[links()] Ông Đỗ Hữu Ca nhận định tổ công tác đã không lường được hết các tình huống nên để xảy ra hậu quả khiến 4 cảnh sát cùng 2 quân nhân bị thương.
Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca chia sẻ trong thời gian dài Hải Phòng mới xảy ra vụ cưỡng chế phức tạp đến vậy. Trước đó ở nhiều vụ, nhà chức trách giải quyết khá êm xuôi.
Ông Ca cho rằng trong các vụ giải tỏa đất đai, lấy lại mặt bằng phải xác định chủ đất hoặc đang thuê đất họ không phải là tội phạm. Do đó trước khi cưỡng chế cần giải thích cụ thể để họ tự nguyện bàn giao. "Trong các vụ cưỡng chế việc chuẩn bị lực lượng cũng như máy móc khá cần thiết. Tuy nhiên từ xưa đến nay các vụ cưỡng chế phải xác định quan điểm giáo dục là chính...", Giám đốc Ca nói.
Với vụ cưỡng chế ở huyện Tiên Lãng, công an thành phố cho biết chỉ biết cung cấp lực lượng như đề nghị để cùng tham gia. Còn kế hoạch thuộc thẩm quyền của huyện.
Theo kinh nghiệm của người đứng đầu công an thành phố, lẽ ra trong vụ cưỡng chế ngày 5/1 ở Tiên Lãng, khi mìn phát nổ, tổ công tác của huyện phải cho rút quân ngay để xin ý kiến chỉ đạo. Song, lãnh đạo công an huyện cùng một số cán bộ vẫn áp sát ngôi nhà dẫn đến hậu quả 4 cảnh sát cùng 2 quân nhân bị trúng đạn hoa cải phải đưa vào viện cấp cứu.
|
Ông Đỗ Hữu Ca. |
Khi sự việc trở nên nghiêm trọng, Công an thành phố mới nhận được đề nghị giúp đỡ. 2 trung đội cảnh sát đặc nhiệm cùng nhiều lực lượng cảnh sát bảo vệ của công an thành phố đã được điều động đến phối hợp cùng bộ đội biên phòng giải quyết sự việc.
Sau khoảng 30 phút từ thành phố xuống huyện, giám đốc cùng 4 phó giám đốc Công an thành phố đã có mặt để chỉ đạo. Bên cạnh những mũi tiếp giáp bằng bộ binh, lực lượng cảnh sát còn tiếp cận ngôi nhà 2 tầng bằng các con thuyền nan chạy dọc bờ mương.
Nhận định những kẻ trong ngôi nhà 2 tầng chống đối bằng cách trải rơm dọc hai bên đường rồi tẩm xăng, lãnh đạo công an thành phố đã lên phương án đốt cháy toàn bộ. Song trên thực tế chưa dùng đến. Sau hàng loạt trận nã đạn, khói bay mù mịt, lực lượng chức năng đã tiếp cận được ngôi nhà 2 tầng. Tuy nhiên, 3 người đàn ông trong nhà đã biến mất từ lúc nào.
"Tôi đoán, trước khi công an thành phố xuống, tranh thủ lúc lực lượng huyện tập trung cấp cứu những cán bộ bị thương, những người cố thủ trong ngôi nhà đã bỏ trốn. Trong nhà chúng tôi xác định có hầm nhưng không có lối để bỏ trốn ra ngoài. Đến nay, chúng tôi vẫn đang xác minh xem họ ra thời điểm nào và bằng phương thức gì".
Theo Giám đốc Công an Hải Phòng, trước khi xảy ra vụ việc, Đoàn Văn Vươn đã được mời lên công an xã để nghe thông báo về việc cưỡng chế đầm. Không chấp nhận, ông này bỏ về và đi nơi khác chỉ đạo những người thân chống đối. "Hiện Vươn chưa thừa nhận việc làm của mình mà đổ hết tội cho em trai là Đoàn Văn Quý. Tuy nhiên qua lời khai của vợ cùng một số người đang tạm giữ đã phần nào chứng minh được vai trò của Vươn".
Nguyên nhân bắt nguồn xảy ra sự việc trên, theo tìm hiểu của VnExpress.net, giữa ông Vươn và chính quyền địa phương đã xảy ra mâu thuẫn về thời hạn giao đất từ lâu. Chính quyền đã nhiều lần yêu cầu trả đất nhưng người này không chấp hành. Sự việc đã phải đưa ra tòa để giải quyết... song mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ.
"Không đồng tình với bản án sơ thẩm, Vươn đã viết đơn kháng nghị lên tòa phúc thẩm nhưng sau đó đã tự rút đơn về để thương thuyết. Vươn muốn được giao đất còn huyện thì chỉ đồng ý cho thuê", Giám đốc Công an Hải Phòng nói.
Ông Ca tiết lộ, nhiều khả năng biết trước khu vực rộng 500 ha này sẽ là tâm điểm xây sân bay trong thời gian tới nên Vươn cố gắng giữ lại để mong được đền bù cao. Nếu chỉ đứng ra thuê, nhà chức trách chỉ hỗ trợ phần nào kinh phí xây dựng về mặt kiến trúc trên mảnh đất đó.
Công an Hải Phòng cho biết, ngoài ông chủ đầm Đoàn Văn Vươn bị bắt tại trung tâm thành phố, Đoàn Văn Quý đã ra đầu thú chiều 7/1. Cảnh sát xác định 7 người khác liên quan đến vụ việc, trong đó 2 người còn bỏ trốn. Riêng con trai Vươn do chưa đủ 18 tuổi đã được tại ngoại.
Về số vũ khí mua để chống lại lực lượng cảnh sát và quân đội, cơ quan điều tra cũng xác định Quý từng nhờ người mua với giá 15 triệu đồng.
Theo VNE