Giá xăng dầu tăng nhanh, ĐBQH đề nghị Chính phủ xem xét can thiệp bình ổn giá

(PLVN) - Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp bình ổn giá xăng dầu vì hiện nay xăng dầu tăng nhanh, chúng ta còn dư địa, công cụ như các loại thuế, phí cần phải được sử dụng khi giá xăng dầu tăng lên.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sáng nay (30/10), theo chương trình Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành họp thảo luận trực tuyến phiên toàn thể về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Nhiều ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới vì đã có đầy đủ cơ sở; tạo động lực tăng trưởng, áp dụng mô hình kinh tế phù hợp, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết để tái cơ cấu kinh tế hiệu quả, bền vững.

Lưu ý nền kinh tế của Việt Nam rất mở, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP HCM) kiến nghị Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn trước những tác động từ kinh tế thế giới, nhất là việc các nước đang tung ra các gói kích thích nền kinh tế làm tăng tổng cầu có thể khiến chi phí giá cả tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu có thể tác động đến lạm phát trong thời gian tới, đặc biệt là các chi phí, dự toán đầu tư có thể thay đổi.

“Đề nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp bình ổn giá xăng dầu vì hiện nay xăng dầu tăng nhanh, chúng ta còn dư địa, công cụ như các loại thuế, phí cần phải được sử dụng khi giá xăng dầu tăng lên. Giải ngân đầu tư công vẫn là điểm nghẽn, điểm yếu cần rà soát chỉ ra các nguyên nhân. Phân bổ vốn đầu tư cần thực hiện theo đúng mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế. Ưu tiên phân bổ vốn cho hạ tầng, liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng kinh tế số, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, ông Trần Hoàng Ngân kiến nghị.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.

Liên quan đến quá trình phục hình kinh tế, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng chúng ta cần bổ sung ngay một gói hỗ trợ mới có quy mô lớn hơn, phạm vi bao phủ rộng hơn nhằm vào cả 2 mục tiêu: Giải cứu hỗ trợ các doanh nghiệp, cũng như kích thích các động lực tăng trưởng mới, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Quốc hội và Chính phủ cần đề ngay ra một kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế cho 5 năm và tầm nhìn 10 năm, đặc biệt là chương trình phục hồi nên kinh tế trong 2 năm tới. Trên cơ sở đó đưa ra những định hướng, chủ trương, chính sách cho giai đoạn phục hồi này”, ông Lộc nêu quan điểm.

Bên cạnh các gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ, an sinh xã hội, theo ông Lộc cũng cần cải cách thể chế, thủ tục hành chính và đây là điều rất quan trọng.

“Quốc hội đang bàn về cơ chế đặc thù cho các địa phương, bây giờ là lúc chúng ta cũng nên cân nhắc việc bàn cơ chế đặc thù cho giai đoạn phục hồi nền kinh tế trong 2 năm tới với các thủ tục hành chính đơn giản nhất”, ông Lộc đề xuất.

Ông Lộc nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay bất kỳ thêm chủ trương nào tạo thêm chi phí thủ tục cho doanh nghiệp thì nên dừng lại.

Đọc thêm