Giải mã Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ

(PLO) - Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Alex N. Wong mới đây đã có cuộc gặp gỡ báo chí để nói về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Alex N. Wong.

2 sửa đổi lớn

Tại cuộc gặp gỡ, ông Wong cho rằng năm đầu tiên của chính quyền Trump là một năm quan trọng về chính sách của Mỹ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, ngay cả trước khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã có mối quan hệ sâu sắc với lãnh đạo các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Ông đã tiếp đón một số lãnh đạo tại Mar-a-Lago và có các chuyến thăm cấp quốc gia. Bộ Ngoại giao Mỹ trong năm qua cũng đã cử một số viên chức chính phủ đến khu vực, bao gồm từ Bộ trưởng Quốc phòng đến ngoại trưởng và các quan chức khác với kết thúc là chuyến đi lịch sử của Tổng thống Mỹ đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Đây là chuyến công du dài nhất đến khu vực của Tổng thống. Và trong chuyến đi này, Tổng thống Trump đã trình bày khái niệm về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở rộng trong bài phát biểu của ông tại Đà Nẵng, Việt Nam”, ông Wong nhấn mạnh.

Theo quan chức ngoại giao Mỹ, Mỹ xem năm đầu tiên của chính quyền mới là năm giới thiệu khái niệm chiến lược. Và các năm thứ 2, thứ 3 và thứ 4 của ít nhất là nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Trump chính là những năm hình thành và thực hiện chiến lược. “Đây là giai đoạn tôi, Vụ Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương và những vị khác ở các cơ quan liên quan thực sự tham gia khi chúng tôi thúc đẩy chiến lược này”, ông Wong cho hay.

Vẫn theo ông Wong, chiến lược mới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm 2 sửa đổi mà Mỹ đã chọn để mô tả chiến lược, bao gồm Tự do và Mở rộng cửa. Theo đó, “tự do” mà Mỹ muốn nói đến trước hết là vùng bay quốc tế. Ở khía cạnh này, Mỹ muốn các quốc gia của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không bị ép buộc, có thể theo đuổi theo cách có chủ quyền những lộ trình họ muốn trong khu vực. Ở phương diện quốc gia, Mỹ muốn xã hội của các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khác nhau được tự do hơn, bao gồm về quản lý, về quyền hạn cơ bản, về minh bạch và chống tham nhũng.  

Đề cập tới khía cạnh “mở cửa” hay “mở rộng cửa”, Phó Trợ lý Ngoại trưởng  Mỹ cho rằng “mở cửa” trước tiên và trên hết là giao thông đường biển và hàng không mở rộng. “Giao thông đường biển mở rộng thực sự là nguồn sống của khu vực. Khi quý vị nhìn vào thương mại thế giới, với 50% thương mại đi qua Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dọc theo đường biển, đặc biệt đi qua Biển Đông thì đường biển và đường hàng không mở rộng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang dần trở nên thiết yếu và quan trọng cho thế giới”, ông nói.

Khái niệm “mở rộng” mà Mỹ muốn nói ở đây cũng bao gồm ý nghĩa hậu cần - cơ sở hạ tầng mở rộng hơn. Ông Wong cho rằng cơ sở hạ tầng khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang có khoảng cách. Để khuyến khích hội nhập khu vực tốt hơn, khuyến khích phát triển kinh tế mạnh hơn, Mỹ muốn giúp khu vực thực hiện cơ sở hạ tầng theo cách phù hợp, cơ sở hạ tầng thực sự hội nhập và tăng GDP của các nền kinh tế lập hiến, chứ không phải ép đè họ xuống.

“Chúng tôi cũng có ý là đầu tư mở rộng hơn. Trong hàng thập niên, Mỹ ủng hộ môi trường đầu tư mở rộng hơn, cấu trúc luật lệ minh mạch hơn, để khu vực không chỉ mở rộng cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ mà còn cho những người dân bản xứ, nhà cải cách bản xứ, các doanh nghiệp bản xứ có thể tận dụng những môi trường đầu tư để phát triển kinh tế khắp khu vực”, ông nói thêm.

Ngoài ra, khái niệm “mở rộng” của Mỹ cũng còn bao gồm hàm ý thương mại mở rộng cửa hơn. Thương mại tự do, công bằng và có đi có lại là điều mà Mỹ đã ủng hộ hàng thập kỷ qua và chính quyền Trump cũng ủng hộ.

Theo Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, thương mại hai chiều giữa Mỹ và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mỗi năm hiện đã đạt mức 1,4 nghìn tỷ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ trong khu vực là 860 tỷ USD/năm. Cả hai con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên.

Những khác biệt chính

Theo ông Wong, nguyên tắc mà Mỹ đề cập trong chiến lược, nghe thì có vẻ không khác gì nhiều so với những nguyên tác trước đây bởi sự thực là Mỹ đã theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở rộng cửa trong khu vực trong ít nhất 70 năm, kể từ Chiến tranh thế giới II.  Tuy nhiên, ông Wong nhấn mạnh hai điều khác biệt của chiến lược hiện nay so với chiến lược trước kia.

Theo đó, ông cho biết, khác biệt thứ nhất nằm ở trọng tâm và nỗ lực của Mỹ trong khu vực. “Khi sức nặng về dân số và kinh tế của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phát triển thì trọng tâm và nỗ lực của chúng ta trong khu vực phải tăng theo tương xứng”, ông cho hay. Khác biệt thứ 2 nằm ở việc sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Cụ thể, ông Wong cho biết, trước đây, người ta sử dụng thuật ngữ châu Á - Thái Bình Dương, hay chỉ đơn giản là châu Á, nhưng chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã chọn cụm từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

“Đó là vì hai lý do. Lý do thứ nhất là nó xác nhận thực tế lịch sử và thực tế hiện tại rằng Nam Á, cụ thể là Ấn Độ, đóng vai trò quan trọng tại Thái Bình Dương, Đông Á và Đông Nam Á. Đây là sự thật trong hàng ngàn năm và vẫn là sự thật cho đến hôm nay. Thứ 2, việc Ấn Độ đóng vai trò rất lớn trong khu vực là lợi ích của Mỹ, cũng như của khu vực”, ông Wong nói. Ông này cho rằng Ấn Độ là nước có thể bảo vệ và gắn liền với tự do và mở cửa tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, chính sách của Mỹ là bảo đảm Ấn Độ đóng vai trò này, trở thành quốc gia có nhiều ảnh hưởng hơn theo thời gian trong khu vực. 

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Alex N. Wong tin tưởng rằng Ấn Độ có khả năng và tiềm năng để đóng một vai trò ngày càng quan trọng trên tất cả các mặt an ninh, kinh tế và ngoại giao trong khu vực. Theo ông Wong, việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã mời lãnh đạo của các nước ASEAN đến Delhi trong Ngày Quốc Khánh của Ấn Độ là một dấu hiệu thực sự quan trọng về mối quan hệ ngày càng tăng mà Ấn Độ đang theo đuổi ở Đông Nam Á.  

Ông Wong cũng lưu ý việc không chỉ Ấn Độ đang tham gia tích cực hơn với Đông Á và Đông Nam Á mà các đối tác khác trong khu vực cũng đều đang tìm cách tăng cường quan hệ chính trị, an ninh và kinh tế, đặc biệt với các quốc gia ASEAN. Ví dụ, Hàn Quốc đang thực hiện chính sách Nam mới, Nhật Bản có Chiến lược Tự do và Mở rộng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương còn Australia trong chính sách đối ngoại cũng có chính sách hướng Nam… Theo ông Wong, việc này có lợi cho các nước. “Nếu chúng ta có những mối quan hệ qua lại này và tạo nên một tổ chức mạnh mẽ cho một trật tự tự do và dựa trên luật lệ, sự thịnh vượng của khu vực, tăng cường sự ổn định trong khu vực sẽ gia tăng và đó là điều chúng ta cùng ủng hộ”, ông nói.

Về Trung Quốc, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, nếu Mỹ cùng với các đối tác có thể thống nhất các nước thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung Quốc, về một tầm nhìn tự do và cởi mở, ủng hộ thị trường tự do, ủng hộ chủ quyền thì không chỉ Mỹ có lợi mà tất cả các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung Quốc đều có lợi. 

Đọc thêm