'Giải mã' nguyên nhân cuộc chiến 'lịch sử' của điện ảnh Việt

(PLO) - Sau “phát pháo” của BHD và Công ty VAA trong buổi họp báo ra mắt bộ phim “Tấm Cám – Chuyện chưa kể”, mới đây, CGV đã đáp trả bằng thông cáo lật ngược toàn bộ thông tin mà đối phương đưa ra. Nhiều người đánh giá, đây có lẽ là “cuộc chiến” gay cấn nhất trong lịch sử điện ảnh Việt từ trước đến nay, nó phản ánh những vấn đề nảy sinh tất yếu trong xu thế chuyển mình của thị trường phim Việt.
'Giải mã' nguyên nhân cuộc chiến 'lịch sử' của điện ảnh Việt

Có chuyện “ép” phim Việt?

Có thể nói “Tấm Cám – Chuyện chưa kể” không phải là nguyên nhân đích thực của cuộc chiến này mà chỉ là giọt nước tràn ly để các bên chính thức “trở mặt” với nhau. Câu chuyện phim Việt bị các cụm rạp ngoại tại Việt Nam, mà cụ thể nhất là CGV không “mặn mà” đã râm ran từ rất lâu trước đó.

Tháng 5/2016, BHD, VAA cùng 6 công ty, đơn vị liên quan đến điện ảnh cũng đã làm đơn khiếu nại lên Hội Điện ảnh, cho rằng CGV có những động thái ép phim Việt như lấy tỉ lệ ăn chia bất hợp lý, phim Việt bị đưa vào các khung giờ không đẹp, không đầu tư chiến dịch quảng bá… và có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Cho đến thời điểm ra mắt bộ phim “Tấm Cám”, câu chuyện bị ép này lại một lần nữa bùng lên với những giọt nước mắt của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân ngay tại buổi họp báo, khiến CGV đứng trước làn sóng chỉ trích của dư luận. 

Mới đây, đáp trả lại động thái của BHD và VAA, CGV đã đưa ra một thông cáo báo chí, trong đó đưa ra những thông tin hầu như hoàn toàn trái ngược với đối phương. Theo Dong Won Kwak – Tổng Giám đốc Công ty CJ CGV Việt Nam, ngoài việc nỗ lực xây dựng chất lượng cụm rạp góp phần nâng tầm thị trường điện ảnh Việt thì CGV còn có nhiều hoạt động ưu ái, đầu tư cho điện ảnh Việt.

Dẫn chứng của ý kiến này, CGV đưa ra hàng loạt phim Việt đã, đang và sắp công chiếu tại CGV như “Tôi thấy hoa vàng trên có xanh” (chiếu 81 ngày), “Ngày nảy ngày nay” (42 ngày), “Gái già lắm chiêu” (33 ngày), “Chàng trai năm ấy” (22 ngày). Không những thế, CGV tố ngược BHD mới chính là đơn vị không ưu ái cho phim Việt, với thống kê số phim CGV phát hành trong năm 2015 chỉ được BHD hỗ trợ tổng cộng 30 ngày chiếu, từ chối nhiều phim Việt mà CGV sắp phát hành… Về bộ phim “Tấm Cám – Chuyện chưa kể”, CGV nhấn mạnh đã hết sức hợp tác, quảng bá cho bộ phim, mức phần trăm đưa ra là hoàn toàn hợp lý và đơn vị không hợp tác chính là BHD.

CGV cho biết “đây là hành vi đưa ra thông tin không trung thực ảnh hưởng xấu đến hoạt động của CGV, lợi dụng lòng tự tôn dân tộc cho mục đích cá nhân” và sẽ tiến hành kiện ngược BHD cùng một số đơn vị khác vì hành vi “gièm pha, cạnh tranh không lành mạnh.

Mâu thuẫn để cùng phát triển?

“Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”, trước những luồng thông tin trái chiếu liên tục được đưa ra, dư luận chia làm hai hướng rõ rệt: một phía kêu gọi “ủng hộ phim Việt”, tẩy chay CGV, phía còn lại cho rằng, đơn vị sản xuất và phát hành “Tấm Cám – Chuyện chưa kể” đang dùng “chiêu trò”, khổ nhục kế bị chèn ép, kêu gọi ủng hộ phim Việt nhằm lăng xê cho bộ phim. Thị trường điện ảnh đang khá “chấn động” với cuộc chiến không chỉ của các nhà sản xuất, phát hành phim mà của cả khán giả và những người yêu điện ảnh.

Thật ra, không phải cuộc chiến nào cũng đem lại mất mát, thiệt hại. Có những “trận đấu” mang tính thời cuộc, đánh dấu những bước tiến của một lĩnh vực nào đó. Đó là trường hợp đang xảy ra sau buổi ra mắt “Tấm Cám – Chuyện chưa kể”. Câu chuyện phim Việt bị chèn ép trên sân nhà đã là một sự thực được giới điện ảnh thừa nhận, tuy nhiên, vẫn luôn là những dấu hỏi âm ỉ, chưa được giải quyết, lâu ngày trở thành một khối u nhức nhối trong làng điện ảnh. Những cuộc tố nhau giữa các nhà phát hành lớn nhất Việt Nam chính là dịp để đưa những thực trạng này ra ánh sáng, mổ xẻ để có hướng giải quyết dứt điểm.

Luật Điện ảnh quy định, quyền và trách nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc cơ sở chiếu phim là phải bảo đảm tỷ lệ số buổi chiếu phim Việt Nam so với phim nước ngoài, giờ chiếu phim Việt Nam, theo quy định của Chính phủ. Đây chính là căn cứ để cả CGV và BHD “tố nhau”. Tuy nhiên, cần phải nhìn rõ không phải sự mâu thuẫn nào cũng cần “một mất một còn”.

Cả CGV, BHD, VAA hay nhiều đơn vị khác, thực tế đang nỗ lực đầu tư cho điện ảnh, đem lại lợi nhuận và đem lại một thị trường điện ảnh Việt phát triển, hiện đại. Lợi ích chung và lâu dài là rất lớn. Chính vì thế, điều quan trọng không phải cơ quan quản lý cần đi đến kết luận ai đúng, ai sai mà là có sự nhìn nhận thấu đáo vấn đề, những vướng mắc nằm ở đâu mà giải quyết, để cả hai bên đều “tâm phục, khẩu phục”, đảm bảo Luật Điện ảnh được thực thi hiệu quả, tiếp tục đi đến lợi ích chung cho điện ảnh Việt.