Giải ngân vốn đầu tư công chậm vì còn nể nang

(PLVN) - Sau lời của Chủ tịch Quốc hội về thực trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, tại phiên chất vấn chiều 11/11, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã nhận một phần trách nhiệm vì nể nang.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang) chất vấn, theo báo cáo của Chính phủ đến ngày 31/10/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng như việc giải ngân vốn ODA còn đạt thấp so với kế hoạch. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của việc giải ngân chậm và giải pháp gì để thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và những năm tiếp theo.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, giải ngân đầu tư công là một vấn đề được rất nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước quan tâm và cũng đã được nêu tại rất nhiều tại các kỳ họp của Quốc hội. Thế nhưng các vấn đề vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để và tỷ lệ giải ngân vẫn rất thấp, đặc biệt là năm nay.

Đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang)
Đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang)

Theo Bộ trưởng, tình trạng này có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan. Trong đó, khâu tổ chức thực hiện hiện nay vẫn là khâu yếu, toàn bộ vấn đề từ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, tất cả các nhóm A,B, C đã phân cấp cho địa phương, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đã phân cấp cho địa phương. Điều chỉnh chủ trương đầu tư; phê duyệt, giao vốn chi tiết điều chỉnh kế hoạch đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, các công tác này cần phải thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn các nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 63 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Cùng với đó, là trách nhiệm người đừng đầu phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng để đấu thầu phải làm nhanh hơn. Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng cũng phải phát huy tinh thần để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời.

Bộ cũng đang rà soát lại vướng mắc trong sửa các Luật sắp tới, tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, các địa phương và các Bộ, ngành phải nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định thì mới giải quyết tận gốc của vấn đề, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, năm 2020, giải ngân đầu tư công đạt kỷ lục 98%. 10 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân đầu tư chưa được 50%.

“Cùng môi trường thể chế như nhau nhưng sao đơn vị giải ngân cao, đơn vị giải ngân thấp. Doanh nghiệp, người dân đều mong có gói kích thích mới, trong khi tiền chúng ta có còn chưa tiêu hết, năng lực hấp thu vốn của chúng ta như thế nào”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Trong đó, 16.000 tỷ đồng của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, theo Chủ tịch Quốc hội, đến nay chưa phân bổ được một đồng, 86.000 tỷ đồng của các địa phương cũng chưa phân bổ.

“Nếu chúng ta không làm rõ, dù Quốc hội chất vấn xong, có Nghị quyết, thì vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Trách nhiệm ở đâu phải làm rõ, tình hình kiểm tra giám sát giải quyết thế nào, không thể nói chung chung là vướng mắc”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói và đề nghị các cấp, các ngành, các bộ phải làm rõ câu chuyện này.

Tranh luận về công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ, theo Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam), có nguyên nhân chủ quan ở khâu tổ chức thực hiện và việc làm sao để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng này bởi nếu để vướng mắc tồn tại nhiều năm như thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của nền kinh tế.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam)

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam)

Giải đáp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, vấn đề hiện nay không nằm ở hệ thống luật pháp, tất cả liên quan đến đầu tư công đến nay rất rõ ràng và đầy đủ trên tinh thần phân cấp triệt để cho các địa phương, không còn nội dung nào phải lên đến Trung ương.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận một nguyên nhân do công tác lập kế hoạch không sát. Các đơn vị, địa phương đề xuất nguồn, nhu cầu vốn rất lớn nhưng trên thực tế lại không thể giải ngân.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có một phần trách nhiệm vì nể nang, làm không hết trách nhiệm khi tổng hợp và trình lên Chính phủ. Nếu số vốn không sát thực tiễn quá lớn, sẽ gây áp lực lên tỷ lệ giải ngân, phải điều chuyển vốn, trả lại vốn, hủy vốn…

Vấn đề này Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin nhận một phần trách nhiệm trong công tác rà soát kế hoạch vốn mà các bộ, ngành, các địa phương trình lên”, Bộ trưởng Dũng nói.

Đọc thêm