Giả mạo hồ sơ, vẫn không bị thu hồi giấy phép!

Tại Công ty Cổ phần du lịch thương mại Mỹ Kinh (Hà Nội), có 3 cổ đông sáng lập bị giả mạo chữ ký để làm hồ sơ xin thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh (ĐKKD). Ba cổ đông này khiếu nại đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (Sở KHĐT) thu hồi Giấy Chứng nhận ĐKKD cấp trên cơ sở hồ sơ giả mạo, nhưng cơ quan chủ quản vẫn chậm trễ giải quyết, dung túng cho sai phạm của doanh nghiệp...

Tại Công ty Cổ phần du lịch thương mại Mỹ Kinh (Hà Nội), có 3 cổ đông sáng lập bị giả mạo chữ ký để làm hồ sơ xin thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh (ĐKKD). Ba cổ đông này khiếu nại đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (Sở KHĐT) thu hồi Giấy Chứng nhận ĐKKD cấp trên cơ sở hồ sơ giả mạo, nhưng cơ quan chủ quản vẫn chậm trễ giải quyết, dung túng cho sai phạm của doanh nghiệp. 

Giả mạo hồ sơ, vẫn không bị thu hồi giấy phép! ảnh 1
 
Giả mạo chữ ký cổ đông sáng lập

 Công ty Cổ phần du lịch thương mại Mỹ Kinh (Cty Mỹ Kinh) thành lập năm 2003, được thừa hưởng sự ưu ái đặc biệt như sở hữu nhiều cơ sở kinh doanh có vị trí vàng ở mặt tiền phố cổ như trụ sở 72- 74 Hàng Buồm, cơ sở 129 Lê Duẩn, 73 Thuốc Bắc…

Với hệ thống kinh doanh như vậy, nhưng vốn điều lệ doanh nghiệp tại thời điểm cổ phần hoá chỉ được xác định trên 3 tỷ đồng. Đã thế, từ cuối năm 2007 đến đầu năm 2008, công ty liên tục thông báo tạm ngừng hoạt động, đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh do… không có việc làm!

Cũng từ cuối năm 2007, một số thành viên HĐQT Cty đi vận động cổ đông uỷ quyền để bán cổ phần cho người ngoài Cty. Kết quả là 96,4% cổ phần Cty chuyển vào tay Công ty Contrexim Thăng Long. Tuy vậy, có 3 cổ đông sáng lập kịch liệt phản đối chủ trương này, là các bà Nguyễn Kim Chi, Trần Thị Đức, Trần Thị Minh Hiền.

Sau khi 96,4% phần vốn do Contrexim Thăng Long nắm giữ, Cty Mỹ Kinh đã làm hồ sơ xin đăng ký thay đổi ĐKKD, trong đó giả mạo chữ ký của ba cổ đông sáng lập là bà Chi, bà Đức và bà Hiền và được cấp ĐKKD thay đổi lần 1 ngày 16/1/2008. Phát hiện việc giả mạo hồ sơ, bà Chi, bà Đức và bà Hiền đã làm đơn khiếu nại lên Sở KHĐT đề nghị hủy ĐKKD ngày 16/1/2008 để doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ xin cấp lại.

Ngày 24/10/2008, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) có Kết luận giám định chữ ký của bà Chi, bà Đức và bà Hiền theo hồ sơ yêu cầu của Sở KHĐT Hà Nội, khẳng định chữ ký của các bà Chi, bà Đức và bà Hiền trong Danh sách cổ đông công ty cổ phần là giả mạo.

Ba năm, giải quyết vẫn chưa thỏa đáng

Trên cơ sở kết luận giám định của Bộ Công an, ngày 30/12/2009, Sở KHĐT Hà Nội thu hồi ĐKKD thay đổi lần 1 ngày 16/1/2008 và tiến hành cấp ĐKKD cấp lại lần 1 cho Cty Mỹ Kinh. Tuy nhiên, điều đáng nói là ĐKKD cấp lại lần 1 này đã có những sai lầm nghiêm trọng cả về nội dung lẫn hình thức.

Trước đó, trả lời khiếu nại của ba cổ đông, Sở KHĐT Hà Nội đã chỉ rõ: buộc Cty Mỹ Kinh phải hoàn chỉnh hồ sơ ĐKKD thay đổi lần 1 theo đúng quy định pháp luật (khắc phục sự cố giả mạo- PV); nếu không thực hiện thì sẽ huỷ giấy ĐKKD thay đổi lần 1.

Nhưng đến nay, Cty Mỹ Kinh chưa làm lại giấy tờ giả mạo, chưa hoàn chính hồ sơ thay đổi ĐKKD, và Phòng ĐKKD - Sở KHĐT Hà Nội vẫn chưa huỷ ĐKKD thay đổi lần 1 mà xét cấp ĐKKD cấp lại ngày 30/12/2009 là trái với quy định pháp luật, dung túng cho sai phạm của Cty Mỹ Kinh. Đây chính là lý do khiến bà Chi, bà Hiền và bà Đức tiếp tục khiếu nại ĐKKD cấp lại ngày 30/12/2009.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Cường và Luật sư Đặng Văn Luân về vụ việc này:

     * Thưa LS Trần Minh Cường, xin ông cho biết quan điểm về nội dung khiếu nại của ba cổ đông sáng lập liên quan đến giấy chứng nhận ĐKKD cấp lại ngày 30/12/2009?

- Về nguyên tắc, thì ĐKKD thay đổi lần 1 đã bị hủy do giả mạo hồ sơ thì sẽ phải được cấp mới bằng ĐKKD khác chứ không thể cấp lại. Vậy nên, xét về hình thức thì ĐKKD cấp lại ngày 30/12/2009 cho Cty Mỹ Kinh là không hợp pháp. Xét về nội dung, mục đích chính của việc Cty Mỹ Kinh xin cấp lại ĐKKD là xin thay đổi người sáng lập, người đại diện theo pháp luật, tỉ lệ vốn điều lệ ... nhưng ĐKKD cấp lại không thể hiện được những nội dung này.

Thực tế, những cổ đông thể hiện trong giấy ĐKKD cấp lại vẫn là những cổ đông cũ, phần lớn họ đã chuyển nhượng vốn và không còn là thành viên Cty Mỹ Kinh nữa; cũng không có căn cứ để xác định tư cách pháp lý của người đại diện theo pháp luật của Cty Mỹ Kinh.

Đặc biệt, ĐKKD này còn có sai sót khi tự ý “loại” 3 cổ đông sáng lập Nguyễn Kim Chi, Trần Thị Đức, Trần Thị Minh Hiền ra khỏi danh sách cổ đông trong khi bản thân những người này chưa hề chuyển nhượng cổ phần cho ai. Theo tôi, việc cấp lại giấy ĐKKD ngày 30/12/2009 với nội dung như trên không có ý nghĩa về mặt thực tế mà chỉ để hợp thức hoá những vấn đề không rõ ràng minh bạch trong nội bộ Ban lãnh đạo Cty Mỹ Kinh.

     * Sẽ phải xem xét trách nhiệm của sự việc này thế nào, thưa ông?

- Trách nhiệm chính thuộc về Ban lãnh đạo Cty Mỹ Kinh đã không hoàn tất hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, có trách nhiệm của Sở KHĐT thiếu chặt chẽ, sát sao trong quản lý, dung túng cho sai phạm. Trong sự việc này, còn có trách nhiệm của Phòng ĐKKD - Sở KHĐT TP Hà Nội đã không thực hiện đúng quy trình là phải xử lý xong giấy chứng nhận ĐKKD cũ rồi mới xét cấp giấy chứng nhận ĐKKD mới cho doanh nghiệp, chứ không phải cấp lại.

     * Xin được hỏi Luật sư Đặng Văn Luân, theo ông sẽ phải xử lý sự việc trên thế nào mới đúng pháp luật  và đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông?

- Mấu chốt vấn đề là ở chỗ Cty Mỹ Kinh chưa có bất kỳ động thái nào khắc phục “sự cố” giả mạo chữ ký của 3 cổ đông sáng lập trong hồ sơ ĐKKD. Hơn nữa, thực tế giấy chứng nhận ĐKKD cấp lại ngày 30/12/2009 cũng có nhiều sai sót không thể khắc phục được.

 Bởi vậy, tôi cho rằng để giải quyết dứt điểm sự việc, Sở KHĐT Hà Nội cần phải thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD ngày 30/12/2009, để yêu cầu Cty Mỹ Kinh hoàn tất hồ sơ yêu cầu ĐKKD lại theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

     * Xin cảm ơn các Luật sư!

Trần Nguyên

Đọc thêm