Tòa án nhận được khoảng 2.000 lá đơn từ khắp nơi gửi về đề nghị xem xét lại bản án tử hình đối với Giám đốc Công ty Quang Phát.
“Đưa tiền để chạy chữa”…
Báo Pháp luật Việt Nam, số ra ngày 18/11/2010 có bài “Cuộc điện thoại có giá cước là án tù chung thân” phản ánh việc TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên án tù chung thân đối với bị cáo Bùi Hải Bài là chưa đủ căn cứ. Bị cáo Bài bị kết tội là “đồng phạm giết người” vì một cuộc điện thoại không liên quan gì đến hành động phạm tội của những kẻ sát nhân.
|
Trụ sở Công ty Quang Phát |
Nhưng lật mở những trang hồ sơ của vụ án, các luật sư một lần nữa phải “sốc” trước bản án tử hình đối với ông Nguyễn Tiến Phương, Giám đốc Công ty Quang Phát, người được cho là “đầu vụ” và bị cáo này bị kết án bởi “tội chứng” là số tiền mà ông ta bỏ ra nhằm mục đích chạy chữa cho những người bị thương trong vụ đánh nhau.
Trở lại vụ án, ngày 30/5/2009, khi nhóm người Vũ Ngọc Tuất (Chấn điên), Vũ Huy Đô, Ty Tuấn Luân và Nông Văn Môn đánh anh Lê Văn Điệp và anh Nguyễn Minh Trí bị thương nặng, nhóm người này đã đưa anh Điệp, Trí lên xe và đi về khu vực bến Lợn.
Khoảng 19h cùng ngày, Nguyễn Tiến Chung đến gặp anh trai là Nguyễn Tiến Phương “báo cáo” lại việc đánh nhau gây thương tích đối với hai anh Điệp, Trí và xin tiền chữa cho người bị đánh. Ông Phương đã đưa cho Chung 20 vạn nhân dân tệ (NTD) để sang Trung Quốc chạy chữa cho người bị đánh sau khi mắng em.
Thời điểm mà ông Chung nói lại sự việc và xin tiền ông Phương để chạy chữa cho Điệp và Trí có 3 người khác cùng có mặt là Khổng Thanh Thu, Hà Quốc (người Trung Quốc) và Bài. Tại CQĐT và trong quá trình xét xử, các bị cáo đã khai rõ về lý do và mục đích mà ông Phương đưa số tiền 20 vạn NDT này cho Chung.
Theo lời khai của Chung thì chính Chung là người xin tiền để chữa trị cho người bị đánh. Còn bị cáo Bài còn nhớ rõ lời “chỉ đạo” của ông Phương đối với Chung “đây là 20 vạn NDT, mày cầm lấy đi sang Trung Quốc mà chữa trị cho chúng nó”. Ông Phương còn dặn thêm “ai có thể chữa được thì chữa, nhớ phải trông coi cẩn thận”. Những chứng cứ này cũng đã được CQĐT ghi nhận trong kết luận điều tra của vụ án.
Biến thành “đưa tiền để giết người”.
Sau khi cầm tiền, Chung cùng với Khổng Thanh Thu và Hà Quốc, Vũ Ngọc Tuất đã đưa anh Điệp, Trí sang Trung Quốc. Quốc gọi điện cho “đàn em” là các đối tượng người Trung Quốc, gồm Mã Lưu, Trương Tôn Vũ, Hoàng Trí Khánh đưa hai người bị thương này vào sâu đất Trung Quốc.
Theo lời khai của Trương Tôn Vũ, khi nhóm người này đưa anh Điệp và Trí vào Đông Hưng thì một người đã rất nguy kịch nên Hoàng Trí Khánh đã đưa lọ dầu Vạn Hoa cho Vũ để bôi cho người bị thương nặng này; nhưng Vũ phát hiện người này đã tử vong, nên điện thoại báo cho Quốc biết tình trạng của nạn nhân.
Một lát sau, Quốc gọi lại vào chỉ đạo “ông chủ Việt Nam chi 20 vạn NDT để xử lý gọn gàng hai người bị thương”. Được lệnh nhưng Trương Tôn Vũ không dám hành động mà gọi điện lại cho Quốc để hỏi cho rõ nên “xử lý” thế nào. Lúc đó, Hà Quốc đã yêu cầu Vũ đợi Hà Quốc, Chung và Vũ Ngọc Tuấn đến xử lý.
Khi hai nhóm người này gặp nhau, Vũ Ngọc Tuất cùng nhóm đàn em của Quốc đã trực tiếp sát hại anh Điệp và anh Trí, còn Quốc và Chung vẫn ngồi trên ô tô. Xong việc, Quốc đã giao số tiền 20 vạn NDT cho nhóm người này.
Như vậy, số tiền 20 vạn NDT được lấy ra khỏi két để sử dụng vào việc cứu chữa cho nạn nhân nhưng khi nó sang tay những người khác thì đã trở thành tiền giết người. Phương bị VKSND tỉnh Quảng Ninh xác định là sử dụng tiền này để “thuê” nhóm người Trung Quốc giết hại anh Điệp và anh Trí nên đã bị tuyên án tử hình. Việc đưa tiền của Phương rõ ràng là vì động cơ và mục đích cứu người, nhưng đã bị sử dụng sai mục đích thì việc buộc tội chủ doanh nghiệp này về tội danh trên liệu có thỏa đáng?.