Giải pháp nào hạn chế việc lạm dụng giam giữ?

Việc tạm giam để chờ xét xử không được đưa thành nguyên tắc chung. Người bị truy tố có thể được tạm tha kèm theo các điều kiện để anh ta bắt buộc có mặt tại tòa án khi xét xử và chấp hành án khi tòa tuyên có tội. Một quy định quan trọng nữa là thẩm quyền ra lệnh giam giữ chỉ được ban hành bởi tòa án và được thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt.

Theo công ước quốc tế về quyền con người thì việc tạm giam nên được áp dụng hạn chế và thời gian giam giữ càng ngắn càng tốt để tránh việc công dân phải ngồi tù khi chưa có bản án của tòa án.

Bắt bị can để tạm giam. Ảnh: MH
Bắt bị can để tạm giam. Ảnh: MH

Trong diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ nhất, năm 2012 với chủ đề “Hoàn thiện pháp luật vì quyền con người” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc – UNDP và Bộ Tư pháp phối hợp thực hiện, nhiều vấn đề về xây dựng và hoàn thiện pháp luật hình sự và tố tụng hình sự đã được đặt ra để đảm bảo các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự nước ta phù hợp với các quy định của Công ước quốc tế về quyền con người.

Trong các nội dung được nghiên cứu, thảo luận nhiều nhất là việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đặc biệt là giam giữ phải được xây dựng theo hướng phù hợp để tránh sự giam giữ tùy tiện đối với công dân.

Trong số những nội dung cần hoàn thiện pháp luật là các quy định về áp dụng biện pháp giam giữ trong tố tụng hình sự. Theo Công ước về quyền con người thì quyền được bảo vệ khỏi bị bắt, giam giữ tùy tiện, trái pháp luật là quyền cơ bản, cốt lõi của tự do và an toàn cá nhân. Theo đó, một người bị bắt, giam giữ về một tội phạm phải sớm được đưa ra tòa án xét xử, thời gian giam giữ càng ngắn càng tốt.

Việc tạm giam để chờ xét xử không được đưa thành nguyên tắc chung. Người bị truy tố có thể được tạm tha kèm theo các điều kiện để anh ta bắt buộc có mặt tại tòa án khi xét xử và chấp hành án khi tòa tuyên có tội. Một quy định quan trọng nữa là thẩm quyền ra lệnh giam giữ chỉ được ban hành bởi tòa án và được thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt.

Theo đánh giá của nhóm chuyên gia, về việc áp dụng biện pháp giam giữ, pháp luật nước ta còn một số điểm chưa tương thích với nội dung Công ước về quyền con người và Công ước về các quyền chính sự, dân sự, cụ thể là: Bộ Luật tố tụng hình sự mới quy định nguyên tắc liên quan đến việc bắt, giam giữ nhưng chưa quy định nguyên tắc về quyền không bị bắt, giam giữ bất hợp pháp; thời hạn tạm giữ là 3 ngày nhưng được gia hạn hai lần nên thực tế người bị giữ là 9 ngày, khoảng thời gian này quá dài đối với việc tạm giữ một người và đặc biệt là đối tượng bị tạm giam quá nhiều, thời hạn tạm giam quá dài.

Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, để pháp luật tố tụng hình sự nước ta phù hợp với các chuẩn mực pháp luật quốc tế trong việc giam giữ, cần quy định nguyên tắc về quyền không bị bắt giữ, giam giữ trong Bộ Luật tố tụng hình sự. Đồng thời, xem xét rút ngắn thời hạn tạm giữ, tạm giam cũng như hạn chế bớt các đối tượng bị áp dụng biện pháp giam giữ và thay vào đó là các biện pháp ngăn chặn khác để đảm bảo các bị can được xét xử đúng tội nhưng không xâm phạm các quyền cơ bản của họ trước khi có bản án của tòa án.

Việc giam giữ tràn lan và xâm phạm các quyền của bị can được pháp luật ghi nhận trong thời gian qua cũng là một thực tế được nhiều luật sư phản ánh. Trong quá trình tham gia bào chữa các vụ án hình sự, giới luật sư đã ghi nhận được một thực tế là biện pháp tạm giam đang bị lạm dụng như một biện pháp nghiệp vụ của cơ quan điều tra, thay vì đây là biện pháp ngăn chặn nhằm đảm bảo việc điều tra được thực hiện đúng pháp luật.

Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Việt Hùng, Trưởng VPLS Trí Việt.

Thưa Luật sư, theo nhận định của các nhà nghiên cứu thì hiện thời hạn tạm giam và đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng còn nhiều điểm chưa hợp lý, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi, kết quả nghiên cứu, phân tích này rất đúng với thực tế áp dụng biện pháp giam giữ. Thời gian tạm giam để điều tra có thể là cần thiết. Nhưng, khi điều tra xong, các bị can vẫn bị giam giữ một cách không cần thiết. Thậm chí việc giam giữ không cần thiết này kéo dài nhiều năm. Một ví dụ điển hình là vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP chứng khoán Bảo Việt”. Hiện nay, bị can đã bị tạm giam 38 tháng trong khi vụ án đã kết thúc điều tra từ khoảng 30 tháng trước. Thực tế, bị can đã phải ngồi tù hơn 3 năm mà không có bản án của tòa án.

Việc quy định về thời hạn tạm giam và gia hạn tạm giam như hiện nay dẫn đến hậu quả là cơ quan ra lệnh giam giữ có thể kéo dài việc giam giữ này đến vô thời hạn. Khi đã giam giữ quá lâu mà không có bản án tuyên bố là có tội thì rõ ràng là trái pháp luật. Như vậy, liệu sau này có tòa án nào dám tuyên bị can là “vô tội”  không, khi mà các cơ quan này ý thức được rằng, nếu bị can được tuyên vô tội thì cơ quan phê chuẩn giam giữ phải bồi thường (?).

Theo ông, tại sao các cơ quan có quyền giam giữ lại kéo dài thời gian giam giữ đối với các bị can mà không thay bằng các biện pháp ngăn chặn khác mà pháp luật có quy định?

- Đối với cơ quan điều tra, việc giam giữ giống như một biện pháp nghiệp vụ điều tra. Vì, sau khi giam giữ, các bị can thường bớt “cứng đầu” hơn và điều tra viên dễ áp dụng các biện pháp tâm lý để lấy khẩu cung hơn. Khi bị giam giữ, các bị can không biết thông tin liên quan đến vụ án. Họ chỉ còn kênh duy nhất tiếp xúc với bên ngoài là điều tra viên. Lúc đó, các biện pháp nghiệp vụ dễ áp dụng để đánh vào tâm lý bị can, khiến bị can phải chấp nhận khai báo.

Đối với VKS, và Tòa án, mặc dù quá trình điều tra kết thúc nhưng do pháp luật không cấm việc giam giữ trong thời gian chờ xét xử nên việc giam giữ vẫn cứ được tiến hành. Do luật không quy định nên VKS và Tòa án cũng không có lý do gì để thay đổi việc giam giữ bằng biện pháp ngăn chặn khác.

Xin cảm ơn ông!

X.B

Đọc thêm