Giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước giảm xuống dưới 3%

(PLVN) - Ngày 17/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành Lao động - Thương binh và Xã hội lần thứ V, năm 2020. Đến dự có Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng đại diện các cơ quan, đơn vị chức năng.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: TTXVN)

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua", đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai có hiệu quả 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động đó là Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển; Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhận được sự quan tâm, đồng lòng thực hiện của các cấp, các ngành chức năng và toàn xã hội. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ hơn 9% vào đầu năm 2016, ước còn dưới 3% vào cuối năm 2020.

Các địa phương xuất hiện nhiều mô hình, cá nhân điển hình trong công tác giảm nghèo. Những người có hoàn cảnh khó khăn, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội. Hiện nay, cả nước có hơn 3 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe…

Thông qua việc thực hiện tốt các phong trào thi đua, giai đoạn 2015-2020, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục góp phần đưa các chính sách an sinh xã hội vào đời sống. Nổi bật là các phong trào mang ý nghĩa “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân, chăm sóc người có công được các cấp, các ngành quan tâm, ưu tiên thực hiện.

Kết quả, trong 5 năm vừa qua, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” vận động được hơn 2.580 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 55.000 nhà ở của hộ gia đình người có công; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng…

Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương, ghi nhận những kết quả nổi bật ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đạt được trong giai đoạn 2015-2020. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, cùng với cả nước, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ của ngành cũng như các chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Để thực hiện tốt hơn các phong trào thi đua trong giai đoạn 2020-2025, qua đó tiếp tục thực hiện tốt hơn các chính sách an sinh xã hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh yêu cầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của các phong trào thi đua; vận động, thu hút sự tham gia tự giác, tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.

Việc thực hiện các phong trào thi đua phải có mục tiêu, nội dung cụ thể, thông qua những công việc hằng ngày. Hình thức thi đua cần sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, thuận lợi cho mọi người cùng tham gia.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng lưu ý ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung giải quyết dứt điểm việc xét khen thưởng thành tích kháng chiến còn tồn đọng, phong tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” nhằm thực hiện tốt chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng và Nhà nước đối với người có công cách mạng…

Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã được biểu dương, khen thưởng. 

Đọc thêm