tiện chỉ có thể lưu thông vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ 3 nút giao chính. Ngay sau nghi thức khánh thành, các phương tiện sẽ được di chuyển được trên tuyến chính là phần đường cao tốc.
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết lùi ngày khánh thành
Theo kế hoạch ban đầu, Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ được khánh thành trước 30/4. Tuy nhiên, mới đây, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ lùi thời điểm khánh thành dự án này đến ngày 19/5/2023. Lý do là dự án hiện chỉ hoàn thành 2/5 nút giao liên thông, còn 3 nút giao (nút Ma Lâm, Chợ Lầu, Đại Ninh) chỉ hoàn thành thảm bê tông nhựa các nhánh nút, phạm vi tuyến nối mới hoàn thành lớp móng cấp phối đá dăm; 6 vị trí cầu vượt trực thông (đường dân sinh) chưa đắp đủ cao độ.