Thi hài Bác được giữ gìn rất tốt
Chiều 18/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Hội đồng Khoa học y tế kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm 7 thành viên người Việt Nam và 4 nhà khoa học y tế của Liên bang Nga.
Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng, Giáo sư, Viện sĩ (GS.VS), Tiến sĩ khoa học Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, từ ngày 12 đến 18/7/2019, hội đồng đã khẩn trương, nghiêm túc tiến hành kiểm tra, đánh giá thực trạng, trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh qua 50 năm bảo quản, giữ gìn và phục vụ thăm viếng.
Qua đó, kết luận của Hội đồng khoa học y tế là trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được giữ gìn rất tốt. Hội đồng cũng đề xuất phương hướng và các giải pháp khoa học kỹ thuật để giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong những năm tiếp theo, đặc biệt, đề xuất kế hoạch hợp tác nghiên cứu với Trung tâm nghiên cứu y sinh Moscow, Liên bang Nga.
GS.VS thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga Banin Victor Vasilievich cho biết, hội đồng nhất trí cần tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác giữa Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung tâm nghiên cứu y sinh Moscow.
GS Vasilievich cho rằng, cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo các cán bộ y tế, kỹ thuật tham gia công tác giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học giữa Việt Nam và Liên bang Nga để trao đổi, thông báo tiến bộ khoa học mới phục vụ công tác này. Các nhà khoa học Liên bang Nga khẳng định sẽ tích cực cùng các chuyên gia Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bày tỏ cảm ơn các nhà khoa học Liên bang Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nhà khoa học tiếp tục ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hợp tác, nghiên cứu khoa học phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài của Bác.
Thủ tướng cũng đề nghị Hội đồng khoa học cấp Nhà nước về bảo quản, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu kết quả của Hội đồng khoa học y tế, tiếp tục thực hiện tham mưu đề xuất với Thủ tướng định hướng chỉ đạo khoa học công nghệ đối với Ban Quản lý Lăng nhằm bảo quản, giữ gìn thi hài Bác một cách tốt nhất.
Hành trình phối hợp 50 năm qua
Thiếu tướng Cao Đình Kiếm - Chính uỷ Bộ Tư lệnh (BTL) bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, tháng 5/1967, sau sinh nhật lần thứ 77, sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh có dấu hiệu giảm sút. Vì vậy, Bộ Chính trị họp phiên bất thường do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn chủ trì, bàn việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và chuẩn bị cho việc giữ gìn lâu dài thi hài khi Hồ Chủ tịch đi vào cõi vĩnh hằng.
Bộ Chính trị nhất trí giao nhiệm vụ đặc biệt này cho Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đảm nhiệm. Chính phủ Liên Xô khẳng định sẽ ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng.
3 cán bộ y tế giỏi được gửi sang Liên Xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài gồm có Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Gia Quyền (tổ trưởng), Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh lý Quân y Viện 108; bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm Khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ Lê Điều, Chủ nhiệm Khoa Ngoại Bệnh viện Việt - Xô. Sau 7 tháng miệt mài học tập, ngày 7/4/1968, khoá học kết thúc, các bác sĩ trở về nước. Từ 3 người cũ, tổ y tế đặc biệt thuộc biên chế của Quân y viện 108 sau đó được thành lập gồm 6 người.
Lúc này, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cũng chỉ thị cho BTL Công binh xây dựng công trình bí mật (mang mật danh 75A) ở phía sau Nhà tang lễ Quân y viện 108 để phục vụ công tác giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình được xây dựng xong vào cuối năm 1968. 9h47 ngày 2/9/1969 (tức ngày 21/7 năm Kỷ Dậu), Chủ tịch Hồ Chí Minh trút hơi thở cuối cùng. Theo kế hoạch đã chuẩn bị sẵn, thi hài Bác được chuyển về Quân y viện 108 để các chuyên gia Liên Xô và Tổ y tế đặc biệt của Việt Nam bắt đầu công việc.
Từng thao tác kỹ thuật thận trọng, tỷ mỷ, chính xác được thực hiện để giữ nguyên những nét đặc trưng trên khuôn mặt, đôi tay, làn da, râu tóc của Bác đúng như lúc sinh thời. Sau gần 3 giờ làm việc liên tục, các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam hoàn thành công việc.
Từ trưa 2/9 đến hết ngày 5/9/1969, các chuyên gia Liên Xô và Tổ y tế đặc biệt thay phiên nhau làm việc, đạt kết quả bước đầu, bảo đảm có thể đưa thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tổ chức lễ viếng. 20h ngày 5/9, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đưa về hội trường Ba Đình, đặt nằm trên giường gỗ trải nệm trắng, trong chiếc hòm kính trong suốt.
Phía trên là bàn thờ, khói hương trầm nghi ngút; cạnh đó lãnh đạo Đảng, Nhà nước thay nhau túc trực. Lễ truy điệu được Đảng, Nhà nước cử hành ngày 9/9/1969 tại quảng trường Ba Đình, sau đó thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa về công trình 75A, chuẩn bị cho việc giữ gìn lâu dài.
Lo ngại chiến tranh leo thang, Khu vực K9 Ba Vì với đồi thông yên tĩnh nằm trong khu rừng dài và rộng ở hữu ngạn sông Đà được lựa chọn để gìn giữ thi hài Bác. Ngày 15/12/1969, công trình K9 hoàn thành vượt mức thời gian quy định 10 ngày và được đổi tên thành K84 (K9 + K75) để giữ bí mật. 23h ngày 23/12/1969, đoàn xe đặc biệt xuất phát từ 75A đưa thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến K84, sau hơn 4 giờ hành quân.
Ngày 16/2/1970, Đoàn 69 được thành lập trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, có nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc giữ gìn, bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 5/1970, kỹ thuật cơ bản giữ gìn lâu dài thi hài Bác đã hoàn thành.
Từ Tổ y tế đặc biệt, sau đó là Đoàn 69 - tiền thân của BTL bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay, Việt Nam đã được các chuyên gia Liên Xô đào tạo đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên sâu, làm chủ được công nghệ gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.