Lệnh truy nã của Interpol có 7 màu: Đỏ, xanh Lam, Vàng, xanh Lục, Đen, Trắng và Tím; trong đó màu Đỏ là yêu cầu truy bắt tội phạm bỏ trốn rồi dẫn độ; màu xanh Lam: yêu cầu được cung cấp thông tin về địa điểm, nhân thân và quá trình phạm tội của tội phạm quốc tế.v.v..
Một nửa là “nhân vật số 1”
Ngày 22/4/2015, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương ĐCS Trung Quốc (UBKTKLTW) đã công bố bản Danh sách 100 tội phạm đang lẩn trốn ở nước ngoài bị Interpol phát lệnh truy nã màu Đỏ (sau đây gọi tắt là “Danh sách 100 người”).
Tư liệu của UBKTKLTW cho biết, gần một nửa số này (48 người) là các “nhân vật số 1” trong các cơ quan đảng, chính quyền hoặc đơn vị xí nghiệp; hơn 60% phạm tội tham ô, nhận hối lộ.
100 người này đều là nhân viên công tác nhà nước hoặc can phạm của các vụ án tham nhũng quan trọng với chứng cứ xác thực, bị truy bắt trên phạm vi toàn thế giới; trong đó 77 người là nam giới, 23 là phụ nữ; trong đó có cảnh sát, kế toán, thủ quỹ, quan chức ngân hàng…
Về phân loại theo tội, hơn 60% phạm tội tham ô, nhận hối lộ; ngoài ra còn có sử dụng trái phép tiền công, lừa đảo, lạm dụng chức quyền, che dấu tội phạm…Về địa điểm gây án, nhiều nhất là các tỉnh ven biển phía Đông Nam như Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tô…Về địa bàn lẩn trốn, nhiều nhất là Mỹ (40 người), Canada (26), kế đó đến New Zealand, Australia, Thái Lan, Singapore.
Về địa phương có tội phạm bỏ trốn, nhiều nhất là Quảng Đông (15 người), rồi đến Chiết Giang (8), Bắc Kinh, Giang Tô và Hà Bắc (7 người), Liêu Ninh, Sơn Đông, Hà Nam, Hồ Bắc, Vân Nam (6 người).
Về thành phần tội phạm: có 59 người thuộc các xí nghiệp, công ty, cơ quan chính quyền: 21 người, lĩnh vực tài chính ngan hàng 12, cán bộ đảng: 4, đơn vị sự nghiệp: 3, Chính Hiệp: 1 người.
|
Dương Tú Châu kẻ đứng đầu danh sách |
Trong số 100 tội phạm, ngoài số quan chức, cán bộ quản lý…ôm tiền bỏ trốn, còn có một số người người ta khó tin cũng là tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài. Ví dụ: Quách Hân, nữ, sinh 1964, Phó Giáo sư sử học, ĐH Vân Nam; Thạch Dương, nam, sinh 1969, thủ quỹ Văn phòng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Liêu Ninh; Vương Giai Triết, nam, sinh 1961, trị sự Liêu Ninh Nhật báo; Ngô Quyền Thâm, nam, sinh 1956, Bí thư chi bộ thôn ở Tăng Thành, Quảng Đông; Quách Khiết Phương, nữ, sinh 1953, nhân viên cảnh sát giao thông Quảng Châu…
Trốn 6 năm ở Guinea bị bắt quy án
Ngày 1/1/2016, Bùi Kiện Cường, tội phạm được đánh số 10 trong bản “Danh sách 100 tội phạm Trung Quốc bị truy nã Đỏ quốc tế” của Interpol đã bị bắt và dẫn giải về nước quy án sau 6 năm lẩn trốn tại Guinea. Cường là kẻ thứ 19 bị bắt trong chiến dịch Thiên Võng (Lưới trời) được phát động từ tháng 4/2015 và là tội phạm thứ 2 ở Bắc Kinh trốn ra nước ngoài trong bản “Danh sách 100 người” bị bắt.
Bùi Kiện Cường năm nay 48 tuổi, người Bắc Kinh, nguyên là cán bộ phụ trách Phòng Xuất nhập khẩu của Công ty TNHH hợp tác quốc tế Trung Xí phạm tội tham ô, trốn ra nước ngoài qua ngả Hongkong từ tháng 11/2009, có mã số A-3517/5-2010 trong Lệnh truy nã quốc tế Đỏ của Interpol.
Năm 2015 khi Bộ Công an Trung Quốc triển khai chiến dịch Thiên Võng, công bố “Danh sách 100 người”, Cường trở thành đối tượng truy bắt trọng điểm. Trong quá trình lần tìm manh mối, Viện Kiểm sát khu Tây Thành đã nhận được tố giác của quần chúng phát hiện hắn đang lẩn trốn ở Guinea một quốc gia Tây Phi.
Văn phòng truy nã tội phạm đào tẩu Bắc Kinh và Viện Kiểm sát khu qua phối hợp nghiên cứu đối chiếu đã xác nhận đúng là Cường đang mở một trung tâm tắm hơi ở thủ đô Conakri và có quan hệ với băng nhóm xã hội đen ở bản địa. Được sự chỉ đạo và giúp đỡ của Văn phòng truy bắt tội phạm bỏ trốn trung ương, Văn phòng thành phố Bắc Kinh đã thành lập tổ công tác gồm cán bộ Ủy ban kiểm tra kỷ luật thành ủy, Viện Kiểm sát thành phố và Cục CA Bắc Kinh triển khai công tác truy bắt Cường mang về quy án.
Bộ ngoại giao, Bộ CA, Sứ quán Trung Quốc tại Guinea đã phối hợp đưa tổ công tác sang châu Phi, phối hợp với phía nước bạn tổ chức tiến hành công tác vây bắt. Ngày 25/12/2015, Bùi Kiện Cường đã bị tóm rồi được dẫn giải về nước qua các chặng bay Guinea – Senegan – Ethiopia – Bắc Kinh do không có đường bay thẳng.
Bùi Kiện Cường là tội phạm thứ 2 của Bắc Kinh trong “Danh sách 100 người” bị bắt từ nước ngoài dẫn giải về. Người đầu tiên là Tôn Tân, một kẻ phạm tội về chức vụ bị bắt sau 7 năm lẩn trốn ở Campuchia.
Từ tháng 10/2014 đến nay, cơ quan Viện Kiểm sát Bắc Kinh đã bắt được 25 tội phạm phạm tội về chức vụ bỏ trốn, trong đó 2 người bị bắt ở nước ngoài; ngoài ra còn thuyết phục thành công 2 tội phạm lẩn trốn ở nước ngoài về nước đầu thú quy án.
Tháng 5/2003, khi đang là Trưởng phòng XNK công ty Trung Xí, Bùi Kiện Cường đã lợi dụng thuận lợi về chức vụ để tham ô hơn 200 ngàn tệ công quỹ (700 triệu VND) và tiêu xài trái phép mấy chục ngàn tệ. 6 tháng sau, Cường tham gia một vụ buôn lậu qua biên giới, thông qua thủ đoạn làm hợp đồng giả, xuất hóa đơn giả để giúp một công ty cơ điện Thượng Hải trốn thuế 450 ngàn tệ và bị bắt tống giam vì tội buôn lậu.
|
Lệnh truy nã một đối tượng |
Tháng 11/2003, Cường bị giam giữ trong trại tạm giam; năm 2004 y bị Tòa án Thượng Hải tuyên phạt 6 năm tù giam; nếu không được giảm án thì Cường sẽ được tự do vào tháng 11/2009. Tháng 6/2009, Viện Kiểm sát Tây Thành Bắc Kinh đã lập hồ sơ về tội tham ô của Cường. Theo nguồn tin nội bộ, ít lâu sau khi Viện Kiểm sát Tây Thành lập hồ sơ, Cường đã bỏ trốn, thời gian y bỏ trốn đúng vào thời điểm y sẽ được trả tự do, tức là tháng 11/2009.
Kể từ khi chiến dịch “Thiên Võng” được phát động nhằm truy bắt tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài hồi tháng 4/2015 đến nay đã có 19 người trong “Danh sách 100 người” nói ở trên bị sa lưới do bị bắt, bị dẫn độ hoặc nghe theo lời khuyên về nước đầu thú.
(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 38, ngày 25/1/2016)