Gia Lai: Kẻ khóc, người cười sau những cơn mưa đầu mùa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những cơn mưa đầu mùa sau nhiều tháng khô hạn được đón nhận với sự vui vẻ và gọi là “mưa vàng”. Nhưng đây cũng là nỗi sợ với những người trồng sầu riêng, đặc biệt là khi những trận mưa còn kéo theo cả gió mạnh khiến cây đổ, cành gãy, trái rụng la liệt.
Ông Lục bên những trái sầu riêng non bị rụng. (Ảnh trong bài: Uyên Thu)
Ông Lục bên những trái sầu riêng non bị rụng. (Ảnh trong bài: Uyên Thu)

“Mưa vàng” giải nhiệt, cứu cây trồng

Gia Lai đang vào cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài khiến mạch nước ngầm ở một số nơi thuộc vùng biên giới huyện Đức Cơ tụt giảm mạnh. Thậm chí, ở một số nơi như xã Ia Nan đã xuất hiện tình trạng thiếu nước sạch để sinh hoạt.

Ông Siu Uôi (Phó Chủ tịch UBND xã Ia Nan) cho biết, tại thôn Đức Hưng và làng Sơn, nhiều giếng đào trơ đáy, giếng khoan ít nước, nên nhiều người phải đi xa để tìm nguồn nước ngầm từ suối, hay mua nước theo m3 ở những nơi khác về dùng. Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Đức Hưng, ông Hoàng Văn Ga cho hay, mùa khô năm nay, từ tháng 3/2024, trên địa bàn thôn có 120/218 hộ gia đình thiếu nước sạch sinh hoạt. Khi vào đỉnh điểm nắng nóng, nhiều người đi 3 - 4km để chở nước, hoặc mua nước ngọt với giá 150 nghìn/2m3 chở tới nhà để tắm, giặt. Riêng nước để phục vụ ăn, uống phải mua nước bình với giá 10 nghìn/bình 20 lít.

Trước thực trạng khan hiếm nước sinh hoạt, Cty TNHH MTV 72 (thuộc Binh đoàn 15) đã huy động cán bộ, chiến sĩ mỗi ngày bơm và chở đều đặn 3 xe bồn tổng dung tích 24m3 đến cung cấp cho người dân.

Nước sinh hoạt thiếu, cây trồng “khát” đã khiến người dân ngày đêm mong chờ một cơn mưa để “giải nhiệt”. Sang đầu tháng 5, trong các ngày 3 - 5/5, tại TP Pleiku và nhiều huyện khác trên địa bàn Gia Lai đã xuất hiện những trận mưa lớn, kèm theo dông. Đây được xem là những cơn mưa “quý như vàng” sau nhiều tháng nắng nóng, oi bức.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, người trồng cà phê ở xã Ia Yok (huyện Đức Cơ) cho biết: “Mấy tháng qua vườn cà phê thiếu nước trầm trọng, người dân cầu trời mưa để cứu cây. Thật may, hai trận mưa đầu mùa cứu bao nhiêu vườn cà phê sắp “chết khát””. Sau cơn mưa đầu mùa, những mầm xanh đã trở lại trên nương rẫy.

Người trồng sầu riêng… khóc

Sầu riêng bật gốc sau trận mưa đầu mùa tại xã Ia H’lốp.

Sầu riêng bật gốc sau trận mưa đầu mùa tại xã Ia H’lốp.

Nhưng với người trồng sầu riêng lại khác. Tại xã Ia H’lốp, huyện Chư Sê, trận mưa đầu mùa lớn, kèm theo gió mạnh vào ngày 5/5 đã khiến nhiều diện tích cây sầu riêng bị bật gốc, gãy cành, rụng quả. Ước tính thiệt hại rất lớn, có gia đình bị rụng khoảng 5 tấn giá trị khoảng 500 triệu đồng.

Tại vườn sầu riêng nhà ông Nguyễn Văn Quả (ngụ xã Ia Blang, huyện Chư Sê), nhiều cây gãy đổ, trái rụng la liệt. Gia đình ông đang có 350 cây sầu riêng trồng năm thứ 6, chuẩn bị bước sang năm thu hoạch chính, bất ngờ gặp mưa lớn kèm gió lốc làm 8 cây gãy đổ hoàn toàn, nhiều cây khác trái rụng la liệt.

Gia đình ông Nguyễn Tấn Lục (thôn 4, xã Ia H’lốp) có khoảng 40 cây sầu riêng, trận mưa đầu mùa kèm gió lốc gây rụng khoảng 200kg quả. Ông Lục đánh giá, từ trước đến nay, chưa bao giờ thời tiết phức tạp như năm nay.

Ông Nguyễn Dũng (ngụ cùng thôn) cho biết, gia đình có 2ha sầu riêng với khoảng 400 cây, trong đó 200 cây đang ở giai đoạn cho thu hoạch. “Gia đình đã lường trước sự việc, khi biết sẽ có cơn mưa lớn xuất hiện đầu mùa nên đã gia cố lại cành cây, buộc trái. Tuy nhiên, thiếu nhân lực nên mới gia cố được ít cành đã xảy ra mưa to, gió lốc, không chỉ rụng trái mà nhiều cành sầu riêng bị rạn, gãy”, ông Dũng kể.

Ông Cáp Hoàng Việt, Chủ tịch UBND xã Ia H’lốp cho biết, toàn xã có khoảng 42ha sầu riêng. Sau trận mưa giông gió lốc, qua kiểm tra, UBND xã xác định có gần 3ha sầu riêng bị thiệt hại. Xã đã báo cáo vụ việc lên UBND huyện để có hướng hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Bên cạnh đó, để tránh thiệt hại trong những trận mưa giông tiếp theo, bà con cần neo thân cành, cột chắc trái sầu riêng vào cành cẩn thận hơn.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Gia Lai, từ đầu năm đến ngày 5/5, mưa giông làm tốc mái, ngã đổ cây trồng, cuốn trôi vật nuôi khoảng 4 tỷ đồng. Cụ thể, sập hoàn toàn 5 nhà tạm, 1 nhà kho; tốc mái nhà 28 hộ dân; tốc mái 1 nhà làm việc Trạm Y tế xã Ia Rsai (huyện Krông Pa); đổ ngã 6,8ha lúa, 21ha cà phê, mắc ca, cao su, chanh dây… Lũ cuốn trôi 6 con bò, 2 con trâu; sập hoàn toàn cổng chào xã Nghĩa An (huyện Kbang). Riêng tại huyện Chư Sê, trận mưa ngày 5/5 khiến 9 căn nhà bị tốc mái, 2,75ha sầu riêng bị ảnh hưởng.

Đọc thêm