Giấc mộng trời Âu với cầu thủ Việt Nam

(PLVN) - Từ Công Phượng cho tới Văn Hậu đã giã từ môi trường bóng đá đắng cấp nhất thế giới vì không thể thích ứng. Qua họ, có thể thấy chất lượng của bóng đá Việt Nam đang ở đâu trên thế giới...
Văn Hậu sẽ sớm trở về Việt Nam.

Khi Văn Hậu gia nhập CLB Heerenveen, người hâm mộ trong nước mơ một lần xem Văn Hậu ra sân tại Giải vô địch quốc giá Hà Lan. Đài truyền hình Việt Nam lần đầu tiên truyền trực tiếp giải Hà Lan để phục vụ công chúng.

Nhưng rồi, sợ chờ đợi được xem Văn Hậu chơi bóng rơi vào thất vọng. Anh chỉ được chơi 4 phút trong 10 tháng ở CLB.

Văn Hậu có trong danh sách dự bị, Công Phượng còn không nằm trong danh sách thi đấu nữa. Coi như là người bên lề của CLB.

Kể cả khi Văn Hậu hay Công Phượng được chơi ở đội trẻ của CLB, họ cũng không thể hiện được nhiều và cơ hội để tỏa sáng cứ vậy trôi qua.

Nên chuyến đi Châu Âu ngắn ngày vừa rồi có thể coi là bài học kinh nghiệm cho bóng đá Việt Nam từ cầu thủ, CLB cho tới nhà quản lý, môi giới... Để chúng ta biết rằng, một CLB châu Âu ký hợp đồng với cầu thủ Việt Nam là tạo cơ hội cho cầu thủ của chúng ta hay chỉ vì mục đích thương mại?.

Nhiều người cho rằng hợp đồng của Văn Hậu, Công Phương là bản “hợp đồng thương mại”, để CLB đánh bóng tên tuổi ở châu Á, nhưng tự bản thân chúng ta nhìn nhận rằng Công Phượng và Văn Hậu đã đáp ứng được lối chơi của của các đội bóng châu Âu hay chưa?

Chắc chắn là cầu thủ chúng ta chưa đáp ứng được sự khắc nghiệt, cạnh tranh ở các giải vô địch châu Âu và chuyến đi mới dừng ở “học hỏi kinh nghiệm”.

Nhìn cầu thủ Hàn Quốc, Nhật Bản tung hoành giải Anh, Tây Ban Nha, Italy…, thì cầu thủ của ta vẫn đang là “kẻ đi săn giấc mơ” (ý của Văn Hậu), chứ chưa phải người nhập cuộc.

Chuyến đi của những người trẻ này như sự khai mở tươi đẹp cho bóng đá Việt Nam trong cuộc chinh phục ở những sân chơi đẳng cấp. Một sự mở đầu không thành công về chuyên môn nhưng mở ra nhiều điều bổ ích.

 Văn Hậu đã có khoảnh khắc đẹp cùng đồng đội tại Heerenveen

Văn Hậu rất yêu thích từ: “Dream Chaser” (Kẻ đi săn giấc mơ). Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn, anh từng nói rằng: “Tôi mới đá bốn phút cho đội một Heerenveen. Nó ngắn thật đấy, nhưng với tôi vẫn là một trải nghiệm. Bạn không biết để có bốn phút đó, tôi đã trải qua những gì đâu".

Anh tâm sự thêm: "Hồi ở Việt Nam, mọi người thường khen tôi có thể hình cao lớn, sải chân dài và tốc độ tốt. Tôi còn là tuyển thủ quốc gia, chinh chiến từ AFF Cup cho đến Asiad, Asian Cup... Nhưng sang đây chỉ là con số 0.

Tôi vẫn nhớ buổi tập đầu tiên cùng Heerenveen. Tôi đã sốc khi dễ dàng bị các đồng đội qua mặt. Nhưng không nghĩ ngợi nhiều, tôi bắt tay ngay vào tập luyện để thay đổi. Sau này, thay vì chờ đối thủ có bóng xử lý rồi bám theo, tôi tập tư duy nhanh hơn, phán đoán tốt hơn để có thể chạy trước.

Nếu cứ sống trong "vùng an toàn", tôi làm sao có thể có những trải nghiệm mới. Sau này ngẫm lại, tôi thấy từ bé mình đã dám mơ lớn rồi. Cách đây bốn năm, tôi đọc một cuốn sách về Memphis Depay và ấn tượng mãi với hình xăm trên ngực anh ấy: "Dream Chaser" (Kẻ săn đuổi ước mơ). Từ một cậu bé nghèo khó, bị bố bỏ rơi, Memphis Depay vươn lên thành một ngôi sao bóng đá đương đại Hà Lan.

 

Tôi mê mẩn từ "Dream Chaser" như tìm được triết lý sống của mình vậy. Tôi viết không biết bao nhiêu lần từ đó ra giấy, dán khắp phòng. Sau này, tôi nghĩ với cầu thủ, thứ quan trọng nhất là đôi giày. Nó như vũ khí của người lính ra trận vậy.

Vì vậy tôi quyết định thêu cụm từ đó lên giày. Đó là thứ tôi mang theo khắp nơi chứ không phải tấm HC bạc U23 châu Á, kỷ niệm chương vô địch AFF Cup hay tấm HC vàng SEA Games. Tôi muốn tự nhắc mình không bao giờ được dừng lại”.