Gấp rút chuyển sàn giao dịch...
Ngay sau khi Bộ Tài chính thông tin về việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ có các giải pháp để hạn chế tình trạng nghẽn lệnh đang khiến cho nhà đầu tư (NĐT) bức xúc, ngày 3/3/2021, UBCKNN chính thức có công văn triển khai kế hoạch chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ Sở giao dịch chứng khoán (GDCK) TP Hồ Chí Minh (HoSE) sang Sở GDCK Hà Nội (HNX).
Đây là giải pháp được cho là giảm tải cho hệ thống giao dịch của HoSE. Cơ chế này áp dụng ngay từ ngày 3/3/2021 và sẽ chấm dứt khi chuẩn bị xong giải pháp công nghệ giải quyết hiện tượng nghẽn lệnh tại HoSE.
Theo cơ chế này, doanh nghiệp (DN) có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HoSE sang HNX phải có văn bản yêu cầu, kèm theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) hoặc của Đại hội đồng cổ đông gửi HNX và HoSE.
Đối với cổ phiếu của các công ty chuyển giao dịch nằm trong bộ chỉ số VN-Index của HoSE sẽ được đưa ra khỏi bộ chỉ số của HoSE trong thời gian tạm thời chuyển giao dịch sang HNX. Riêng đối với các cổ phiếu của các công ty nằm trong bộ chỉ số VN30, tạm thời chưa xem xét chuyển giao dịch.
Nóng với đề xuất nâng lô giao dịch
Nếu như giải pháp chuyển sàn được các chuyên gia, thành viên thị trường NĐT ủng hộ thì giải pháp nâng lô giao dịch từ 100 lên 1000 cổ phiếu/lô mà HoSE đang đưa lấy ý kiến lại có nhiều ý kiến trái chiều.
Trong thông tin của Bộ Tài chính đưa ra hôm 1/3/2021, UBCKNN cho biết, để giảm tải lệnh lô lẻ cho hệ thống, từ ngày 4/01/2021 HoSE đã nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HoSE cho biết, trước đây, khi giá trị giao dịch vượt ngưỡng 13.000 tỷ đồng thì giao dịch khớp lệnh thường xuyên bị nghẽn lệnh, HoSE đã nâng giao dịch lô chẵn từ 10 lên 100 đơn vị. Giải pháp này giúp thanh khoản tăng được 15 – 18% như dự kiến. Tuy nhiên, hiện tượng nghẽn lệnh vẫn chưa xử lý được dứt điểm, nhất là trong các phiên có thanh khoản chạm đến mức 15.000 - 16.000 tỷ đồng. Do đó HoSE đề xuất tiếp tục nâng lô chẵn lên 1.000 cổ phiếu.
Theo tính toán của HoSE, việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Ngoài ra, việc này có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường, các NĐT nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp…
Đề xuất này khiến dư luận “dậy sóng” khi có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Phía ủng hộ (tiêu biểu là ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán SSI) cho rằng, đã gọi là giải pháp xử lý sự cố tắc nghẽn hệ thống vì quá tải thì kiểu gì cũng có mặt trái, nhưng nếu không có giải pháp thì hệ thống sụp đổ thị trường sẽ dừng hoạt động.
“Trong hai cái dở phải chọn cái ít dở hơn thôi! Giải pháp tăng lô lên 1.000 là lựa chọn khả dĩ nhất lúc này để duy trì hệ thống, khi hệ thống mới được đưa vào sử dụng thì sẽ giảm trở lại lô 10. Các công ty chứng khoán cần tổ chức mua lô lẻ cho NĐT”.
Theo ông Hưng, giống như cần trị bệnh phải uống thuốc thì mục tiêu chính là giảm bệnh và phải chấp nhận các phản ứng phụ của thuốc! Đây là hệ quả của thị trường đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với khả năng phát triển cùa hệ thống trong nhiều năm qua, cho nên để giải quyết triệt để không thể chỉ là những giải pháp một sớm một chiều.
Tuy nhiên, phía không ủng hộ lại tỏ ra khá gay gắt khi cho rằng việc nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu chẳng khác nào chuyện "hẹp cửa vào, rào lối đi", rằng tạo sân chơi cho nhà giàu, bỏ rơi NĐT nhỏ… Thậm chí trên một số diễn đàn xã hội đã có ý kiến về việc Chủ tịch HoSE phải từ chức.
Thực tế, với việc nâng lô từ 100 lên 1.000 cổ phiếu đòi hỏi số tiền đặt phải gấp 10 lần so với trước. Theo tính toán, nếu lô giao dịch tối thiểu trên HOSE được nâng lên 1.000 cổ phiếu, đồng nghĩa, các NĐT có số vốn dưới 50 triệu đồng sẽ không giao dịch được khoảng 64 cổ phiếu, chiếm 54% vốn hóa HoSE.
Không chỉ các NĐT, với việc nâng lô lên 1.000, bản thân các công ty chứng khoán cũng gặp khó khi phải bỏ số tiền không nhỏ để nâng cấp hệ thống giao dịch, phát sinh thêm nhân sự để xử lý việc giao dịch lô lẻ, chưa kể các vấn đề phát sinh như: Mua cổ phiếu lô lẻ ở mức giá nào? Biên độ giá là bao nhiêu để đảm bảo cả công ty chứng khoán và NĐT đều không thấy mình bị thiệt hại?
Giải pháp “đẹp” nhất vẫn là đẩy nhanh tiến độ đưa hệ thống công nghệ thông tin TTCK mới (KRX) vào hoạt động. Trước đó, trao đổi với PLVN (giữa tháng 1/2021), Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, đáng lẽ hệ thống này đã hoàn thành trong năm 2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021 này. Tuy nhiên mốc này cũng chưa chắc chắn vì còn phụ thuộc diễn biến dịch Covid-19 bởi liên quan đến chuyên gia Hàn Quốc sang Việt Nam triển khai hệ thống…
“Trước mắt, giải pháp để chống nghẽn lệnh có nhiều nhưng cơ quan chức năng phải tìm giải pháp nào ít tác động đến NĐT và thị trường nhất", một chuyên gia chứng khoán lâu năm bày tỏ quan điểm…