Giá trị của món quà

(PLO) -Cũng là một cây bút nhưng nếu nó được bọc bằng vỏ gỗ hoặc tre và trên đó khắc những ý tưởng lãng mạn hay thực tế bằng những nét khắc li ti, nhỏ xíu, chiếc bút sẽ có giá trị hơn rất nhiều. Đó là giá trị của sự lao động, mê say và đầy sáng tạo.
Sản phẩm “Bút gỗ Việt” đã xuất khẩu nước ngoài.
Sản phẩm “Bút gỗ Việt” đã xuất khẩu nước ngoài.

“Duyên nợ” trong tình yêu

Bút gỗ Việt là sản phẩm khởi nghiệp của chàng trai trẻ Trần Quốc Nhẫn. Bắt đầu từ sự thất bại của một dự án mà anh và những người bạn cứ “họp tới họp lui” chẳng đi đến đâu, ý tưởng của Bút gỗ Việt đã hình thành ngay sau đó.

 “Cha đẻ” của Bút gỗ Việt có lần từng chia sẻ: Để có thương hiệu Bút gỗ Việt như hôm nay, anh phải mất 3 năm nhàm chán với công việc của một nhân viên văn phòng đúng nghĩa. Vòng tuần hoàn 8 tiếng/ngày dường như quá mệt mỏi cho một người trẻ suốt ngày chỉ biết theo đuổi ý tưởng của người khác mà không phải là của riêng mình.

Vì vậy mà anh Nhẫn cứ liên tục “nhảy việc”. Ngoài áp lực từ gia đình anh Nhẫn cũng bị người yêu nói lời chia tay với lý do không còn tin tưởng, không còn niềm tin vào một chàng trai không có tương lai và cũng chẳng có thu nhập ổn định. 

Cho đến một ngày, anh lấy lại “lửa” đam mê từ món quà là cây bút gỗ có khắc tên mình Trần Quốc Nhẫn. Món quà này đã tạo sức hút rất kỳ lạ đến ý tưởng kinh doanh cho riêng mình.

Từ đó, ngoài thời gian công sở, anh dành tất cả thời gian cho dòng sản phẩm này. Chỉ trong thời gian rất ngắn, sau khi sản phẩm đầu tay ra đời và được chia sẻ lên trang mạng cá nhân, sản phẩm đã có những đơn đặt hàng đầu tiên.

Nhìn lại mình, anh Nhẫn luôn tự ngẫm rằng: “Hãy cứ vừa đi, vừa vấp ngã rồi lại đứng dậy mà đi tiếp. Có như thế con đường khởi nghiệp mới dần ngắn lại” và “Nếu bạn muốn có những gì mình chưa từng có. Hãy làm những gì mình chưa từng làm”.

Cũng là một câu chuyện hữu duyên số phận đặc biệt, Bút gỗ Việt gắn với chuyện tình yêu tan vỡ của chàng trai Đinh Văn Nghiệp, hiện là Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Lucky Gift (tên gọi Công ty Bút gỗ Việt).

Cách đây 4 năm, Nghiệp tốt nghiệp đại học một trường danh tiếng tại TP.HCM và chọn Đà Nẵng khởi nghiệp. Tuy nhiên, sau một thời gian hợp tác làm việc với đối tác trên lĩnh vực kinh doanh, do không tìm được tiếng nói chung nên xin rút ra khỏi Công ty. Từ đó, anh phải gánh khoản nợ khá lớn, không có khả năng chi trả. Chán nản, chia tay người yêu, có những lúc nghĩ quẩn, Nghiệp tiêu cực nghĩ đến cái chết. Nhưng rồi anh cũng tự ý thức lại mình và tự thân vực dậy, vững tin bước tiếp.

Rời Đà Nẵng vào Sài Gòn, hành trang anh mang theo là trái tim nhiệt huyết và bản lĩnh của tuổi trẻ. Khi vào Nam, Nghiệp phải trải qua nhiều công việc khác nhau trước khi quyết định theo đuổi con đường với ý tưởng sẽ tạo ra một “cái gì đó” tiện ích, đơn giản và ý nghĩa cho người Việt.

Thế rồi, Nghiệp đã có cơ duyên hội ngộ cùng Trần Quốc Nhẫn trên một con tàu mang tên Bút gỗ Việt. Và họ, những người trẻ đã đưa sản phẩm Bút gỗ Việt trụ vững trên thị trường sau hành trình đầy gian nan. 

Thổi “hồn” Việt vào sản phẩm

Nhìn hình thức bên ngoài, Bút gỗ Việt trông khá nhẹ nhàng, đơn giản nhưng để thành phẩm phải trải qua 3 công đoạn trong giai đoạn sản xuất.

Đầu tiên là phải đúc khuôn, tiếp đến là tìm kim loại và cuối cùng là công nghệ lazer, khắc tên theo yêu cầu khách hàng. Thông thường để ra thành phẩm phải mất thời gian khoảng 2 tuần. Chi tiết và tỉ mỉ thế nhưng giá cả thị trường cũng chỉ dao động từ 150.000-350.000 đồng/chiếc. Cũng có những chiếc bút có giá cao nhất mà Bút gỗ Việt từng sản xuất cho khách hàng lên tới 8.000.000 đồng/chiếc.

Chất liệu quan trọng nhất và khác biệt nhất đúng như tên gọi của Bút gỗ Việt là tre và gỗ, hai chất liệu rất gần gũi và phổ biến với người Việt. Đây cũng là những chất liệu có nguồn gốc từ tự nhiên, thân thiện với môi trường và người sử dụng.

“Bút chì Việt - Ấn tượng từ sự khác biệt”
 “Bút chì Việt - Ấn tượng từ sự khác biệt”

Từ những đoạn tre, gỗ thô qua bàn tay nghệ nhân được mài dũa, đánh bóng và sắc sảo đã  tạo ra sản phẩm hữu dụng và ý nghĩa với người sử dụng. Cầm chiếc bút trên tay, hầu hết người sử dụng đều có cảm giác thật dễ chịu. Có cái gì rất mộc nhưng rất tinh. 

Sự đa dạng sản phẩm quà tặng cho khách hàng của Lucky Gift cũng là điểm khác biệt, khiến nhiều khách hàng thông thái ưu ái lựa chọn. Ngoài bút, từ gỗ và tre Lucky Gift còn sáng tạo ra những sản phẩm tùy vào sở thích và công năng của người sử dụng. Chẳng hạn như chiếc loa nghe nhạc thông minh được làm bằng tre, có thể nâng công suất âm thanh lên từ 2-3 lần so với âm thanh tối đa của điện thoại; những chiếc móc khóa xinh xắn, nhẹ tênh hay hộp đựng danh thiếp nhỏ nhắn vừa vặn bỏ túi…

Các sản phẩm của Lucky Gift được tạo ra đều tối ưu hóa đối tượng và mục đích sử dụng, theo từng nhu cầu của từng cá nhân (quà tặng cho cha-mẹ, quà tặng cho vợ-chồng, quà tặng cho bạn gái-bạn trai, quà tặng cho sếp nam-sếp nữ, quà tặng cho đồng nghiệp nữ - đồng nghiệp nam), theo chủ đề (quà tặng cưới hỏi, quà tặng doanh nhân, quà tặng khai trương, quà tặng hội nghị, quà tặng khách hàng) và theo ngày lễ (quà tặng Tết, quà tặng 20/11, quà tặng 8/3, quà tặng 20/10, quà tặng sinh nhật, quà tặng 14/2 và quà tặng giáng sinh..).

Đưa thương hiệu Việt ra thế giới

Ngoài một xưởng sản xuất chính rộng hơn 1000m2 và trụ sở chính làm việc tại TP.HCM, Bút gỗ Việt hiện còn mở thêm các chi nhánh ở Đà Nẵng, Hội An để sản phẩm của mình được nhiều người biết tới, giải quyết công ăn việc làm cho lao động phổ thông ở địa phương.

Thu nhập của nghệ nhân và nhân viên cũng khá ổn định, dao động từ 4 đến 10 triệu đồng/người/tháng (tùy theo năng lực). Chính nhờ chú trọng nâng cao văn hóa thương hiệu đáng quý là đặt chữ tín lên hàng đầu mà ngay từ những ngày đầu thành lập, sản phẩm Bút gỗ Việt đã có mặt rộng khắp cả nước, đặc biệt tại những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Sài Gòn (Bưu điện Thành phố, Chợ Bến Thành), Đà Nẵng (Bà Nà Hills) và phố cổ Hội An.

“Tiếng lành đồn xa”, giấc mơ đã thành hiện thực, sự chắc bền, độc đáo, tiện ích và ý nghĩa của Bút gỗ Việt đã vươn mình sang thị trường Châu Á, Châu Úc và sắp tới là Châu Mỹ, Châu Âu. 

Sản phẩm của “Bút chì Việt” đã được nhiều thương hiệu lớn như Samsung, Ajinomoto, Aeon Mall,…
Sản phẩm của “Bút chì Việt” đã được nhiều thương hiệu lớn như Samsung, Ajinomoto, Aeon Mall,…

Năm 2015, 1.000 chiếc bút gỗ Việt đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đầu năm 2016, 5000 bút gỗ tiếp tục “bay” sang Úc. Giữa năm 2016, Bút gỗ Việt đã xúc tiến tiếp cận thị trường Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Thái Lan). Đặc biệt, sau chuyến hàng đầu tiên sang Nhật, hiện Bút gỗ Việt đã tiếp nhận đơn hàng “khủng” (10.000 chiếc) từ thị trường đầy tiềm năng này. Trong tương lai, Bút gỗ Việt sẽ tiếp tục vươn tận trời Tây (Châu Âu) và Châu Mỹ.

Bút gỗ Việt hiện đã có được những bước khởi sắc và đang trên đường thành công. Tuy nhiên, để chắp cánh cho ước mơ vươn xa ấy cần lắm có sự quan tâm và liên kết, hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại, giảm bớt các công đoạn thủ công, mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.

Mặc dù đã khẳng định và tìm được chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế nhưng những con người đầy tâm huyết của Bút gỗ Việt luôn ghi nhớ bài học: “Trên toàn vũ trụ, cái gì ta biết chỉ là hạt cát trên sa mạc mênh mông, cái ta chưa biết bằng cả đại dương muôn trùng”. Và nhất định với đôi bàn tay khéo léo, tình yêu sâu nặng với công việc, những khối óc chưa bao giờ ngừng sáng tạo của Bút gỗ Việt, con tàu mang tên của những người Việt trẻ tuổi sẽ thành công và vững vàng ra biển lớn.

Đọc thêm