Nhiều bất hợp lý trong công tác đấu thầu thuốc
Phản ánh những tồn tại trong công tác đấu thầu, cung ứng, sử dụng và thanh toán thuốc tại Hội nghị giao ban thực hiện chính sách BHYT năm 2018, Ban Dược và Vật tư y tế (VTYT) cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý thể hiện ngay trong công tác tổ chức đấu thầu thuốc tại các địa phương.
Ví dụ như một số cơ sở y tế có hội đồng xây dựng gói thầu có tổng giá trị quá lớn so với nhu cầu và nguồn kinh phí dành cho thuốc của cơ sở y tế, thậm chí tăng 3-4 lần giá trị sử dụng năm trước. Điển hình như tỉnh Bến Tre có tổng chi phí thuốc đề nghị thanh toán năm 2017 là 367 tỉ đồng, kết quả lựa chọn nhà thầu năm 2017 là 1.272 tỉ đồng. Năm 2018, Bến Tre mua sắm bổ sung sử dụng từ tháng 4 đến tháng 8/2018 với tổng giá trị trúng thầu 345 tỉ đồng.
Một số địa phương thì bổ sung, thay thế thuốc đối với một số hoạt chất, nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật, dạng bào chế trong kế hoạch sử dụng không thật sự cần thiết, dẫn đến lãng phí. Cụ thể, trong năm 2017, tỉnh Nam Định đã chuyển sử dụng hai loại thuốc cùng nhóm là Cefoperazon 1g sang Cefoxitin 1g, nhưng mức giá chênh lệch nhau rất nhiều (38.000 đồng/lọ và 147.000 đồng/lọ), khiến số chi cho hai nhóm thuốc này tăng lên hơn 3 tỉ đồng. Hay Đồng Nai chuyển sang sử dụng Amoxicilin + Acid Clavulanic dạng bào chế viên nén phân tán (hàm lượng 500mg+62,5mg) với giá 10.000 đồng/viên, thay cho dạng bào chế gói uống có giá 2.200 đồng/gói...
Bên cạnh đó, năm 2017, Ban Dược và VTYT rà soát phát hiện 39 thuốc giá cao, với chi phí khoảng 390 tỉ đồng (chiếm tỉ lệ 1,1%). Một số tỉnh có tỉ lệ thuốc hàm lượng ít cạnh tranh giá cao như: Bình Phước 5,4%, Đắk Nông 4,4%, Tây Ninh 4,3%, Sơn La và Tuyên Quang cùng 3,6%...
Đặc biệt, theo thống kê, năm 2017, chi sử dụng thuốc biệt dược gốc là 8.486 nghìn tỉ đồng (chiếm 23,7% tổng chi thuốc KCB, giảm khoảng 1,6% so năm 2016). Tuy nhiên, một số BV có tỉ lệ sử dụng biệt dược gốc còn cao so tỉ lệ sử dụng tại các BV cùng tuyến, cùng hạng hoặc tại BVĐK tỉnh cùng hạng, cùng khu vực.
Dịch vụ kỹ thuật bị “thổi giá”
Bên cạnh những bất hợp lý trong công tác đấu thầu thuốc thì vấn đề dịch vụ kỹ thuật bị đẩy giá lên cao với mức độ phức tạp hơn cũng đang là vấn đề đáng lo ngại. Ông Nguyễn Tất Thao - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết, trong danh mục dịch vụ kỹ thuật (DVKT) được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có một số DVKT không thuộc chuyên khoa có tên trong phạm vi hoạt động KCB của cơ sở y tế; hoặc DVKT mà cơ sở y tế chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở có xu hướng chỉ định rộng rãi xét nghiệm cận lâm sàng không cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh, đặc biệt là các chỉ số hóa sinh máu, siêu âm màu tim mạch, chụp CT-Scanner, Chụp MRI…
Kết quả kiểm tra tại Phú Thọ, Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau… cũng phát hiện một số cơ sở y tế có thống kê thanh toán DVKT đã được thanh toán; thực hiện một loại phẫu thuật nhưng thanh toán loại phẫu thuật khác với mức độ phức tạp hơn, có mức giá cao hơn (phẫu thuật cắt ruột thừa đơn thuần thành phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa); thống kê thanh toán không đúng thực tế chỉ định, thực hiện trong hồ sơ bệnh án…
Một số cơ sở KCB sử dụng hóa chất, VTYT không đúng, không đủ định mức trong các DVKT theo quy định của Bộ Y tế (găng tay khám, kim châm cứu, Parafin…); thống kê thanh toán các VTYT đã kết cấu trong cơ cấu giá của DVKT; thống kê thanh toán những DVKT người bệnh không được thực hiện…
Tại nhiều cơ sở KCB, người thực hiện DVKT chưa đủ điều kiện theo quy định như: Chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề; thực hiện các DVKT chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho cơ sở KCB…
Trong đề nghị thanh toán chi phí KCB cho bệnh nhân điều trị nội trú, vẫn xuất hiện tình trạng cơ sở y tế lập hồ sơ bệnh án cấp cứu khi tình trạng bệnh lý của người bệnh chưa phải là cấp cứu (Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Đà Nẵng…). Cơ sở KCB chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú rộng rãi đối với nhiều trường hợp bệnh nhẹ, không cần thiết phải nằm viện, như: Điều trị tủy răng, viêm họng cấp, tái khám sau các can thiệp hoặc phẫu thuật tim mạch…; người bệnh có hồ sơ điều trị nội trú nhưng không nằm điều trị tại BV…
Đặc biệt, có cơ sở y tế còn chỉ định kéo dài ngày điều trị không hợp lý cho các trường hợp đẻ thường, phẫu thuật Phaco, điều trị hóa chất, điều trị phục hồi chức năng… (Đà Nẵng, Hòa Bình, Lào Cai…).
Theo đó, để giải quyết những tồn tại nêu trên, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh lưu ý thực hiện một số nội dung cụ thể như: Rà soát lại hợp đồng, phụ lục hợp đồng (nếu có); thực hiện theo đúng Quy trình giám định BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 1456/QĐ-BHXH ngày 1/12/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; kiểm tra, rà soát chặt chẽ việc đấu thầu, sử dụng và thanh toán chi phí thuốc, VTYT tại các cơ sở KCB; kiểm soát việc thanh toán tiền khám, tiền ngày giường và DVKT theo định mức tính giá…