Gần đây, rất nhiều vụ bắt cóc con tin bất ngờ xảy ra tại những điểm đông người. Để giải cứu con tin, trong đội ngũ cảnh sát xuất hiện càng ngày càng nhiều những nhân vật đặc biệt: chuyên gia đàm phán.
|
Giải cứu một vụ bắt cóc con tin. Ảnh minh họa |
Đằng sau mỗi vụ bắt cóc
30 phút sau khi con tin lâm vào tình trạng nguy hiểm, chuyên gia đàm phán đã tiếp cận ngay để tìm hiểu thông tin, tuy nhiên đó là khoảng thời gian cực kỳ nguy hiểm do lúc này, tâm lý kẻ bắt cóc thay đổi từng phút.
Tiến sĩ tâm lí học thuộc Sở cảnh sát New York Schlossberg chia sẻ kinh nghiệm: “30 phút đầu tiên chúng không giết người thì có thể sau đó chúng sẽ không giết ai; nhưng nếu chúng đã ra tay thì những người còn lại chỉ còn dựa vào sức mạnh vũ lực để giải quyết”. Các chuyên gia đàm phán cho hay, chìa khóa để giải quyết vấn đề là nắm bắt tâm lý thay đổi của kẻ bắt cóc qua từng phút một và đằng sau mỗi vụ bắt cóc con tin đều có một câu chuyện ẩn chứa.
Do yêu cầu của công việc, các chuyên gia đàm phán phải có chỉ số IQ cao, phản ứng mau lẹ, kiến thức toàn diện. Một số quốc gia yêu cầu chuyên gia đàm phán phải nắm vững ít nhất kiến thức của 10 ngành học liên quan đến chính trị, tôn giáo, đạo đức, pháp luật, giao thông, tiền tệ, ngôn ngữ, tâm lý, khí tượng... Tuy nhiên, những con người uyên bác như vậy hiện nay không có nhiều.
Ngoại hình của các chuyên gia đàm phán cũng là một yêu cầu hết sức nghiêm ngặt, đó là : không cường tráng cũng không gầy còm, tốt nhất là hơi lùn một chút, hơi béo một chút sẽ đem lại cảm giác thật thà, mộc mạc, đáng tin cậy cho kẻ bắt cóc. Nếu chuyên gia đàm phán quá đẹp trai sẽ mang lại áp lực cho kẻ bắt cóc và cuộc đàm phán dễ đi vào bế tắc. Do yêu cầu quá cao như vậy, nên hiện nay mới chỉ có chuyên gia đàm phán là nam giới.
Mối liên hệ duy nhất
Nhìn chung, khi sự việc xảy ra khoảng 45 phút thì bắt đầu có đàm phán, vai trò của chuyên gia đàm phán lúc này là làm cho hoàn cảnh được yên ả. Chuyên gia đàm phán trở thành mối liên hệ duy nhất giữa bọn bắt cóc với thế giới bên ngoài, thành vật thay thế con tin và trở thành “bao cát” cho kẻ bắt cóc con tin.
Bọn bắt cóc sẽ chuyển sự chú ý của chúng từ con tin sang chuyên gia đàm phán. Theo kinh nghiệm chuyên gia đàm phán, họ nên giữ khoảng cách 5m với kẻ bắt cóc nhằm quan sát rõ toàn bộ hành vi cũng như những biểu lộ trên khuôn mặt chúng.
Kẻ bắt cóc thường là người từ nơi khác đến, nên chuyên gia đàm phán có thể dùng ngôn ngữ địa phương của chúng nhằm nâng cao hiệu quả đàm phán.
Đặt ra các giả thiết
Một hoặc nửa giờ sau khi sự việc xảy ra, nếu không có con tin nào bị giết thì con đường đàm phán đã được mở, bọn bắt cóc sẽ đưa ra yêu cầu. Nhiệm vụ tiếp theo của chuyên gia đàm phán lúc này là mô tả thế giới nội tâm của bọn bắt cóc, tìm điểm tiếp cận. Chuyên gia đàm phán lợi dụng triệt để toàn bộ mối liên hệ xã hội của bọn bắt cóc, tiến hành thử nghiệm mọi giả thuyết nhưng tuyệt đối không kích động chúng.
Nếu đàm phán đã được tiến hành nhưng bọn bắt cóc không từ bỏ ý định thả con tin, thì các chuyên gia phải phân tán tư tưởng của chúng. Lúc này bọn bắt cóc muốn gì cũng không quan trọng mà cốt lõi là để chúng nói, cho chúng nhắc lại yêu cầu nhiều lần nhằm làm tiêu hao tinh lực của chúng.
Trong những tình huống này cứ để chúng nói liên tục, thậm chí hướng cho chúng nói đến các chủ đề “vô thưởng vô phạt” như: muốn có ô tô không, ô tô kiểu gì, ô tô có điều hòa không… Điều đó khiến cho kẻ bắt cóc không ngừng suy nghĩ về việc chúng đang làm và có thể nhận thức được đòi hỏi của mình là quá hoang đường, từ đó dẫn chúng làm theo sách lược của chuyên gia đàm phán.
Khi đàm phán không thành
Khi tình trạng uy hiếp con tin hoặc đàm phán kéo dài từ 3 tiếng trở lên, đàm phán có thể thành công vì kẻ bắt cóc đã thấm mệt do hoócmôn Gonadotropin ở tuyến thượng thận suy giảm, cơn đói khát giày vò. Lúc này, chuyên gia đàm phán đưa ra yêu cầu thả con tin. Cũng có nhiều trường hợp cảnh sát lợi dụng lúc tiếp nước, đồ ăn để chủ động tấn công, tiêu diệt kẻ bắt cóc.
Rất nhiều người khi nói đến giải cứu con tin là nghĩ ngay tới việc đảm bảo tính mạng an toàn cho các con tin. Tuy nhiên, Tiến sĩ Schlossberg đưa ra một sách lược hết sức kinh ngạc: Nên xem nhẹ vấn đề con tin, mục đích chủ yếu là làm cho kẻ bắt cóc nảy sinh tâm lý ám thị coi con tin không có giá trị gì. Tuy nhiên, về thực chất vấn đề hàng đầu vẫn là bảo đảm tính mạng con tin.
Qua 5 tiếng đồng hồ không ngừng dò xét thái độ của cảnh sát và chính quyền, kẻ bắt cóc đương nhiên đã mệt mỏi rã rời. Lúc này, sự thành công lớn nhất của việc đàm phán không thành là việc cảnh sát xoay chuyển tình thế và tiêu diệt kẻ bắt cóc.
Theo chuyên gia đàm phán số một của Trung Quốc - Giáo sư Cao Phong, tỷ lệ các vụ giải cứu con tin của Trung Quốc mấy năm gần đây: “ 1/3 may mắn, 1/3 liều mạng, 1/3 thất bại”. Trong khi đó, chuyên gia về tâm lý học hình sự của cảnh sát Anh Girard White Leith cho rằng, cảnh sát phải chịu mọi trách nhiệm về những người có mặt tại hiện trường, bao gồm cả con tin và kẻ bắt cóc, kể cả khi kẻ bắt cóc có ý đồ làm tổn thương chính mình.
Kết quả cuối cùng của cuộc giải cứu con tin không ngoài 3 trường hợp sau: Kẻ bắt cóc đầu hàng được gọi là là thượng sách; tấn công tiêu diệt được gọi là trung sách; cảnh sát thỏa hiệp được gọi là hạ sách. Tuy nhiên việc cảnh sát thỏa hiệp rất ít xảy ra, tấn công tiêu diệt và các bi kịch xảy ra lại không còn là chuyện lạ.
Hương Mai (Theo Tân Hoa Xã)