Gia tăng bức xúc dư luận vì chính sách… 'trên trời'

(PLO) - Theo ông Vi Quang Đạo - Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ, chính sách tốt, giải quyết đúng những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra sẽ nhận được sự ủng hộ của xã hội, tạo ra sự đồng thuận cao trong việc thực thi, triển khai nên sẽ đem lại hiệu quả lớn. Ngược lại, những chính sách “trên trời” không những không đạt được mục tiêu mong muốn, mà nhiều khi còn làm gia tăng bức xúc trong dư luận xã hội.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính sách tốt mới nhanh chóng đi vào cuộc sống

Theo ông Vi Quang Đạo, để có được những chính sách sát với thực tiễn cuộc sống, được cuộc sống đón nhận, thể hiện được sự đồng thuận giữa cơ quan ban hành chính sách với đối tượng thụ hưởng chính sách, ngoài những yếu tố không thể thiếu như năng lực, trình độ, nhận thức… của những người trực tiếp soạn thảo chính sách thì việc truyền thông về chính sách đang ngày càng có vai trò quan trọng. Theo ông Đông, thực tiễn đã chứng minh rằng truyền thông tham gia chặt chẽ vào mọi khâu liên quan đến chính sách, từ hoạch định, soạn thảo, hoàn thiện đến thực thi và điều chỉnh chính sách.

Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cũng cho rằng, việc truyền thông về chính sách trong quá trình thực thi còn giúp phát hiện những khiếm khuyết, bất cập nảy sinh cũng như những phản hồi của xã hội đối với hiệu quả của chính sách, làm cơ sở cho cơ quan ban hành tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện chính sách, từ đó góp phần gia tăng sự tương tác hai chiều, thúc đẩy mối quan hệ gần gũi, thấu cảm giữa chủ thể ban hành chính sách và các đối tượng thụ hưởng, đem lại sự đồng thuận xã hội.  

Hiện thực hóa quan điểm nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cởi mở với báo chí; mọi hoạt động của Chính phủ, của các cơ quan nhà nước đều phải công khai, minh bạch, công bố cho người dân được biết, ông Lê Việt Đông - Phó Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) Chính phủ, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử Chính phủ - cho hay, từ đầu năm đến hết tháng 10/2017, Cổng TTĐT Chính phủ đã đăng tải 410 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, lượng ý kiến góp ý của nhân dân còn hết sức khiêm tốn, với chỉ 240 góp ý. 

Truyền thông - cầu nối quan trọng

Theo PGS.TS Trương Ngọc Nam - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội có mối quan hệ mật thiết. Trong đó, truyền thông xây dựng đồng thuận xã hội về chính sách và đến lượt mình, đồng thuận xã hội thúc đẩy quá trình thực thi chính sách. Truyền thông hình thành văn hoá đối thoại; bảo đảm quyền được biết của công chúng đồng thời xây dựng môi trường công khai, minh bạch cho việc thảo luận, xây dựng và thực thi chính sách.

PGS. TS. Nam cũng chỉ ra rằng, thời gian vừa qua báo chí nói riêng và truyền thông nói chung đã có vai trò to lớn trong việc phản ánh những tiếng nói của người dân về phản biện chính sách. Các bài viết này cũng đã góp phần tạo sức ép và khích lệ để các cơ quan chức năng sửa đổi, ban hành những quy định theo hướng đổi mới và phù hợp hơn với yêu cầu phát triển của cuộc sống hiện nay.

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội”, nhiều ý kiến cho rằng, truyền thông tham gia càng đầy đủ vào các khâu của quy trình chính sách thì hiệu quả và tác động tích cực của chính sách trong thực tiễn càng nâng lên. Theo TS. Uhm Seung-yong - Giám đốc Viện Nguồn lực văn hóa Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc, niềm tin của người dân là yếu tố quan trọng trong việc ổn định Chính phủ và tạo ra sự ủng hộ đối với chính sách công. Niềm tin đó chính là kết quả của truyền thông chính sách trong dài hạn. 

Còn TS. Vũ Thanh Vân - Trưởng Phòng hợp tác quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, để thúc đẩy sự ủng hộ, tuân thủ chính sách từ phía đối tượng, cần cùng lúc nâng cao năng lực nhận thức của họ về chính sách cũng như niềm tin về nhận thức đó. Trong bối cảnh như vậy, năng lực truyền thông cần được coi là phương tiện chủ yếu giúp công dân tham gia vào xã hội, giúp cho Nhà nước điều chỉnh hành vi và mục đích của công dân.

Vẫn theo TS. Vân, quá trình truyền thông chính sách không phải và không thể là quá trình áp đặt mong muốn của chủ thể chính sách hay chủ thể truyền thông chính sách đối với công chúng. Truyền thông chính sách cần là quá trình đối thoại chính sách, kích thích sự tham gia tích cực, chủ động của công chúng. Sự tham gia của công chúng không chỉ dựa trên nền tảng lợi ích mà cả hiểu biết và trách nhiệm xã hội. Năng lực truyền thông và trách nhiệm truyền thông khi đó trở thành hai mặt của một vấn đề với mối quan hệ biện chứng thúc đẩy lẫn nhau.

Trong thời đại truyền thông xã hội đang ngày càng trở nên phổ biến như hiện nay, công chúng ngày càng tiếp nhận thông tin nhiều hơn từ các phương tiện truyền thông xã hội. Song, theo TS. Vân, truyền thông xã hội có ưu thế về không gian thông tin cởi mở đa chiều, có thể làm cho công chúng biết về chính sách nhiều hơn nhưng các phương tiện chính thống mới là những phương tiện có thể thành công hơn trong việc giúp công chúng hiểu và ủng hộ chính sách.

Đọc thêm